Nại ra vô số lý do…
Năm 1991, vợ chồng ông Phong nhận chuyển nhượng từ ông Quang, cán bộ địa chính xã Long Tân 4ha đất tại bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen, xã Vĩnh Thanh, với giá 360.000đ/ha. Năm 1992 xuất hiện tranh chấp giữa bà Mỹ với ông Quang. Bà Mỹ cho rằng tháng 6/1989 có nhờ ông Quang mua giúp 2ha đất thuộc khu vực bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen giá 160.000đ/ha.
Bà Mỹ làm đơn kiện ông Quang đến TAND huyện Long Thành. Tại phiên giải quyết ngày 19/5/1992, hai bên đã đối trừ phần bà Mỹ nợ ông Quang và thỏa thuận rằng ông Quang phải trả bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K. Việc đòi nợ giữa bà Mỹ và ông Quang đã được giải quyết dứt điểm.
Năm 1997 ông Phong, bà Lan đã được cấp “sổ đỏ” với 55.453m2, trong đó có 4ha chuyển nhượng từ ông Quang, không ai khiếu nại, tranh chấp.
Sau 1 năm, ông Quang không trả được nợ nên bà Mỹ quay sang đòi ông Phong, bà Lan với lý do “tranh chấp quyền sử dụng đất”, dù họ không có bất kỳ quan hệ mua bán, vay mượn nào với bà Mỹ. Bản án dân sự sơ và phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai đều buộc ông Phong, bà Lan trả cho bà Mỹ giá trị 2ha đất (theo bản án phúc thẩm là 900 triệu đồng).
Chánh án TANDTC đã kháng nghị tái thẩm sau 10 năm liên tục khiếu nại của ông Phong, bà Lan. Quyết định số 10/2012/DS-TT ngày 26/12/2012, Tòa Dân sự TANDTC đã hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử lại sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm lần 2 số 35/DS-ST ngày 11/7/2014 của TAND huyện Nhơn Trạch đã bác yêu cầu của bà Mỹ. Tuy vậy, Bản án phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai lại phán quyết tương tự như bản án đã bị hủy bỏ 13 năm trước, chỉ khác ở số tiền Tòa buộc bị đơn trả cho bà Mỹ giảm 200 triệu.
Ngày 12/7/2017, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 50/2017/KN-DS, yêu cầu TANDCC tại TP HCM xử giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai. Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm lại.
TAND tỉnh Đồng Nai trong phiên phúc thẩm lại giao TAND huyện Nhơn Trạch xử sơ thẩm lại với lý do bị đơn đã thế chấp sổ đỏ, trong đó có thửa đất tranh chấp tại ngân hàng, nên tòa sơ thẩm cần đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng.
Cần có sự giám sát, hướng dẫn của cấp trên
Quyết định số 14/2019/QĐST-DS ngày 14/6/2019 của TAND huyện Nhơn Trạch cho biết, đơn khởi kiện bổ sung ngày 20/3/2019 của nguyên đơn Lê Thị Mỹ yêu cầu hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Phong, bà Lan. Và “xét thấy hủy sổ đỏ do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh nên tòa Nhơn Trạch lại chuyển hồ sơ vụ án lên TAND Đồng Nai giải quyết”.
Sáu tháng sau, ngày 15/1/2020 TAND tỉnh Đồng Nai lại có Quyết định chuyển vụ án số 01/2020/QĐST-DS, chuyển hồ sơ vụ án về TAND huyện Nhơn Trạch để giải quyết. Căn cứ để đưa ra quyết định này là theo hướng dẫn của Công văn 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của TANDTC.
Hiện bị đơn đang khiếu nại Quyết định số 01/2020/QĐST-DS vì Công văn 64/TANDTC-PC của TANDTC là văn bản giải đáp trực tuyến với một trường hợp cụ thể, với câu hỏi: “Trong vụ án hành chính đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng người khởi kiện chỉ khởi kiện với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã. Vậy xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của tòa cấp huyện hay tòa cấp tỉnh?”.
Như vậy, giải đáp này hướng dẫn trường hợp cụ thể là “người khởi kiện chỉ khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã”, hoàn toàn khác biệt với vụ án bà Mỹ khởi kiện với yêu cầu hủy sổ đỏ. Vì vậy, vận dụng Công văn này là không phù hợp.
Theo khoản 3 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015, Tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó”. Do đó, một luật sư (LS) cho rằng: Yêu cầu của nguyên đơn trong vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa tỉnh Đồng Nai. Nếu giao Tòa huyện Nhơn Trạch xét xử là trái thẩm quyền, dẫn đến có nguy cơ phải hủy án.
Vụ án đã kéo dài đằng đẵng 18 năm, xử đi xử lại nhiều lần. Khoản 8 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 cũng quy định: “Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa cấp huyện”. Do đó, kể cả vụ án thuộc thẩm quyền của tòa cấp huyện thì tòa tỉnh cũng cần lấy lên để giải quyết.
LS trên cũng nhận định việc TAND tỉnh Đồng Nai đẩy hồ sơ về TAND huyện Nhơn Trạch làm kéo dài thời gian xét xử, không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp cũng như cải cách hành chính tư pháp mà ngành Tòa án đang quyết liệt thực hiện, rất cần có sự giám sát, hướng dẫn kịp thời của Tòa án cấp trên.