Vụ đòi tiền “phạt hợp đồng” tại TP HCM: Nguyên đơn muốn các nhà phân phối được “bình đẳng”

(PLVN) - TAND quận 7 (TP HCM) đang giải quyết vụ Tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa” giữa Công ty CP Tư vấn thiết bị và Dịch vụ kỹ thuật (CET) và Công ty TNHH 3M Việt Nam (3M Việt Nam). Theo đó, CET khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc 3M Việt Nam phải thanh toán cho họ số tiền phạt do vi phạm hợp đồng gần 800 triệu đồng và buộc 3M giao hàng theo đúng như thỏa thuận đã đặt hàng.
Thông báo thụ lý vụ kiện của TAND quận 7
Thông báo thụ lý vụ kiện của TAND quận 7

Theo đơn khởi kiện của CET, năm 2016, CET và 3M Việt Nam ký kết Hợp đồng nhà phân phối được chỉ định số DA01/2016/3M-CET với nội dung, CET là nhà phân phối khu vực miền Bắc Việt Nam đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng điện, điện tử và năng lượng của 3M. Thời hạn hợp đồng từ 20/12/2016 đến 31/12/2019. Các sản phẩm chủ yếu là đầu nối, hộp nối hạ thế, trung thế, đấu nối cho cáp ngầm, băng keo dùng cho ngành điện…

 Quá trình thực hiện hợp đồng đã xảy ra vướng mắc, xuất phát từ việc CET cho rằng 3M Việt Nam đã chậm thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Cụ thể, 3M cam kết giao đúng chất lượng và đủ số lượng hàng cho nhà phân phối theo từng thời điểm được thỏa thuận cho từng đơn hàng. Hai bên đã thỏa thuận thời gian giao hàng chậm nhất của 3M Việt Nam là số ngày xác nhận trên đơn hàng kể từ ngày đặt hàng. Tuy nhiên, phía 3M Việt Nam nhiều lần vi phạm thỏa thuận giao hàng này.

 Theo tính toán của CET, đến 31/12/2019 (thời điểm  3M Việt Nam gửi thư đơn phương chấm dứt hợp đồng với CET) thì tổng giá trị hàng hoá 3M phải hoàn thành nghĩa vụ giao cho CET lên đến gần 30 tỷ VNĐ. Trong số này thì vẫn còn tổng số 29 đơn hàng 3M Việt Nam chưa thực hiện giao hàng, giao thiếu và giao hàng chậm trễ tiếp so với tiến độ cam kết với tổng giá trị gần 7,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, phía 3M Việt Nam lại không có bất kỳ thông báo nào cho nhà phân phối CET được biết về nguyên nhân, lý do chậm giao hàng. Dù CET đã nhiều lần đề nghị thực hiện giao hàng đúng thời hạn cam kết nhưng 3M không thực hiện và cũng không có phản hồi.

Phía Công ty CET cho rằng, việc chậm giao hàng của 3M Việt Nam đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, thiếu hàng hóa cung cấp cho khách hàng, thậm chí phải đi mua của những đại lý khác với giá cao hơn để giao cho khách hàng.

Do đó, CET khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty TNHH 3M Việt Nam phải thanh toán số tiền phạt do vi phạm hợp đồng là hơn 630 triệu đồng (tương ứng với 8% giá trị hàng hóa giao chậm gần 7,9 tỷ đồng). Cùng với khoản yêu cầu được bồi thường thiệt hại do việc chậm giao hàng, CET yêu cầu Tòa án buộc 3M Việt Nam phải bồi thường, chịu phạt do vi phạm hợp đồng gần 800 triệu đồng; buộc 3M giao hàng theo đúng như thỏa thuận đã đặt hàng.

Số tiền đòi bồi thường không nhiều nhưng đại diện CET cho biết, nguyên đơn mong muốn qua vụ việc này, các nhà phân phối sẽ không gặp phải những vướng mắc tương tự khi ký kết hợp đồng với 3M Việt Nam. Các bên ký kết hợp đồng là bình đẳng và bất cứ bên nào vi phạm thỏa thuận đều phải chịu phạt và bồi thường tương ứng với phần lỗi của mình.

Tuy hợp đồng không có quy định về phạt hợp đồng do giao hàng chậm nhưng khi đã có thỏa thuận về việc CET bị phạt vi phạm hợp đồng do chậm thanh toán thì cũng cần hiểu rằng, 3M cũng bị phạt nếu chậm giao hàng cho nhà phân phối. Vì vậy, căn cứ Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, CET có quyền yêu cầu 3M Việt Nam phải trả tiền phạt do vi phạm hợp đồng bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Đọc thêm