Vụ kiện "cướp" thương hiệu "từ trên trời rơi xuống”

(PLO) - Một doanh nghiệp “mượn danh” hai công ty nước ngoài bất ngờ gởi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã cấp nhóm sản phẩm mang thương hiệu Arirang – một thương hiệu điện tử  có bề dày hơn 13 năm của Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (Maseco).
Dây chuyền sản xuất đầu máy Arirang của Maseco
Dây chuyền sản xuất đầu máy Arirang của Maseco
Hơn 10 năm gây dựng, tạo lập chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, Maseco không thể ngờ một ngày bỗng có người đến đòi, nhận thương hiệu của mình. Vụ việc có thể là bài học đối với doanh nghiệp trong nước.
“Hãy trả lại Arirang” 
Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (GCNĐKNH) Arirang cho các sản phẩm điện tử thuộc nhóm 9 của Cty Maseco gồm các loại: máy tăng âm (ampli), đầu máy đọc phát kỹ thuật số, đầu máy hát karaoke, ống nói, bộ trộn âm, loa, máy thu hình (tivi) và điện thoại (Cty Maseco nộp đơn vào ngày 8/11/2010 và được cấp vào ngày 24/9/2012, GCNĐKNH số 192026, nối tiếp GCN ĐKNH 44950 được cấp ngày 23/10/2003).
Bất ngờ, ngày 1/1/2013, Công ty cổ phần Công Nghệ Xanh có văn bản gửi Cục SHTT cho rằng Cty Maseco không có quyền đăng ký nhãn hiệu này. Theo đơn trình bày của đại diện Cty Công Nghệ Xanh gửi Cục SHTT, Cty này “tự nhận” là bên có quyền và lợi ích liên quan đến nhãn hiệu “Arirang, hình” của hai công ty Arirang Tech Corp, Hàn Quốc và Arirang Tech Corp, Hong Kong. 
Đơn gởi Cục SHTT, Cty Công Nghệ Xanh nhấn mạnh: Maseco từng là nhà nhập khẩu duy nhất tại Việt Nam với số lượng lớn trong một thời gian dài các sản phẩm của nhà sản xuất nhãn hiệu Arirang để bán lại tại thị trường Việt Nam, nhưng “nhà sản xuất chưa bao giờ cho phép Maseco được phép đăng ký nhãn hiệu này ở bất cứ đâu, đặc biệt ở Việt Nam”. Tuy nhiên, đơn cũng thừa nhận, “các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Hồng Kông nói trên chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Arirang ở bất cứ quốc gia nào”...
Nhãn hiệu Arirang được Cục SHTT cấp ngày 24/9/2012. Nhưng lưu ý rằng đây không phải là lần đầu tiên Cty Maseco nộp đơn đăng ký bảo hộ cho thương hiệu Arirang. 13 năm về trước, ngày 9/11/2001, Cty Maseco đã chính thức nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm Arirang. Ngày 23/10/2003, Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 44950 thương hiệu Arirang cho Maseco. Kể từ đó, thương hiệu “Arirang, hình” tồn tại và phát triển, nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, đoạt nhiều cúp vàng, giải thưởng... 
“Maseco mới là nhà sản xuất” 
Thành tích đó không hề có bất cứ doanh nghiệp nào phản đối hoặc tranh chấp. Thế nhưng, khi hết hiệu lực bảo hộ (theo quy định là 10 năm), Cty Maseco nộp đơn đăng ký bảo hộ nối tiếp thì bị Cty Công Nghệ Xanh mới thành lập vào tháng 6/2011 “tranh chấp” và có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Arirang.
Về vấn đề này, ông Đỗ Hướng Dương – Phó tổng giám đốc Cty Maseco nói: “Chỉ với tư cách tự nhận là bên “có quyền và lợi ích liên quan” với thương hiệu Arirang như Cty Công Nghệ Xanh thì tôi không cần phải giải thích. Tuy nhiên, do yêu cầu của Cục SHTT nên Maseco khẳng định như sau: Cty Maseco chưa bao giờ nhập khẩu đầu máy karaoke của hai nhà sản xuất nói trên để bán ở thị trường Việt Nam và cũng chưa bao giờ là nhà phân phối độc quyền sản phẩm đầu máy karaoke mang thương hiệu Arirang như họ tự bịa đặt ra cả. Thương hiệu đầu karaoke Arirang và các sản phẩm điện tử cùng thương hiệu này là của Maseco sản xuất. Cty Arirang Tech Corp, Hàn Quốc nói trên chỉ là một trong số các nhà cung cấp linh kiện để sản xuất đầu karaoke của chúng tôi mà thôi. Nhưng sau 2 năm cung cấp số lượng linh kiện ít ỏi, do năng lực, công nghệ không đáp ứng yêu cầu sản xuất nên chúng tôi đã không còn nhập khẩu linh kiện của họ hơn 13 năm nay”.
Theo vị này,  Arirang Tech Corp, Hàn Quốc cũng không phải là nhà sản xuất ra sản phẩm là đầu máy karaoke hay sản phẩm mang thương hiệu Arirang khác. Có chăng chỉ là một số ít linh kiện phục vụ cho việc sản xuất ra như mạch điện, bộ công tắc nguồn, panel… Còn Cty Arirang Tech Corp, Hong Kong chỉ mới thành lập tháng 12/2010 có trụ sở tại Quảng Châu – Trung Quốc thì chưa bao giờ được Maseco chọn là nhà cung cấp bất cứ loại vật tư, linh kiện, hàng hóa nào. 
Bình luận về chuyện này, bà Trần Thị Ngọc Thoa – Giám đốc Công ty Đại diện Sở hữu sông nghiệp Song Ngọc – cho biết: “Theo quy định của điều 87.1 Luật SHTT thì Maseco hoàn toàn có quyền đăng ký nhãn hiệu Arirang. Còn Arirang Tech Corp Hàn Quốc chưa bao giờ đăng ký bảo hộ sản phẩm Arirang ở Việt Nam và hơn 10 năm qua không có bất kỳ hoạt động thương mại nào tại Việt Nam nên không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu Arirang”.
(Còn tiếp)

Đọc thêm