Thửa đất chị Nga cho rằng đã mua từ năm 1993 nhưng nay bị bên bán đòi lại vì chỉ “cho mượn đất”. |
Có giấy tờ thể hiện mua bán đất
Như PLVN đã thông tin, sau khi thu thập được bản chính giấy mua đất năm 1993, chị Phạm Thị Thu Nga (bị đơn, SN 1971, trú tại tổ 5, phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) đã đề nghị kháng nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ kiện “đòi đất cho mượn, tranh chấp đất…” để giám định chữ ký của bên bán đất, đồng thời là nguyên đơn khởi kiện “đòi đất”.
Trước đó, HĐXX sơ thẩm của TAND quận Long Biên và HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đều đã chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện “đòi đất cho mượn” (thửa đất số 254 và 255 tờ bản đồ số 21, rộng hơn 1100 m2) của cụ Nguyễn Thị An (SN 1929, trú tại tổ 5, phường Thạch Bàn) đối với chị Phạm Thị Thu Nga (cháu ngoại, SN 1971, cùng trú tại tổ 5, phường Thạch Bàn). Tòa cũng ghi nhận sự tự nguyện của cụ An về thanh toán công sức tôn sức cho chị Nga nên buộc chị này phải trả lại cho cụ An hơn 686m2 đất
Trong khi đó, trong suốt quá trình thụ lý, xét xử vụ án, chị Nga luôn khẳng định mình đã mua đất của cụ An vào năm 1993 với giá 100 triệu đồng, có lập giấy mua bán đất, gồm chữ ký của cụ An và các con cụ An (nội dung ghi rõ có ghi rõ “tôi cùng 4 người con hoàn toàn nhất trí quyền sở hữu mảnh đất trên thuộc về cháu Phạm Thị Thu Nga kể từ ngày 10/10/1993).
Nhưng vào thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, chị Nga chỉ xuất trình được bản phô tô giấy mua đất trên do đã dùng bản chính để cầm cố vay tiền của bà T. Vì vậy, Tòa án đã tiến hành triệu tập bà T tham gia vụ án (với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) nhưng bà này chỉ xuất trình tài liệu trên (sau đó thì không giao nộp cho Tòa vì “không nhớ đã để đâu”).
Sau phiên tòa phúc thẩm, chị Nga mới nhận lại được từ bà T bản gốc giấy tờ chuyển nhượng đất năm 1993 với cụ An, cùng bản gốc Phiếu thu tiền của HTX nông nghiệp Thạch Bàn (HTX) khi thanh lý đất ao. Ngay sau đó, chị Nga có đơn đề nghị kháng nghị vì cho rằng giấy bán đất là chứng cứ quan trọng chứng minh việc mua bán đất và chị không hề “mượn đất” như quan điểm của Tòa cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm.
Hợp tác xã thanh lý ao cho ai?
Nhận xét về vụ án này, Luật sư Nguyễn Quý Long (Giám đốc Công ty Luật Thiên Hồng Đức) cho rằng, với việc bị đơn xuất trình giấy mua bán đất trên thì có thể khẳng định, vụ án này là vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải là vụ “đòi đất cho mượn” (vì nguyên đơn không xuất trình được căn cứ nào thể hiện việc đã cho bị đơn mượn đất).
Như vậy, vấn đề cần giải quyết ở vụ án này là có hay không việc nguyên đơn bán đất cho bị đơn? Nếu có bán đất thì việc mua bán này có hợp lệ, có đúng thủ tục không không? Nếu không đúng thù tục thì có hủy hợp đồng mua bán đất không và xử lý hậu quả ra sao?….
Rất tiếc, đã có lần bà T đã xuất trình cho TAND quận Long Biên xem bản gốc giấy mua đất của chị Nga và được thẩm phán đối chiếu với bản phô tô (do chị Nga cung cấp) nhưng quan hệ mua bán đất này vẫn không được Tòa xem xét, đánh giá xem có hợp lệ hay không. Điều này dẫn đến nghịch lý là, đất đã được Tòa giao cho cụ An sử dụng nhưng giấy bán đất của cụ An gần 30 năm trước thì vẫn chưa bị cơ quan nào phủ nhận hay hủy bỏ.
Cũng theo LS Long thì việc chấp nhận đơn đòi đất của cụ An trong vụ việc này là chưa đủ cơ sở vì nhiều chứng cứ thể hiện thửa đất ao thuộc quyền sử dụng chung của các thành viên trong gia đình chứ không thuộc về cá nhân cụ An. Đồng thời, chủ trương của HTX năm 1991 là thanh lý ao cho gia đình xã viên chứ không phải cho cá nhân. Điều này phù hợp với nội dung đơn “đề nghị xin ao” ngày 5/11/1991, trong đó cụ An có nêu rõ “đề nghị ban quản lý giao lại ao của gia đình để tôi có điều kiện tăng gia đảm bảo đời sống gia đình ổn định”.
Cuối đơn, Ban quản lý HTX đã xác nhận rằng “chuyển về BCH Đội 3 xem xét giải quyết theo đề nghị của gia đình…”. Sau khi được Đội 3 đồng ý đề nghị HTX “xem xét giải quyết cho gia đình bà An”, cụ An tiếp tục ký tên với tư cách “đại diện gia đình” và đến ngày 18/11/1991 thì lãnh đạo HTX chính thức xác nhận “đồng ý thanh lý ao cho gia đình…”.
Ngoài tài liệu trên, để làm rõ thêm việc ao được thanh lý cho cả gia đình cụ An, Tòa án có thể phải thu thập bản gốc giấy nộp tiền của cụ An và đưa chính quyền địa phương vào tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. Việc này là cần thiết nhằm giúp HĐXX làm rõ nhiều vấn đề khác như: việc HTX giao đất ao năm 1991 như vậy thì cụ An (hoặc gia đình) có đủ điều kiện được hợp thức hóa thành đất ở hay không? Nghĩa vụ tài chính khi được hợp thức hóa ra sao?
“Trong khi chưa làm rõ những nội dung trên, đất chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng từ đất ao thành đất ở mà Tòa án đã coi đây như đất ở và tiến hành phân chia đất, công trình trên đất cho các bên là chưa đủ căn cứ. Bất cập ở chỗ, một số công trình trên đất bị chính quyền coi là xây dựng sai phép, không hợp pháp nhưng HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm vẫn tiến hành định giá và phân chia là không phù hợp quy định”- LS Long nêu quan điểm.