Giải thích của HĐND tỉnh Đồng Nai
Như Báo PLVN đã thông tin, để tạo cơ sở hợp thức hóa việc thu hồi đất cho các dự án, ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 11069 “về việc bổ sung dự án cần thu hồi đất năm 2016 của UBND TP.Biên Hòa” đề nghị Thường trực HĐND tỉnh bổ sung 4 dự án cần thu hồi đất trong năm 2016 với tổng cộng 53,87 ha.
Mặc dù theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như theo quy định của Luật Đất đai thì Thường trực HĐND tỉnh không có thẩm quyền, nhưng ngày 6/1/2016 cơ quan này vẫn ban hành văn bản 06 thống nhất bổ sung 4 dự án theo văn bản trình của UBND tỉnh Đồng Nai.
Sau khi Báo PLVN có loạt bài phản ánh, ngày 25/3/2019, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc thu hồi đất ở dự án Khu dân cư theo quy hoạch xã Phước Tân (DA Phước Tân) có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngày 7/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 675/TTg-QHĐP trả lời một số nội dung mà vị đại biểu này đã chất vấn.
Văn bản cho biết, về vụ việc mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã có Báo cáo số 269 ngày 7/5/2019 và UBND tỉnh Đồng Nai có Báo cáo số 5379 ngày 15/5/2019 để giải trình. Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cho hay: Theo đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản 06 ngày 6/1/2016 trong đó thống nhất bổ sung 4 dự án (trong đó có DA Phước Tân-PV) theo văn bản trình của UBND tỉnh vào danh mục dự án cần thu hồi đất trong năm 2016 trên địa bàn để UBND TP.Biên Hòa bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.
Nói về tính pháp lý để ra Văn bản 06, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết: Văn bản 06 đã căn cứ vào Khoản 1 Điều 142 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, căn cứ Khoản 4, Điều 21 Nghị quyết số 753 ngày 2/4/2005 của UBTV Quốc hội về ban hành quy chế hoạt động của HĐND và Khoản 4, Điều 33 Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2011-2016, được ban hành theo Nghị quyết số 15 ngày 15/7/2011.
Cơ quan này cũng xác nhận, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã vận dụng quy định nói trên để cho ý kiến và đề nghị UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp gần nhất mà không đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để thông qua. Và cũng theo cơ quan này, tại kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh Đồng Nai giữa năm 2016, UBND tỉnh đã có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 183 ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh. Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai tại kỳ họp có nêu rõ số dự án, công trình cần thu hồi đất đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 183 là 152 dự án; số dự án thông qua Thường trực HĐND tỉnh tại văn bản 06 là 4 dự án (?!).
Văn bản tiếp tục gây tranh cãi
Liên quan đến vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh, được biết, trong câu hỏi chất vấn người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay, ngày 19/10/2017, UBTV Quốc hội đã có Văn bản 191 về việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND.
Theo văn bản này, UBTV Quốc hội khẳng định: Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định về việc HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết các vấn đề giữa hai kỳ họp HĐND. Do vậy, trong quá trình hoạt động, Thường trực HĐND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tại các văn bản quy phạm pháp luật khác. “Qua đó cho thấy, việc UBND và Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ra các văn bản về bổ sung dự án thu hồi đất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật”- theo đại biểu Nhưỡng.
Trao đổi với PV Báo PLVN, luật sư Đỗ Văn Nhặn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, Thường trực HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai nói là họ đã vận dụng quy định tại Nghị quyết số 753 của UBTV Quốc hội và thẩm quyền được HĐND tỉnh Đồng Nai giao tại Nghị quyết số 15 ngày 15/7/2011 để ban hành Văn bản 06 là không có căn cứ, trái thẩm quyền, văn bản này không có giá trị pháp lý.
Theo luật sư Nhặn, bởi Nghị quyết số 753 của UBTV Quốc hội và Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh Đồng Nai không có bất cứ quy định nào quy định về thẩm quyền thu hồi đất của Thường trực HĐND tỉnh. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết của UBTV Quốc Hội. “Căn cứ Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu trong trường hợp Luật Đất đai năm 2013 và Nghị quyết số 753 của UBTV Quốc hội có quy định mâu thuẫn về thẩm quyền thu hồi đất thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013”- luật sư Nhặn nhấn mạnh.
Vị luật sư này cũng cho rằng, nếu công nhận Văn bản 06 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai có hiệu lực pháp lý sẽ dẫn đến tiền lệ sau này, làm vô hiệu hóa thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng Thường trực HĐND lạm quyền, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND rồi báo cáo sau, đặt sự việc vào tình trạng đã rồi, khi đó HĐND bị tiếm quyền, không còn là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét về thẩm quyền ban hành, tính pháp lý của Văn bản 06 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai.