“Công an liên tục mời chúng tôi đến làm gì?”
Theo phản ánh, 16 lô đất này (2 lô 300m2, 12 lô 150m2 và 2 lô 292m2) nằm ở hai đầu khu đất H2, được cấp sổ đỏ cho ông Lưu Tấn Tiến năm 2008. Những lô đất này bị “xẻ” khá bất hợp lý, vì bị vát chéo một góc, nên có những lô rộng thênh thang, trong khi lô bên cạnh chỉ bằng một nửa, vừa khó bán, vừa không đẹp. Ông Tiến tự xoay hướng, biến 8 lô đất mỗi bên thành dãy nhà 10 căn, diện tích từ 125m2 trở lên.
Xây như vậy, vừa đẹp mắt hợp lý vừa dễ bán hơn, nhưng không đúng với “sổ đỏ”: Có 16 sổ mà ông Tiến xây tới 20 căn. Trên sổ, các lô đất quay mặt tiền hướng về đường DH2, DH3 thì ông Tiến lại xoay mặt tiền tất cả ra đường NA7 và NH4. Giữa năm 2017, ông Tiến chuyển nhượng lại nhà đất cho bà Nguyễn Thị Nhung. Bà Nhung ký hợp đồng dịch vụ với Kim Oanh là công ty môi giới để giới thiệu tìm kiếm khách hàng. Kim Oanh ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng 20 căn nhà trên cho 18 khách. Khách được bàn giao nhà, diện tích, thiết kế đúng như hợp đồng đặt cọc.
Mới đây UBND Bến Cát có văn bản không đồng ý cho các bên tách nhập sổ, xoay hướng 16 lô đất thành 20 căn nhà như thực tế hiện nay. Sau đó Công an Bình Dương liên tục có giấy mời Kim Oanh đến làm việc. Lo ngại sự việc dân sự bị hình sự hóa, Kim Oanh có đơn gửi đến hàng loạt cơ quan báo chí. Trước đó, Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị xem xét giải quyết các vướng mắc, đề nghị của Kim Oanh.
Đại diện Kim Oanh cho biết thêm, sau khi ký hợp đồng đặt cọc, các sổ đỏ đã được giao khách hàng giữ. Hợp đồng có thể hiện điều khoản nếu xảy ra một số tình huống bất khả kháng thì hai bên thanh lý, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. “Chưa chuyển nhượng chính thức mà đã giao sổ đỏ cho khách, như vậy DN đã rất thật tình, chứ không hề có bất cứ ý định xấu nào”, đại diện DN nói.
“Hơn nữa, thực tế cho thấy việc các căn nhà được ông Tiến tự xoay hướng có mặt tiền rộng và thuận tiện giao thông hơn so với sổ đỏ, hiện các hộ dân buôn bán phát đạt, góp phần làm sầm uất đời sống khu vực. DN và nhiều khách cũng đã thực hiện theo đúng hợp đồng đặt cọc, vì xảy ra tình trạng không ra được sổ mới nên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, Kim Oanh bồi thường thêm một khoản tiền. Đây chỉ là một giao dịch dân sự thuần túy, vậy Công an Bình Dương liên tục mời chúng tôi đến làm việc làm gì?”.
Kim Oanh đã họp các khách hàng, thiện chí muốn thanh lý toàn bộ các hợp đồng đặt cọc. |
Cơ quan chức năng Bình Dương nói gì?
Sau khi bài viết được đăng tải, hôm nay (22/7), PLVN lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, chuyên gia pháp luật. Trao đổi với PV, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) phân tích rõ: “DN không cần lo ngại vì sự việc hoàn toàn là quan hệ dân sự. Kim Oanh không hề lừa đảo”. Theo LS Hiệp, ví dụ xét về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc phải xem xét các yếu tố sau: Trước tiên là ý thức chiếm đoạt. Tiếp theo là dùng hành vi gian dối bằng cách cung cấp thông tin không có thật để thực hiện ý thức chiếm đoạt.
