Liệu việc thiếu vắng lời khai của đồng phạm như trên có ảnh hưởng đến việc chứng minh hành vi “cướp tài sản” trong vụ án này?
Từ việc đòi nợ
Theo KLĐT và Cáo trạng thì cuối năm 2016 chị Dương Thị Thanh Huyền (trú tại xã Thụy Phương, Bắc Từ Liêm) có vay của Lê Cường 25 triệu đồng, đã trả 11 triệu đồng (còn nợ 14 triệu đồng). Chị Huyền nhiều lần khất nợ nhưng Cường đều không đồng ý.
Ngày 24/9/2017, vợ chồng chị Huyền cùng hai người bạn đến phòng trọ của chị Trịnh Thị Huyền (phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) dự sinh nhật. kHi đang ăn uống tại đây thì Lê Cường cùng bạn là Bùi Trung Sĩ và Phạm Trung Kiên xông vào. Cường túm tóc và đấm đá chị Thanh Huyền bắt trả 20 triệu đồng. Tiếp đó, Kiên dùng tay chân đấm đá và cầm con dao (loại dùng gọt hoa quả) dí vào cổ chị Huyền dọa giết nếu không trả tiền. Thấy chị Huyền sợ hãi, Kiên vứt dao xuống nền nhà. Sỹ cũng dùng tay chân dấm đá chị Huyền.
Tại đây, Cường đã bắt vợ chồng chị Huyền đến ngày 10/10/2017 phải trả 10 triệu đồng. Còn 10 triệu trả nốt vào ngày 10/11. Do lo sợ bị các đối tượng tiếp tục đánh chị Huyền nên anh Vũ Sơn Lâm (chồng chị Huyền) đã phải đồng ý theo yêu cầu trên.
Ngày 11/10/1017, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cường, Sĩ, Kiên về tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, do Sĩ, và Kiên đã bỏ trốn nên CQĐT đã ra quyết định truy nã và tách rút tài liệu để xử lý sau.
Tại CQĐT, Cường khi nhận lý do đánh chị Huyền là bực tức vì chị này còn nợ 20 triệu (chứ không phải 14 triệu đồng) mà không chịu trả.
Ngoài ra, vợ Cường (chị Nguyễn Thị Lụa) cũng cung cấp cho CQĐT giấy tờ, bút tích thể hiện chị Huyền đã vay của Cường 10 triệu đồng và nhận 15 triệu đồng để “mua giúp xe máy”. Sau đó, chị Huyền chỉ trả được 5 triệu đồng, không mua xe máy cho vợ chồng Cường và “cắt” liên lạc. Việc Cường đòi chị Huyền 20 triệu đồng là đúng số tiền nợ chứ không đòi “lố” 6 triệu đồng.
Bị hại có thực sự “không thể chống cự”?
Hiện, Lê Cường đã bị VKS truy tố về tội “cướp tài sản” với tình tiết “tái phạm nguy hiểm” và “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Nhưng đáng nói ở chỗ, bị can Kiên- người bị coi là trực tiếp “sử dụng vũ khí” trong vụ án này- lại chưa bị bắt và chưa có lời khai nào tại CQĐT. Thiếu lời khai quan trọng này thì liệu có đủ chứng cứ để quy kết Cường “thống nhất ý chí” với Kiên về việc Kiên sẽ dùng dao dí vào cổ bị hại? Nếu sau này, Kiên và Sĩ có lời khai mâu thuẫn với lời khai của Cường, mâu thuẫn với lời khai của bị hại thì liệu có phải lật lại hồ sơ vụ án?
Hơn nữa, tại CQĐT, ban đầu thì Cường khai nhận có việc Kiên lấy dao dưới mâm để dí vào cổ chị Huyền và Cường đã bảo Kiên đi ra ngoài. Nhưng đến đầu năm 2018 thì Cường phủ nhận lời khai trên và khẳng định mình không nhìn thấy Kiên dí dao vào cổ chị Huyền.
Tuy nhiên, hiện nay, VKSND quận Bắc Từ Liêm vẫn khẳng định Cường, Sĩ, Kiên đã dùng tay chân đánh chị Huyền. Riêng Kiên còn dí dao vào cổ chị này để ép trả cho Cường 20 triệu đồng.
Theo Luật sư (LS) Đinh Duy Hải (Đoàn LS Hà Nội) thì dấu hiệu cơ bản của tội “cướp tài sản” là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Nhưng tại hiện trường lúc đó có cả anh Lâm (chồng chị Huyền) cùng 2 người bạn trai và chị Trịnh Thị Huyền (chủ nhà). Trong tình trạng này, liệu bị hại Huyền có “lâm vào tình trạng không thể chống cự được” hoặc bị “tê liệt ý chí phản kháng” hay không? Theo KLĐT và Cáo trạng thì Kiên dùng dao dí vào cổ chị Huyền nhưng ngay sau đó, Kiên đã vứt dao xuống nền nhà. Sau đó, Cường và Anh Lâm mới trao đổi, hẹn ngày trả tiền. Theo LS Hải thì tại giai đoạn này, cần làm rõ bị hại khi đã thoát khỏi sự khống chế của Kiên thì có điều kiện để phản kháng, kêu cứu hoặc chạy khỏi ngôi nhà hay không? Nếu có những điều kiện này thì rõ ràng, bị hại không hề lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Hơn nữa, tội cướp tài sản còn thể hiện qua việc, người nào bị tấn công, bị dùng vũ lực hoặc bị đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì chính người đó phải chấp nhận chuyển dịch tài sản cho bị cáo. Tuy nhiên, trong vụ án này thì ngay tại thời điểm có việc dùng vũ lực thì bị cáo không hề chiếm đoạt tiền hoặc lấy bất cứ tài sản nào của bị hại để trừ nợ. Sau đó, anh Lâm và bị cáo mới thống nhất thời điểm trả nợ vào ngày 10/10 và 10/11. Tại KLĐT và Cáo trạng đều nêu “do sợ bị các đối tượng tiếp tục đánh chị Huyền nên anh Vũ Sơn Lâm phải đồng ý trả nợ theo yêu cầu của Cường…”. Như vậy, nếu đúng diễn biến như trên thì rõ ràng không thỏa mãn dấu hiệu của tội “cướp tài sản” vì người chấp nhận trả tiền không phải là người bị đánh hoặc tấn công.
Với phân tích trên, LS Hải cho rằng,việc lời khai của Cường và bị hại còn nhiều mâu thuẫn, trong khi chưa có lời khai của hai người bị coi là “đồng phạm”; hồ sơ vụ án còn nhiều tình tiết “định tội” chưa chuẩn…thì việc quy kết Cường về tội “cướp tài sản” hay một tội danh khác cần phải được HĐXX cân nhắc thận trọng trong phiên tòa tới đây. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại việc tách vụ án vì BLTTHS đã quy định rõ, việc tách vụ án phải đảm bảo “không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”.