Một bản 38 người mất tích
Vượt gần 300km từ trung tâm TP.Vinh (Nghệ An) lên bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) nơi đang “nóng” với tình trạng buôn bán phụ nữ. Bản Lưu Tiến có 100% người Khơ Mú, với 148 hộ/638 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, mùa nào rảnh việc thì vào rừng hái măng hoặc xuống sông bắt cá, tôm. Xưa nay, người dân nơi đây chỉ quanh quẩn với nương rẫy và con sông Nậm Nơn, mấy năm trở lại đây, một số rời quê đi làm ăn xa, rồi cũng xuất hiện việc phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Tình hình càng diễn biến phức tạp khi có tình trạng trẻ em mất tích không rõ lý do mà người dân nơi đây cho rằng bị bắt cóc (?).
Tiết trời se se lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông, chúng tôi tìm đến nhà công an bản Lưu Tiến. Ông Moong Văn Quế lo lắng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con số phụ nữ bị mất tích khỏi địa phương càng ngày càng tăng lên. Ông Quế cho biết, cả bản Lưu Tiến tính đến thời điểm tháng 10/2014 có 38 người mất tích và nghi là bị bán sang Trung Quốc, trong đó có 16 trường hợp là trẻ em, học sinh. Trường hợp bị bán sang Trung Quốc là do người từ nơi xa đến rủ rê đi làm công nhân rồi lừa bán đi. Trước khi đi thì có đưa cho bố mẹ hoặc anh em trong gia đình tiền, rồi con gái mất tích khi nào không ai biết.
Việc 16 trẻ em mất tích đều trong độ tuổi học sinh, đều có chung một hoàn cảnh mất tích giống nhau. Hàng ngày bố mẹ lên nương rẫy, con cái tự đi học rồi bị mất tích không về nhà nữa, theo như ông Quân và bà con trong bản thì những đứa trẻ đã bị bắt cóc.
Nhấp chén nước chè đắng, giọng ông Moong Văn Quế như cũng đắng lại: “Bà con dân bản chủ yếu là đồng bào người Khơ Mú, trình độ dân trí còn thấp, nhiều người không hiểu được việc những đối tượng lừa đảo đi làm ăn nhưng thực tế là lừa bán con mà không biết. Nhiều trường hợp là thỏa thuận với bố mẹ cho con gái đi làm ăn rồi trả tiền, còn một số trường hợp là trẻ em đi học về thì bị bắt cóc, mất tích khng rõ thông tin. Bà con lo lắng lắm, cũng nhờ nhà báo viết lên để Nhà nước có cách nào đó tuyên truyền cho nhân dân cũng như ổn định cuộc sống cho bà con…”.
Bỏ rẫy, chèo đò ngóng tin con gái
Để đến được bản Lưu Tiến, chúng tôi phải đi đò qua sông Nậm Mộ. Vừa gặp những người khách lạ, người đàn ông chèo đò liền hỏi có thấy đứa con gái chừng 13 tuổi, người Khơ Mú, dáng người thấp thấp, da ngăm ngăm đen…, hỏi ra mới biết người ông đang hỏi là con gái ông. Trò chuyện với ông, được biết ông là Moong Văn Tiến, gia đình có 5 đứa con, con gái đầu là Moong Thị Na (SN 2002) học sinh lớp 7. Gia đình kinh tế còn khó khăn, không có tiền đi học nhưng vì thương con và được bạn bè, cô giáo đến động viên nên anh chị cũng đành để cho con gái đến trường học cái chữ. Không có điều kiện mua xe đạp cho con, Na phải đi nhờ xe đạp của bạn để đến trường học hàng ngày.
Ngày ngày anh Tiến chèo đò qua sông Nậm Mộ để ngóng tin con gái. |
Nhìn những tờ giấy khen được dán kín những khung gỗ của gia đình, anh Tiến buồn rầu cho biết, “Con Na học giỏi lắm, nghèo nhưng nó siêng học nên giấy khen năm mô cũng có. Ngày ngày tui với vợ lên rẫy đi làm, có khi hai ba ngày mới về, các con tự đi học. Sau khi trên rẫy về thì nghe em gái của Na là Moong Thị Hoài báo chị Na hai ngày không về. Gia đình hốt hoảng đi tìm nhưng không biết con gái ở đâu…”.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh cho rằng con gái anh bị bắt cóc như 15 đứa trẻ khác trong bản. Thấy Na không đến lớp, nghĩ là Na bỏ học, cô giáo chủ nhiệm tìm đến gia đình để vận động cho cháu đi học lại thì mới biết là cháu bị mất tích, gia đình cũng không rõ tin tức.
“Đi rẫy về, nghe con gái nói mà muốn bật khóc, muốn đi tìm con nhưng không biết tìm con ở đâu cả. Chỉ hy vọng là con gái sẽ biết đường gọi điện về nhà cho bố mẹ thì mới biết được con ở đâu…” - anh Tiến rưng rưng nước mắt. Cũng kể từ đó, anh Tiến để nương rẫy cho vợ làm, anh ở nhà trông nom mấy đứa, rồi sắm cho mình con đò nhỏ để chèo đò đưa người dân trong bản qua sông ra đường lớn để đi về trung tâm, vừa là để kiếm tiền và quan trọng là ngóng tin tức con gái. Ngày ngày, gặp bất cứ ai anh đều hỏi tin tức con gái nhưng không ai biết cả, đến giờ anh cứ chèo đò và hy vọng có ai biết tin tức về con gái, họ sẽ báo cho anh…
Cũng theo ông Quân, ngoài trường hợp cháu Na thì trong bản còn có các cháu Moong Thị Peng (8 tuổi, học sinh lớp 3); Moong Thị Đọt (12 tuổi, học sinh lớp 3 – con anh Moong Văn Hoành); Lữ Thị Chuẩn (17 tuổi – con anh Lữ Văn Thông)… Cả bản có đến 16 trường hợp học sinh đi học thì bỗng dưng mất tích. Mon men bên bờ đất, cháu Cụt Văn Anh (6 tuổi) chơi một mình dưới gốc cây, hỏi ra mới biết mẹ cháu là Moong Thị Tỏa (SN 1993) bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 2013. Giờ đây con trai sống ở nhà với bố và ông nội. Đứa trẻ ngơ ngác nhìn những người lạ, vì thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ nên đứa trẻ nhỏ xíu, đen như than cháy…
Dòng sông Nậm Mộ vẫn lững lờ trôi, người đàn ông vẫn lặng lẽ đưa đò để ngóng tin con gái như thể “mò kim đáy bể”. Chiều muộn, mặt trời sắp xuống núi, nắng vàng hắt những tia yếu ớt xuống lòng sông Nậm Mộ, chúng tôi rời bản Lưu Tiến mang theo câu chuyện về những đứa trẻ mẹ mất tích, những người chồng vợ mất tích mà cảm thấy xót xa cho những người dân bản…