“Ở ngay dòng đầu tiên của hợp đồng đặt cọc giữa khách hàng với Kim Oanh nêu: “Sau khi xem xét, đã biết rõ tình trạng pháp lý của bất động sản giao dịch, hai bên tự nguyện cùng nhau lập và ký hợp đồng…”. Ngay từ ban đầu, Kim Oanh đã cung cấp tình trạng pháp lý của các căn nhà cho khách hàng và khách hàng biết rõ điều đó. Điều này chứng tỏ không có hành vi gian dối bằng việc cung cấp thông tin không đúng sự thật”, LS Hiệp nói.
“Thứ hai, xét về ý thức chiếm đoạt, sau khi khách đặt cọc, Kim Oanh thực hiện đúng cam kết là bàn giao nhà, khách hàng đã vào ở, thậm chí Kim Oanh còn giao sổ cho khách. Kim Oanh cũng thực hiện các cam kết là tiến hành lập thủ tục cấp sổ mới nhưng chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Ngoài ra, dự án là có thật, đất thổ cư và nhà là có thật. Không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy Kim Oanh gian đối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản khách hàng”.
Cũng trong ngày hôm nay (22/7), nhóm PV đã liên hệ làm việc với Công an tỉnh Bình Dương về vấn đề trên. Tại trụ sở cơ quan, ông Đặng Thành Sang, điều tra viên, cho biết được phân công tiếp nhận thông tin của Báo PLVN về hai vấn đề tại Khu H2 và việc cơ quan này ra các văn bản thu thập hồ sơ liên quan đến pháp nhân và cá nhân của tập đoàn Kim Oanh.
Phóng viên đặt một số câu hỏi : Trong sự việc “16 lô đất, 20 căn nhà”, có hay không dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự, nhất là vấn đề này đã được Thủ tướng lưu ý nhiều lần? Có tin báo tố giác tội phạm với Kim Oanh hay không và như thế nào? Tiến trình điều tra hiện nay ra sao? Kim Oanh chỉ là bên môi giới, tại sao bị điều tra? Đối với các dự án khác do Kim Oanh thực hiện, tại sao Công an Bình Dương có văn bản gửi nhiều cơ quan đề nghị thu thập hồ sơ của DN?... Trước những câu hỏi trên, ông Sang cho biết sẽ báo cáo lại lãnh đạo và sẽ trả lời PLVN sớm nhất.
Phóng viên tiếp tục liên hệ ông Bùi Minh Thạnh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương. Sau khi nghe thông tin phản ánh, ông Thạnh lại đề nghị báo phải có văn bản thì mới trình và chuyển đến các cơ quan khác.
Phóng viên tiếp tục tìm đến UBND và Phòng TN&MT TX Bến Cát tìm hiểu sự việc, tuy nhiên đại diện cả hai cơ quan này cho rằng Bến Cát đang thực hiện đại hội đảng bộ nên ghi nhận thông tin và trả lời sau.
Trong sự việc trên, nguồn gốc rắc rối dấu hiệu đến từ chính cơ quan chức năng.
Trước 2008, mặc dù đây là dự án phát triển khu đô thị mới chưa được lập và cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng Becamex đã phát triển dự án là xây dựng hạ tầng và chuyển nhượng. Điều lạ hơn là chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng UBND huyện Bến Cát lại cấp “sổ đỏ” cho cá nhân ông Tiến. Điều này có trái quy định hay không?
Bất thường hơn, sổ đỏ cấp cho ông Tiến năm 2008 đều ghi rõ “Sơ đồ thửa đất tỷ lệ 1/500”. Vậy có quy hoạch chi tiết 1/500 hay chưa? Nếu có thì năm 2016 quy hoạch chi tiết này là gì?
Câu hỏi tiếp theo, đây là khu tái định cư thì việc mua bán các lô đất nền này để dẫn đến ông Tiến được cấp sổ đỏ có đúng luật hay không?