Trong số này, có nhiều người là GĐ DN như Châu Thị Mỹ Linh (Tổng GĐ Cty CP Yên Phước); Hà Anh Tuấn (GĐ Cty Đông Bắc Hải Dương); Bùi Mạnh Cường (GĐ Cty Đông Bắc Hải Dương).
Còn có nhiều người là cựu lãnh đạo nhiều Sở ở Thái Nguyên, như Nguyễn Ngô Quyết (cựu GĐ Sở Công Thương); Nguyễn Thanh Tuấn (cựu GĐ Sở TN&MT); Nguyễn Thế Giang (cựu Phó GĐ Sở TN&MT)…
Các bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, “Sử dụng trái phép vật liệu nổ”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ vụ án, Linh đã chỉ đạo Ngụy Quang Thuyên (Trợ lý Tổng GĐ) khai thác, thỏa thuận, thống nhất, ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Cty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ than Minh Tiến với tổng khối lượng hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm; gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm.
Linh còn chỉ đạo nhân viên hợp thức hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ với các cơ quan chức năng để che giấu hành vi khai thác than trái phép cùng khoáng sản đi kèm. Linh cũng đồng ý với việc bán trái phép gần 3.000kg thuốc nổ và gần 11.000 kíp cho Đỗ Văn Vĩnh và Lương Văn Tiến để khai thác trái phép tại Khu A, thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.
Với hai anh em Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, VKS xác định đã tích cực trong việc tham gia góp vốn, có vai trò chủ mưu trong việc bàn bạc, thống nhất việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt quá tổng sản lượng được cấp phép. Hai đối tượng này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Theo cáo trạng, giá trị khoáng sản khai thác trái phép đã thanh toán giữa Cty Đông Bắc Hải Dương và Cty Yên Phước là hơn 1 triệu tấn than, hơn 419m3 khoáng sản đi kèm, thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 bị can này còn mua 395 hóa đơn giá trị gia tăng của nhóm các Cty tại Hải Phòng, Nam Định để hợp thức hóa đơn đầu vào cho số lượng than khai thác trái phép, than không có nguồn gốc.
VKS cũng truy tố loạt lãnh đạo, cán bộ Sở TN&MT Thái Nguyên. Trong đó có Nguyễn Thế Giang là Phó GĐ Sở bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ án. |
Theo cáo trạng, Giang là Phó GĐ Sở, trực tiếp phụ trách đoàn công tác về khoáng sản và môi trường. Giang là Trưởng đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại Cty Yên Phước nhưng không trực tiếp tham gia Đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, Giang ký văn bản gửi Cty Yên Phước chỉ ghi nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, không ghi nội dung kiểm tra về khoáng sản; không chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn.
Quá trình kiểm tra, Giang chỉ căn cứ vào báo cáo của Cty Yên Phước xác định Cty khai thác 5.000 tấn than, để đưa vào kết luận kiểm tra, không chỉ đạo Đoàn kiểm tra đo đạc, giám định sản lượng than thực tế và yêu cầu phía Cty cung cấp sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế…
Ngoài các hành vi nêu trên, với vai trò là Phó Giám đốc Sở, trực tiếp phụ trách công tác quản lý về khoáng sản và môi trường, Giang không đôn đốc Phòng Khoáng sản thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản để làm tốt chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản. Từ đó, không phát hiện được Cty Yên Phước đã khai thác than không đúng với nội dung giấy phép.
Cựu Phó GĐ Sở TN&MT Nguyễn Thanh Tuấn (sau này là GĐ) dù được báo cáo là Cty Yên Phước không chấp hành quy định về sản lượng khai thác thực tế nhưng không chỉ đạo thanh tra, kiểm tra. Từ đó không kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác than vượt sản lượng cho phép của Yên Phước.
Sở Công Thương Thái Nguyên là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp, khai thác mỏ và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, GĐ Sở khi đó là Nguyễn Ngô Quyết và hai cấp dưới bị cáo buộc đã cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ cho Cty Yên Phước vượt quá gần 10 tấn/năm. Quyết khai năm 2020 còn nhận 100 triệu đồng của Linh để tổ chức giải bóng bàn. Quyết bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, Cty Yên Phước được Sở KH&ĐT Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do Châu Thị Mỹ Linh là Tổng Giám đốc.
Cty Yên Phước sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn/năm.
Linh giao cho nhiều người đảm nhiệm công việc ở mỏ than Minh Tiến. Từ năm 2018, Cty Yên Phước bắt đầu khai thác bằng hình thức lộ thiên như nổ mìn, đào xúc, sàng tuyển để xé lẻ đi tiêu thụ.
Sau một vài tháng tự khai thác, Linh "bán" toàn bộ mỏ cho Cty Đông Bắc Hải Dương của hai anh em sinh đôi Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang. Theo thỏa thuận, Đông Bắc Hải Dương mua lại toàn bộ số than của Yên Phước đã khai thác tại mỏ với giá gần 10 tỷ đồng và toàn bộ máy móc giá 15 tỷ.
Theo thỏa thuận, Đông Bắc Hải Dương được tiếp tục khai thác than tại mỏ Minh Tiến với công suất tối thiểu là 400.000 tấn/năm, tức là gấp 47 lần trữ lượng cấp phép. Ngoài việc phải tự đầu tư máy móc, nhân công, Đông Bắc Hải Dương phải trả lợi nhuận cho Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng và 50.000 đồng/m3 đá đen.
Theo cáo trạng, để đưa than khai thác trái phép đi tiêu thụ, Cty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của một số DN.
VKS kết luận, Linh cùng đồng phạm đã khai thác thực tế 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi tổng sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136.000 tấn. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 1,1 triệu tấn, 330.000m3 bã sàng và 95.000m3 đá đen với tổng giá trị 174 tỷ đồng; còn lại 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị phát hiện, thu giữ.
Linh bị xác định thu lời bất chính 151 tỷ đồng. Hai anh em Thanh và Giang với vai trò chủ mưu, thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng.