Tòa sơ thẩm tuyên nhà chia làm 4
Trong đơn gửi đến Báo PLVN, ông Tùng trình bày: Cha mẹ ông là cụ Nguyễn Văn Du (SN 1921, chết năm 1984) và cụ Huỳnh Thị Tấc (SN 1923, chết năm 1978) sinh 5 người con, gồm: Ông Tùng, ông Nguyễn Tùng Lộc (SN 1950), bà Huỳnh Thị Lợi (SN 1948), bà Nguyễn Huỳnh Mai (SN 1956) và ông Nguyễn Thanh Quang (SN 1965).
Trong quá trình chung sống, cha mẹ ông có tạo lập được tài sản là nhà đất số 243/42B/17 đường Tôn Đản, phường 15, quận 4 từ những năm 1948 (số nhà cũ là 243/175 đường Tôn Đản).
Đến năm 1968, cha mẹ ông xây dựng nhà kiên cố như hiện trạng ngày nay, cụ thể: Nhà tường gạch, mái tôn, nền lót gạch bông, diện tích đất 96,7m2, loại đất ở đô thị, diện tích sàn xây dựng là 125m2. Tài sản do ông Quang là đại diện các thừa kế đứng tên trên giấy chứng nhận (ông Quang chết năm 2016 và không có vợ, con).
Thời gian qua, do không thống nhất trong việc sử dụng căn nhà chung giữa các đồng thừa kế nên ông Tùng đã làm đơn khởi kiện chia thừa kế ra tòa án.
Tháng 9/2019, TAND Quận 4 ra Bản án số 340/2019 tuyên chia thừa kế mỗi người được hưởng 1/4 giá trị căn nhà khi phát mãi; và ghi nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế cho ông Lộc khoảng 100 triệu đồng/người sau khi phát mãi tài sản theo giá trị thực. Ông Lộc kháng cáo, không đồng ý với quyết định sơ thẩm.
Hiện trạng căn nhà đang tranh chấp. |
Tài liệu chứng cứ và lời khai bị đơn mâu thuẫn nhau
Tại phiên phúc thẩm, bị đơn khai sửa chữa nhà 4 lần, lần thứ nhất vào năm 1995 sửa chữa một phần, năm 2000 xây dựng mới hoàn toàn như hiện trạng ngày nay, năm 2003 và 2018 tiếp tục sửa chữa.
Trong tờ Đăng ký nhà đất năm 1999 mà Tòa án thu thập chứng cứ trong hồ sơ cấp GCN nhà đất, thì ông Lộc khai nhà do cha mẹ tạo dựng để ở trước 1975, nền gạch bông, tường gạch, mái tôn…
Trả lời đại diện VKS tại phiên tòa, bị đơn cũng thừa nhận ngoài căn nhà của cha mẹ thì toàn bộ diện tích đất xung quanh khuôn viên nhà đều là của cha mẹ tạo lập trước năm 1950.
Trong khi đó, dựa trên lời khai của một số nhân chứng, TAND TP HCM nhận định, căn nhà nói trên chỉ có diện tích 20m2. Ngày 12/12/2019, TAND TP ra Bản án phúc thẩm số 1189/2019 xác định, diện tích nhà đất của cha mẹ ông Tùng tạo dựng chỉ có 20m2 rồi tuyên án.
Phản bác biên bản kiểm tra xác minh mà TAND TP HCM xác định nhà có diện tích 20m2 vào năm 1984, ông Tùng giải thích: “Do ông Lộc gây khó khăn không cho tôi ở tại căn nhà của cha mẹ, nên tôi mới qua diện tích đất 20m2 trước cửa nhà bên kia đường đối diện, để cất tạm căn chòi 20m2. Sau đó, tôi bị phường xuống lập biên bản do phần đất trống không có số nhà. Trong biên bản này ghi địa chỉ nhà số 243/75 nay là 243/42B/17 đường Tôn Đản. Vì vậy biên bản kiểm tra xác minh này không phải là căn cứ duy nhất để kết luận nhà đất của cha mẹ tôi có bao nhiêu m2”.
Cũng theo ông Tùng: “TAND TP HCM đã sử dụng biên bản này để làm có lợi cho ông Lộc. Tòa phúc thẩm đã không đánh giá các chứng cứ quan trọng, xác thực như: Tờ Đăng ký nhà đất năm 1999 của ông Lộc, Giấy chứng nhận nhà đất mà ông Quang đứng đại diện các đồng thừa kế để xác định nhà đất là di sản của cha mẹ tôi để lại đúng bao nhiêu mét vuông; là trái với quy định pháp luật, phủ nhận sự thật khách quan”.
Nguyên đơn cho rằng, TAND TP HCM không căn cứ vào các tình tiết đã được làm rõ tại phiên tòa, mà cho rằng căn nhà chỉ có 20m2 và ông Lộc là người xây dựng làm tăng thêm diện tích; là không đúng, gây thiệt hại cho ông cũng như các đồng thừa kế khác.
“Tài liệu chứng cứ và lời khai của bị đơn mâu thuẫn với nhau, việc đánh giá thiếu khách quan của TAND TP HCM dẫn tới việc chia thừa kế không đúng quy định pháp luật, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi và các đồng thừa kế khác”, ông Tùng nói.
Chứng cứ quan trọng bản kê khai năm 1977
Sau phiên phúc thẩm, ông Tùng đã thu thập được thêm chứng cứ quan trọng: Bản kê khai nhà cửa ngày 1/12/1977 do cha ông Tùng kê khai được lưu trữ tại Văn phòng Đăng ký Đất đai TP, thể hiện nhà xây cất trước 1954, diện tích đất của khu nhà 100m2, diện tích xây cất 40m2, diện tích sử dụng 40m2, diện tích sử dụng chính 28m2.
Bản khai nhà cửa năm 1977 của cụ Nguyễn Văn Du. |
Ông Tùng làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 14/7/2020, VKSND Cấp cao tại TP HCM ban hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng bản án của TAND TP HCM tuyên sửa bản án sơ thẩm là không có căn cứ.
Tuy nhiên, ngày 28/9/2020, TAND Cấp cao tại TP HCM đã giám đốc thẩm và bác toàn bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM.
Nhiều luật sư nhận xét, toàn bộ diễn tiến sự việc cho thấy còn nhiều tình tiết cần phải xác định rõ như về diện tích nhà đất ban đầu; nhiều mâu thuẫn giữa các tờ khai, chứng từ về diện tích căn nhà. Việc ông Lộc khai 4 lần sửa chữa nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh việc này mà chỉ dựa vào lời khai là thiếu thuyết phục. Đặc biệt, Bản khai nhà cửa năm 1977 lưu tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM là một chứng cứ hết sức quan trọng cần phải được quan tâm đến.
Hiện nay, ông Tùng đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục tái thẩm nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của mình và các đồng thừa kế khác. Chúng tôi sẽ theo dõi phản ánh diễn biến sự việc.