Vụ du khách nước ngoài bị đánh cắp cano: phóng viên 'cầu cứu' Luật sư

(PLVN) - Liên quan tới vụ việc một công ty mạo danh chiếm đoạt cano của ông BORIS, vì ông này không nắm rõ Luật pháp Việt Nam, nên khi biết thông tin sự việc, phóng viên Truyền hình Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, đồng thời nhờ luật sư tư vấn giúp vị du khách...
Vụ du khách nước ngoài bị đánh cắp cano: phóng viên 'cầu cứu' Luật sư
Ông LAAMONEN BORIS – Vị du khách nước ngoài bị đánh cắp cano
Ông LAAMONEN BORIS – Vị du khách nước ngoài bị đánh cắp cano

Cụ thể, Ông Nguyễn Văn Cường Đại diện công ty TNHH FLYBOARD Nha Trang cùng ông LAAMONEN BORIS thuê một cano FLYBOARD NT1 số DKHC KH – 0806, số đăng kiểm V79-00938, ngày 25/07/2019, cano được đưa từ Nha Trang về cảng Đà Nẵng và bàn giao cho khách tại bãi biển Mân Thái thuộc quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.

Sau một thời gian mưa bão không thể sử dụng được cano và ông BORIS có việc phải rời khỏi Đà Nẵng, ngày 25/10/2019, ông đã cùng với bạn của mình tên là Thắng kéo cano vào bên cạnh quán café nằm gần bờ biển, có nhờ anh Kim – chủ quán café gần đó trông coi hộ.

Nhưng sau 3 tuần, ông quay trở lại thì không thấy cano của mình đâu, chủ quán café  cung cấp thông tin rằng có một người lạ mặt đã đến cẩu chiếc cano đi và bảo rằng đã mua lại của Ban Quản lý. Lúc đó chủ quán vắng mặt, con trai chủ quán đã kịp ghi lại số của xe cẩu.

Ông Cường, ông Thắng cùng ông BORIS liên hệ số điện thoại trên xe cẩu và được biết chiếc cano đã được vận chuyển về xã Điện Phương huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam.

Nhận được đơn trình báo, công an xã Điện Phương lập tức hỗ trợ du khách tìm kiếm và tìm được cano đang bị Công ty Việt Thiên Ngân, một công ty rau sạch do ông Bình làm giám đốc và ông Thảo làm quản lý, có địa chỉ tại thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn cất giữ. Vật chứng lập tức được cơ quan chức năng lập biên bản để phối hợp quản lý.

Kiểm tra thực tế, chiếc cano đã bị công ty ông Bình phá dỡ, thay đổi hiện trạng ghế ngồi, các chi tiết vứt bừa bãi xung quanh. Chiếc cano có giá trị lên đến 22 ngàn đô được cho là bị công ty Việt Thiên Ngân lấy đi mà không xuất trình được hóa đơn chứng từ nào cho thấy rằng phía công ty ông Bình đã mua nó.

Chiếc cano được phát hiện tại thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Chiếc cano được phát hiện tại thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Sự việc nghiêm trọng nhưng ông Bình (số điện thoại: 0909.000.909) – giám đốc công ty Việt Thiên Ngân (thông tin chức danh được chính công an và nhân viên công ty cung cấp) giải quyết bằng một lời giải thích ngắn gọn rằng họ đã... cẩu nhầm chiếc cano của ông LAAMONEN BORIS.

Bài báo phản ánh về sự việc được đăng tải, lập tức có một người tự xưng là chủ của công ty Việt Thiên Ngân gọi điện (số điện thoại: 0967.990.707)  và cho rằng phía công an đã cung cấp sai thông tin cho phóng viên, ông Bình không phải là giám đốc mà ông mới là giám đốc công ty.

Ông này giải thích rằng phía công ty chỉ cẩu nhầm cano về chứ không lấy cắp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao khi biết cano không phải của mình phía công ty lại không đưa trả về nơi đã cẩu nó mà lại tháo dỡ cano ra?.

Phóng viên đã gọi điện đến phía Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Du lịch Đà Nẵng cùng ông Kim, chủ bãi tắm Mân Thái để xác minh thông tin người đàn ông trên đưa ra.

Khi được hỏi về việc có phải cano là hàng thanh lý của Ban Quản lý như phía công ty Việt Thiên Ngân giải thích hay không thì ông Hải – Phó Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà cho rằng chỉ nhận điện đến Bạn nhờ gửi chứ không có việc Ban thanh lý. Còn ông Kim – chủ bãi tắm Mân Thái trình bày: “Nhân lúc tôi đi Sài Gòn, chỉ có nhân viên ở nhà, họ tới chỉ bảo “chú lấy cái cano”, nhưng có nhân viên đã kịp lấy lại số của tài xế xe. Sau đó tôi đưa số đó cho anh Thắng và "ông Tây" mới tìm ra được địa điểm cất giữ cano. Chứ thật tình tụi tôi không bán cho ai hết”.

Lời những nhân chứng trên đang đi ngược lại với tất cả lời giải thích từ phía công ty Việt Thiên Ngân hay không?

Theo Luật sư Nguyễn Cao Hùng, ĐLS TP Hà Nội, căn cứ quy định nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, tại chương 16, từ điều 168 đến điều 180 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì đây là hành vi xâm phạm có tổ chức vì thực hiện hành vi hai người trở lên. Dù khách quan hay chủ quan, loại tội phạm này đều là lỗi trực tiếp, không có lỗi nào gián tiếp hay vô ý, nhầm lẫn.

"Theo lời anh Bình, giám đốc công ty giải thích rằng cẩu nhầm, khi biết nhầm đáng lẽ anh phải giao trả cho chủ sở hữu. Trong trường hợp không liên lạc được anh cũng phải giao nộp cho cơ quan chức năng, nếu có việc không giao nộp được anh phải thông báo cho chính quyền địa phương. Thế nhưng anh không giao trả hay thông báo có nghĩa anh đã phạm thêm tội chiếm giữ tài sản trái phép. Anh còn cho tháo dỡ, biến cano thành sắt vụn, làm giảm mục đích, giá trị sử dụng của cano, vô hình anh thêm tội phá hủy tài sản người khác”, Luật sư Nguyễn Cao Hùng phân tích.

Đọc thêm