Theo đó, năm 1991, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên buộc gia đình bà Nguyễ̃n Thị Thược (mẹ chồng bà Nuôi) phải hoàn trả lại nhà ở địa chỉ trên cho vợ chồng bà Dương Thị Bời trong vụ kiện “tranh chấp nhà” mà bà Thược là bị đơn. Đến khi bà Thược mất thì bà Nuôi (là con dâu) - người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn tiếp tục khiếu nại.
Theo hồ sơ cũng như các bên liên quan thì ở vụ việc này, bà Thược là vợ bé của một quận trưởng của chế độ cũ. Ông này mua diện tích 2.500m2 ở địa chỉ 111 Bà Hom cho Bà Thược ra ở đây và nuôi đứa con riêng duy nhất của 2 ông bà. Còn bà Bời là vợ chính và là nguyên đơn của vụ án “tranh chấp nhà”.
Vào các năm 2013, 2015 và 2018, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao lần lượt có thông báo không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án phúc thẩm theo đơn đề nghị của bà Nuôi. Từ năm 2005, hộ gia đình bà Nuôi cùng với các con cháu khoảng 19 người bị cắt hộ khẩu. Hiện tại, hộ gia đình bà Nuôi vẫn bám trú địa chỉ trên vì họ cho rằng việc tòa các cấp xét xử chưa xem xét, đánh giá toàn diện các bằng chứng, tài liệu gia đình bà cung cấp.
Một lý do khác gia đình bà Nuôi bám trụ ở căn nhà tranh chấp là trong Bản kê khai nhà cửa vào năm 1977 của cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, các hội, các tôn giáo theo Quyết định ngày 23/3/1977 của Hội đồng Chính phủ thì người đứng kê khai là bà Nguyễn Thị Thược. Bản kê khai xác nhận người chủ sở hữu nhà là bà Nguyễn Thị Thược, số nhà 111, Bà Hom, phường 13, quận 6, TP HCM.
Bà Nuôi cho rằng việc tòa phán quyết cho gia đình bà Bời sở hữu diện tích ngôi nhà này là không phù hợp, vì họ thực sự chưa bao giờ sống ở ngôi nhà này. Hộ khẩu, bản kê khai đều ghi rõ quyền sở hữu là của bà Thược và con cháu của bà.
Liên quan đến chi tiết này, trong Công văn số 511/CNQ6-LT về việc cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 6 (VPĐĐ) cho biết cơ quan này không lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc cấp Giấy chứng nhận tại căn nhà số 111 Bà Hom.
Công văn chỉ cho biết: Nhà đất số 111 Bà Hom (thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ số 24/BĐ ĐC-2001) Phường 13, Quận 6 đã được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sỡ hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hồ sơ gốc số: 2795/2002 ngày 04/2/2002 cho ông Nguyễn Văn Thao (chết năm 1995) và bà Dương Thị Bời đứng tên sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở.
Ngày 11/3/2011, VPĐĐ (nay là Chi nhánh VPĐĐ) đã cập nhật với nội dung: “Hạn chế một phần về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do Quyết định số 3539/QĐ-HĐBT-BBT ngày 17/12/2010 của Hội đồng BTTH-GPMB dự án và Bảng chiết tính ngày 30/11/2010”.
Cũng theo văn bản phản hồi của VPĐĐ, ngày 12/2/2015, cơ quan này đã cập nhật đăng bộ thay đổi chủ sở hữu nhà và chủ sử dụng cho 5 cá nhân do nhận thừa kế theo Văn bản khai nhận di sản thừa kế số công chứng: 24668, quyển số 11 lập ngày 1/12/2014 tại Phòng công chứng số 7 TP HCM, đã trước bạ ngày 2/12/2014.
Ngày 7/6/2018, VPĐĐ cập nhật thay đổi chủ sỡ hữu và chủ sử dụng đất cho một cá nhân khác là ông Đinh Văn Hữu do ông này đã nhận chuyển nhượng theo hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở số: 003335 lập ngày 16/5/2018 tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Kim Chi.
“Nhà đất số 111 Bà Hom đã được UBND TP HCM cấp Giấy chứng nhận. Hiện VPĐĐ không lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc cấp Giấy chứng nhận, chỉ lưu trữ hồ sơ về đăng ký cập nhật thay đổi chủ sở hữu nhà ở, chủ sử dụng đất ở nên không thể cung cấp thông tin về nguồn gốc, quá trình tạo lập, sử dụng nhà đất tại số 111 Bà Hom”, VPĐĐ quận 6 thông tin.