Vụ giết người tại Quảng Nam rồi bỏ trốn 30 năm: Còn một số điểm cần thiết làm rõ hơn

(PLVN) - TAND tỉnh Quảng Nam vừa mở phiên sơ thẩm với bị cáo Huỳnh Đức Đường về tội “Giết người” sau 30 năm đối tượng lẩn trốn lệnh truy nã. Bản án thu hút dư luận địa phương còn vì sự chưa đồng tình của gia đình bị hại bởi cho rằng một số căn cứ áp dụng của Hội đồng xét xử chưa phù hợp.
Ngôi nhà - nơi xảy ra án mạng vào năm 1991.

Theo điều tra của Công an Quảng Nam, khoảng 18h ngày 10/9/1991, tại nhà ông Hồ Văn Thận (thôn Lý Trường, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nay thuộc tỉnh Quảng Nam), Huỳnh Đức Đường (SN 1963, ngụ xã Bình Định, huyện Thăng Bình) đã dùng rìu chém làm ông Thận tử vong.

Tại đây, Đường còn dùng rìu chém anh Nguyễn Công Minh (con rể ông Thận) gây tỷ lệ thương tích 60%. Sau khi gây án, Đường bỏ trốn khỏi địa phương, đến sống tại tổ 5, thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đổi sang tên là Huỳnh Viết Ba rồi cưới vợ, sinh con. Ngày 16/07/2021, Đường bị bắt theo quyết định truy nã.

Theo khai nhận tại cơ quan công an, Đường chém ông Thận và anh Minh chỉ vì nghe tại nhà ông Thận có tiếng cãi nhau.

Trong cáo trạng của VKSND Quảng Nam, hành vi của Đường đã cấu thành tội “Giết người” với các tình tiết định khung “Giết nhiều người”, “Có tính chất côn đồ” theo điểm d, g khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1985.

Ngày 29/8/2022, TAND Quảng Nam xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Đường 20 năm tù. Đồng thời, buộc bị cáo bồi thường thiệt hại về tính mạng cho các đại diện hợp pháp của bị hại Thận 545 triệu đồng; bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bị hại Minh hơn 114 triệu đồng.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã căn cứ vào Điều 101 “Tội giết người” BLHS năm 1985; Điều 51 “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”; Điều 15 “Phạm tội chưa đạt”; Điều 57 “Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt” của BLHS 2015, sửa đổi 2017 để xử phạt bị cáo.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét, tình tiết định khung của HĐXX áp dụng trong vụ án là phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ với bị cáo cần phải được làm rõ. Lý do để HĐXX xem xét là bị cáo có bà ngoại là Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 cậu ruột là liệt sĩ, ông nội là người có công với cách mạng.

Theo Luật sư (LS) Hoàng Thị Linh Nhung (Cty Luật TNHH Hoa Sen), đến thời điểm phiên xử bị cáo Đường diễn ra, quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS về vấn đề trên chưa được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, quá trình xét xử, HĐXX TAND Quảng Nam vẫn có thể tham khảo điểm C mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã từng hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS 1999 để xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS). Theo đó, chỉ có những tình tiết được giảm nhẹ hình phạt như: vợ chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước trao tặng như Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Mẹ Việt Nam Anh hùng…; hoặc bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sĩ; hoặc bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, tỷ lệ thương tật 31% trở lên.

Huỳnh Đức Đường bị bắt theo lệnh truy nã sau 30 năm lẩn trốn.

Như vậy, theo tinh thần của quy định trên thì bị cáo Đường không nằm trong các trường hợp để được xem xét hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS. “Việc HĐXX cho bị cáo hưởng tình tiết như trên chưa thể hiện đúng nguyên tắc xử lý tại điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS là “nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội”. Điều này không tạo ra sự công bằng cho gia đình các bị hại”, LS nói.

“Bên cạnh đó, theo hồ sơ vụ án, sau khi gây án xong, bị cáo đã bỏ trốn ngay lập tức và thay tên đổi họ, đổi năm sinh, làm lại giấy tờ nhằm tránh bị phát hiện. Đây là hành vi thể hiện sự xảo quyệt nhằm trốn tránh TNHS. Lẽ ra, nên căn cứ điểm p khoản 1 Điều 52 của BLHS (có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm), cần áp dụng tình tiết tăng nặng với bị cáo”, vẫn lời LS.

“Sau khi gây án, bị cáo bỏ trốn. Trong khi đó, 30 năm qua, vợ bị hại Thận đã phải vất vả mưu sinh nuôi 8 người con. Lúc ông Thận chết, người con nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi 21 ngày. 30 năm lẩn trốn sự truy nã của pháp luật, có phải là tình tiết tăng nặng hay không?”, LS băn khoăn.

Trong bản án đã tuyên về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo chịu trách nhiệm bồi thường tiền mai táng và tổn thất tinh thần. Khoản tiền cấp dưỡng được tòa chấp nhận là 750.000 đồng/cháu/tháng cũng bị đánh giá “không phù hợp, thỏa đáng”.

Theo LS Nhung, theo Điều 585 Bộ luật Dân sự, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. “30 năm qua, 8 người con ông Thận đã phải khổ sở như thế nào khi người cha không còn sống để lo cho mình được ăn học, tạo dựng được một tương lai tốt hơn? Vì vậy, khi việc cấp dưỡng không được đúng thời điểm thì không giải quyết được cốt lõi của vấn đề cấp dưỡng”, LS nói.

Đọc thêm