Vụ giúp Nhật Cường trúng thầu: Không phạm tội, các bị cáo nộp tiền làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 30/12, VKS đã đối đáp lại quan điểm của luật sư, bị cáo trong vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 bị cáo khác bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ “ và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Theo đại diện VKS, cơ quan này giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung. Về hành vi chỉ đạo đình chỉ, dừng thầu, VKS trích dẫn hồ sơ vụ án cho thấy, trước khi ông Chung chỉ đạo dừng thầu, Hà Nội không có văn bản nào chỉ đạo dừng các dự án công nghệ thông tin.

Ngoài ra, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) đều xác nhận bị cáo Chung gọi điện chỉ đạo dừng gói thầu để đưa công nghệ số hóa của Nga vào. Sau đó, Sở KH&ĐT gửi văn bản cho UBND và Chủ tịch TP thông báo về việc dừng thầu theo chỉ đạo của ông Chung.

Về mối quan hệ giữa bị cáo Chung và bị can Bùi Quang Huy (cựu TGĐ Công ty Nhật Cường), VKS thấy có đủ căn cứ xác định ông Chung thừa nhận quan hệ thân quen với bị can Huy. Bị cáo Tứ cũng xác nhận Nhật Cường là công ty thực hiện phần mềm cho UBND TP.

Về hợp đồng số 06 giữa Công ty Minh Hoa của vợ ông Chung và Công ty Nhật Cường, VKS xác minh từ các cơ quan thì thấy không có tài liệu nào thể hiện Minh Hoa ký hợp đồng thực sự với Nhật Cường.

Đối với 6 bị cáo bị còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS cho rằng các bị cáo đã thừa nhận đầy đủ hành vi của mình tại tòa.

Theo VKS, đây là vụ án có đồng phạm, là chuỗi hành vi vi phạm về đấu thầu, từ việc bị cáo Nguyễn Văn Tứ tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung để chỉ đạo các bị cáo cấp dưới ban hành văn bản dừng đấu thầu. Trong vụ án này, mỗi bị cáo thực hiện một hành vi để hình thành một chuỗi hành vi vi phạm.

Đối với băn khoăn của một số luật sư về thiệt hại và cách tính thiệt hại trong vụ án, đại diện VKS cho rằng, mục đích của đấu thầu là Sở KH&ĐT Hà Nội nhận được sản phẩm tròn trịa, phát huy được hiệu quả, chứ không thể là sản phẩm dở dang như vậy.

“Chúng tôi khẳng định là không đạt được, bởi lẽ việc đính dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia không đạt. Nếu đúng quy định thì hợp đồng này phải hủy, đã hủy là hợp đồng vô hiệu và nhà thầu phải bồi thường tiền cho nhà nước”, đại diện VKS nêu quan điểm và cho biết việc tính thiệt hại, cơ quan điều tra đã phối hợp để tính đúng, đủ các chi phí, gồm cả thuế...

Quá trình đối đáp, đại diện VKS cho rằng trong vụ án đồng phạm thì đương nhiên các bị cáo phải bị liên đới về phần dân sự, tùy từng tính chất, mức độ. Sau này, khi đã bắt được bị can Bùi Quang Huy, các bị cáo có quyền khởi kiện để yêu cầu Huy bồi hoàn lại các khoản mà các bị cáo đã bồi thường.

Được biết trong quá trình xét xử, bị cáo Võ Việt Hùng (cựu GĐ Công ty Đông Kinh) đã vận động gia đình nộp thêm 2,1 tỷ đồng, trước đó đã nộp 400 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Tứ đã vận động gia đình nộp 1,5 tỷ đồng; bị cáo Lê Duy Tuấn (cựu GĐ kinh doanh Công ty Đông Kinh) đã nộp 100 triệu đồng. “Nếu các bị cáo suy nghĩ không phạm tội thì nộp tiền làm gì?”, VKS lập luận và khẳng định việc truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm