Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Nguyên Bình- Trưởng Văn phòng Luật sư Bình An nơi một số khách hàng trên chuyến bay nói trên đề nghị thực hiện các thủ tục cần thiết bảo vệ quyền và lợi ích cho họ.
- PV: Được biết nhiều hành khách trên chuyến bay VN 36 ngày 12/10/2014 từ Frankfurt về Hà Nội đã gửi đơn đến Văn phòng ông đề nghị bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của mình, xin ông cho biết nội dung mà hành khách đề nghị bảo vệ?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Việc chậm chuyến này đã khiến cho nhiều hành khách bị ảnh hưởng tới chương trình của họ tại Việt Nam. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, một số khách hàng trên chuyến bay VN36 đã gửi đơn đề nghị Văn phòng luật sư Bình An nghiên cứu hồ sơ, cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục cần thiết bảo vệ quyền và lợi ích cho bản thân họ. Cụ thể trong đơn đề nghị của họ yêu cầu chúng tôi nghiên cứu pháp luật Việt Nam và quy định của Liên minh Châu Âu về việc bồi thường thiệt hại do nhà vận chuyển chậm chuyến hoặc hủy chuyến gây ra. Đồng thời đề nghị Văn phòng cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của họ trong trường hợp phải làm việc với Vietnam Airlines hoặc khởi kiện ra tòa. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ của một khách hàng cư trú tại Đức và đang chuẩn bị tiến hành các bước tiếp theo.
- PV: Vậy những nội dung này có căn cứ pháp lý để bảo vệ không thưa ông?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Xét về yếu tố lỗi thì rõ ràng lỗi là do phía Vietnam Airlines gây ra, toàn bộ hành khách trên chuyến bay VN36 đã thực hiện xong thủ tục check – in, kiểm tra an ninh và vào khu vực chờ bay. Tuy nhiên, đến giờ khởi hành thì được thông báo chuyến bay bị chậm mà không thông báo lý do, đến cuối giờ chiều tức là chậm hơn khoảng hơn 3 tiếng mới được thông báo là chuyến bay bị hủy vì lý do kỹ thuật và sẽ được lùi lại vào ngày hôm sau vào lúc 13h ngày 13/10/2014.
Xét về thiệt hại do lỗi nói trên gây ra là có vì nhiều người trên chuyến bay đã phải hủy kế hoạch làm việc của ngày hôm thứ hai và thứ ba, thiệt hại về sức khỏe và tinh thần vì phải chờ đợi và lo lắng tại sân bay.
Xét về căn cứ pháp lý thì chúng ta có thể thấy quy định của Bộ giao thông vận tải tại Thông tư 06/2009 đã quy định những trường hợp khách hàng được đền bù do hủy chuyến hoặc chậm chuyến bay. Tuy nhiên, trường hợp này xẩy ra tại Đức – là quốc gia Châu Âu nên phải áp dụng quy định của Liên minh châu Âu trong việc đền bù do hủy chuyến và chậm chuyến bay.
- PV: Vậy xin ông cho biết đã tiến hành những biện pháp gì để bảo vệ các thân chủ của mình?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Để cho rõ thì tôi xin được nói về trường hợp khách hàng cụ thể mà chúng tôi đang hỗ trợ đó là: Trước hết chúng tôi thu thập hồ sơ của khách hàng bao gồm: Thẻ lên tàu, hộ chiếu, visa (bản copy) và biên bản xác nhận hủy chuyến bay. Sau đó, khách hàng với sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ gửi đơn cho Văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Frankfurt – Đức yêu cầu đền bù theo quy định của Liên minh Châu Âu. Trong trường hợp Vietnam Airlines từ chối và trên thực tế là họ đã từ chối nhiều lần thì chúng tôi buộc phải kết hợp với luật sư bên Đức để khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền của Cộng hòa liên bang Đức.
LS Hoàng Nguyên Bình |
- PV: Tại sao lại không khởi kiện trong nước mà khởi kiện tại Tòa án ở Đức, thưa ông?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Như chúng ta đã biết, vụ việc xẩy ra tại sân bay quốc tế Frankfurt – Đức thuộc Liên minh Châu Âu và theo quy định thì những vụ việc xẩy ra tại Châu Âu sẽ áp dụng luật của Châu Âu xử lý. Cụ thể là quy định 261/2004 của Nghị viện Châu Âu ngày 11/2/2004 về những quy định hỗ trợ khách hàng trong việc hủy hoặc chậm chuyến bay kéo dài. Việc áp dụng luật nơi xẩy ra sự việc cũng là thông lệ chung của các nước trên thế giới, ngay quy định tại Thông tư 06/2009 của Bộ giao thông vận tải về mức đền bù do chậm chuyến, hủy chuyến bay xuất phát từ Việt Nam cũng được xây dựng trên tinh thần đó.
Cũng cần nói thêm là việc khởi kiện ra tòa án của Đức là biện pháp cuối cùng, chúng tôi ưu tiên giải pháp hòa giải và thương lượng giữa các bên.
