Vụ đốt pháo ở đám cưới Sóc Sơn: Chủ nhà có vô can?

(PLVN) - Thời gian gần đây, hiện tượng đốt pháo nổ, pháo hoa có chiều hướng tăng trở lại tại các địa phương. Điển hình là việc Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa khởi tố vụ đốt pháo tại đám cưới ở xã Phù Lỗ, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, dư luận đặt dấu hỏi liệu chủ nhà có liên quan?
Cảnh đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội)
Cảnh đốt pháo trong đám cưới ở xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội)

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video một người đàn ông cầm một cuộn pháo hình tròn xếp thành 3, 4 dãy dài hàng chục mét trước vỉa hè nhà có đám cưới. Ngoài ra, dọc lối vào bên trong đám cưới còn treo hai dãy pháo khác. Pháo nổ khói bốc lên mù mịt, xác pháo đỏ mặt đường. 

Công an huyện Sóc Sơn sau đó đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan; đồng thời tạm giữ hình sự Trần Văn Khang (SN 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Nguyễn Văn An (SN 1975, ngụ tổ 15, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) sau đó cũng ra đầu thú, khai nhận đã cùng Khang đốt bánh pháo dài 50m tại đám cưới ở xã Phù Lỗ. Sau khi đốt pháo, An đã trở về nhà ở Lào Cai. Khi biết lực lượng công an điều tra vụ việc, An đã trốn khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, nhận thấy không thể trốn thoát, An đã ra trình diện.

Theo tài liệu điều tra, ngày 1/3, gia đình một người ở xã Phù Lỗ tổ chức lễ cưới cho con trai tại ở khối 3. Gia đình đã mời Trần Văn Khang, là lái xe cùng chủ nhà ở Công ty Hưng Phát và Nguyễn Văn An, là đối tác của công ty này đến dự lễ cưới con trai.

Khi đến dự đám cưới, với suy nghĩ để tăng thêm phần náo nhiệt, Khang đã đặt mua 3 dây pháo nổ vỏ màu đỏ của một người không quen biết trên mạng xã hội với giá 4,3 triệu đồng. Khoảng 9h ngày 1/3, Khang nhận pháo nổ, trả tiền mặt cho người đàn ông giao hàng tại khu vực Bưu điện xã Phù Lỗ. 

Sau khi mua, Khang để pháo trong xe ô tô. Khoảng 13h15’ cùng ngày, khi gia chủ đi đón dâu, Khang đã rải pháo và dùng bật lửa đốt một dây pháo nổ tại khu vực vỉa hè đường QL3, trước cổng nhà chú rể.

Sau đó, khoảng 15h30’, khi chú rể cùng đoàn nhà trai đón dâu về, Khang và An rải tiếp 1 dây pháo ở vị trí đối tượng đốt trước đó, tiếp tục đốt. Còn lại 1 dây pháo, Khang cắt làm đôi, treo lên rạp dọc hai bên lối vào. Khi chú rể làm lễ gia tiên xong và đi sang hội trường để tổ chức tiệc mừng, Khang đốt tiếp pháo. Lễ cưới xong xuôi, An và Khang đi về nhà.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân bày tỏ đồng tình và hoan nghênh cơ quan chức năng đã chủ động quyết liệt xử lý hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn và đặt câu hỏi: Liệu thực sự chủ nhà không biết, không liên quan khi các đối tượng đốt pháo?

Trả lời báo chí, chủ nhà nói: “Khi tổ chức đám cưới cho con trai, gia đình tôi đã tuyên bố không được đốt pháo. Tuy nhiên, do hôm tổ chức cưới lượng khách quá đông, tôi bận tiếp khách nên lúc họ đốt pháo tôi không biết” và khẳng định số pháo là do khách đến dự đám cưới đốt chứ không phải gia đình ông đốt.

Phân tích dưới góc nhìn pháp lý, LS Nguyễn Huy Long (Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam) cho rằng, bên cạnh việc làm rõ, xử lý trách nhiệm pháp lý với hành vi đốt pháo của những đối tượng tham gia trực tiếp là Khang và An thì cũng phải xem xét đến trách nhiệm của chủ nhà. 

Theo LS Long: “Để xác định chủ nhà có liên quan đến việc đốt pháo của các đối tượng này hay không thì phải dựa trên các tài liệu, chứng cứ, vật chứng mà CQĐT thu thập được như: Lời khai của những người làm chứng, người có liên quan, video ghi hình….”.

Trường hợp chủ nhà là người tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi đốt pháo thì chủ nhà sẽ bị coi là đồng phạm với những người đốt pháo; theo đó, chủ nhà cũng bị xử lý về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 BLHS 2015.

Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng pháo, đặc biệt là xử lý hình sự hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ. 

“Tại dự thảo Nghị định có bổ sung hai quy định mới, theo đó, tại Điều 8, Bộ Công an đề xuất nghiêm cấm hành vi che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép. Ngoài ra, kiến nghị cấm hành vi cố ý cấp tin sai về quản lý, bảo quản pháo; không báo cáo, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo. Việc quy định như vậy là hợp lý, tạo điều kiện trong việc phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ”, LS Long nói.

Đọc thêm