- PV: Đã có tiền lệ nào cho các vụ việc tương tự chưa, thưa ông?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Theo cá nhân tôi được biết thì cũng có một vài trường hợp khiếu nại Vietnam Airlines tại Đức chủ yếu là kiều bào sinh sống và làm việc tại Đức. Tuy nhiên do họ cũng bận công việc và phía Vietnam Airlines không trả lời do vậy sự việc lại rơi vào quên lãng. Thứ hai là tâm lý ngay thời điểm xẩy ra thường rất bức xúc nhưng trải qua thời gian dài và đặc biệt là trở về nhà an toàn thì nhiều người cũng cho qua vì họ nghĩ rằng mất thời gian và tiền đền bù chẳng được là bao. Tuy nhiên cũng nói thêm rằng nếu căn cứ vào quy định của liên minh châu âu thì mức đền bù cao nhất sẽ là 600Euro. Đây là số tiền không hề nhỏ nếu so với quy định của Việt Nam chỉ là 150Euro.
- PV: Trong trường hợp hoãn chuyến bay do các lý do bất khả kháng, chẳng hạn như đình công, một lý do mà Vietnam Airlines đưa ra thì sẽ xử lý vụ việc thế nào?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Trong trường hợp hãng hàng không đưa ra lý do bất khả kháng như đình công hay thời tiết xấu thì hãng sẽ không phải đền bù theo qui định, nhưng hãng phải đưa ra các bằng chứng xác đáng chứng minh cho các nguyên nhân này, trong tiếng Đức là "höhere Gewalt", có nghĩa là lý do bất khả kháng như bão tố hay đình công hoặc nguyên nhân khách quan không phải lỗi của hãng. Nếu khách hàng không đồng ý thì có thể khởi kiện ra tòa án. Trong các trường hợp này tòa sẽ yêu cầu hãng hàng không đưa ra bằng chứng và tòa có trách nhiệm kiểm tra các bằng chứng và đưa ra phán quyết. Thông thường thì các tòa án Đức trước giờ đều có phán quyết tương đối nghiêng về phía bảo vệ quyền lợi khách hàng phần hạn chế sự lạm dụng nguyên nhân khách quan để từ chối bồi thường.
- PV: Ngoài vấn đề pháp lý, ông bình luận gì về thái độ ứng xử với của Vietnam Airlines trong tình huống cụ thể này?
- LS Hoàng Nguyên Bình: Rất may tôi cũng là người chứng kiến vụ việc này tại sân bay Franfurt và tôi cho rằng cách xử lý của Vietnam airlines trong trường hợp này là thiếu chuyên nghiệp và thờ ơ với khách hàng Việt Nam thể hiện ở những điểm cơ bản sau:
Thiếu người phát ngôn bằng tiếng Việt: Là một hãng hàng không đại diện cho quốc gia thì phải sử dụng tiếng mẹ đẻ trong bất kỳ tình huống nào. Không những thế trên chuyến bay từ Đức về Việt Nam thông thường rất đông người lớn tuổi sang thăm con cháu, do vậy việc họ không biết tiếng Đức hoặc tiếng Anh là chuyện đương nhiên. Thế nhưng mọi thông báo trong việc hủy chuyến bay hôm đó toàn bộ bằng tiếng Đức do người Đức thực hiện. Chính vì vậy, khiến cho không khí căng thẳng, ồn ào lại thêm phần căn thẳng ồn ào hơn.
Thiếu sự quan tâm chăm sóc khách hàng chu đáo: Việc bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn đồ ở sân bay vì đồ ăn luôn khô và khó ăn nhất là đối với người già. Ngày hôm đó, khi phát đồ ăn chỉ có bánh mì và Coca nhiều người già đề nghị cho đổi Coca thành nước suối nhưng không được chấp nhận. Cuối cùng họ đành phải bỏ thức ăn và đồ uống. Giả sử lúc đó có đại diện của hãng thì có thể xử lý được tình huống này.
Giải đáp thông tin không được rõ ràng: Vì không có người nói tiếng Việt nên thông tin đưa ra khiến nhiều người hiểu không hết ý thậm chí không hiểu gì. Ngay cả lý do hoãn cũng đưa ra thiếu nhất quán, lúc đầu ký thuật rồi là do đình công. Chính những điều này khiến cho mọi người càng bức xúc.
Trân trọng cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!
“Hành khách đi trên chuyến bay VN36 ngày 12/10/2014 của Vietnam Airlines từ Franfurt về Hà Nội có thể liên hệ với Văn phòng Luật sư An Bình tại địa chỉ số 45B, Ngõ 5, Láng Hạ, Ba Đình Hà Nội. Email: info@binhanlaw.vn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”
“Hành khách đi trên chuyến bay VN36 ngày 12/10/2014 của Vietnam Airlines từ Franfurt về Hà Nội có thể liên hệ với Văn phòng Luật sư An Bình tại địa chỉ số 45B, Ngõ 5, Láng Hạ, Ba Đình Hà Nội. Email: info@binhanlaw.vn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”