Doanh nghiệp điêu đứng vì chính quyền tiền hậu bất nhất

(PLO) - UBND tỉnh Gia Lai một mặt cho phép Công ty Công ty TNHH Trọng Nguyên xây dựng nhà máy chế biến đá nhưng lại tìm cách thu hồi mảnh đất trái phép thuộc khu vực dự kiến khai thác đá khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn vì đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng...
Phía Cty Trọng Nguyên đã đầu tư gần 7 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến cùng các trang thiết bị cần thiết
Phía Cty Trọng Nguyên đã đầu tư gần 7 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến cùng các trang thiết bị cần thiết
Doanh nghiệp tố bị chính quyền tỉnh Gia Lai chèn ép đó là Công ty TNHH Trọng Nguyên (gọi tắt là Cty Trọng Nguyên) ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro tỉnh Gia Lai. 
“Sống dở chết dở”
Bà Bùi Thị Trú, Giám đốc Cty Trọng Nguyên cho biết, năm 2008 , bà được UBND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 34,389m2 đất trồng cây lâu năm, thời hạn là 50 năm (tức đến năm 2058). Sau khi nhận đất, bà Trú đã trồng cây keo lá tràm theo qui định của Nhà nước. Trong quá trình sử dụng, bà phát hiện dưới đất có đá bazan và xin chính quyền mở nhà máy chế biến khai thác đá ba zan trụ, bazan khối tại đây.
Đến năm 2011, Cty Trọng Nguyên được UBND tỉnh Gia Lai cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 39121000120, cho xây dựng nhà máy chế biến đá ốp lát tại Cụm tiểu thủ Công nghiệp Kông Chro. Sau khi có giấy phép xây dựng nhà máy, Cty này tiếp tục lập hồ sơ thăm dò khoáng sản và các thủ tục để xin cấp phép khai thác đá bazan trên diện tích 34,389m2 tại xã Kông Yang, huyện Kông Chro. 
Khi tiếp nhận hồ sơ của Cty Trọng Nguyên, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Gia Lai, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kông Chro đã tiến hành kiểm tra hiện trạng mảnh đất xin khai thác đá bazan trụ, bazan khối. Kết luận kiểm tra khẳng định, khu vực xin khai thác khoáng sản của Cty không chồng lấn lên bất kỳ diện tích đất nào.
Được UBND tỉnh cấp phép xây dựng nhà máy chế biến đá ốp lát nên Cty Trọng Nguyên đã đầu tư số tiền gần 7 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, trạm biến áp, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, 3 hệ thống máy cắt đá và thuê nhiều công nhân... 
Thế nhưng, từ tháng 6/2011 đến tháng 4/2014, Cty Trọng Nguyên không nhận được phản hồi về việc xin thăm dò, khai thác khoáng sản từ phía cơ quan chức năng địa phương. Vì vậy bà Trú tiếp tục lập hồ sơ xin thăm dò khai thác khoáng sản. Đến ngày 19/5/2014, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Gia Lai ra thông báo trả lại hồ sơ xin thăm dò khai thác khoáng sản với lý do thẩm quyền này thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường. 
Chữ ký của ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Quy hoạch Cụm Tiểu thủ Công nghiệp trong đó có Cty Trọng Nguyên
Chữ ký của ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
phê duyệt Quy hoạch Cụm Tiểu thủ Công nghiệp
trong đó có Cty Trọng Nguyên 
Ngày 19/6/2014 UBND tỉnh Gia Lai Công văn số 2209/UBND-CNXD về việc giao cho UBND huyện Kông Chro thu hồi mảnh đất đã cấp sổ đỏ cho bà Bùi Thị Trú với lý do diện tích 34,389m2 thuộc đất Quốc phòng nên việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho bà Trú của UBND huyện Kông Chro là không đúng thẩm quyền, và việc bà Trú mặc dù là chủ nhân của lô đất nhưng với tư cách cá nhân chứ không phải doanh nghiệp.
“Lộ” sự phi lý
Bà Bùi Thị Trú cho rằng, sự mâu thuẫn và phi lý trong các văn bản của chính quyền tỉnh Gia Lai lộ nhiều uẩn khúc. Thứ nhất là trước khi cấp sổ đỏ cho bà Trú, UBND huyện Kông Chro đã có Công văn số 251/UBND/ ngày 13/7/2007 về việc xác định khu vực quy hoạch đất quốc phòng gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đề nghị xác định mảnh đất sẽ cấp cho bà Trú có phải là đất quốc phòng hay không. Trong Công văn này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã xác nhận: “Nhất trí chuyển giao cho địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự không qui hoạch công trình quốc phòng”.
Bà Bùi Thị Trú bức xúc trước chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai và các cấp các ngành tại địa phương
 Bà Bùi Thị Trú bức xúc trước chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai
và các cấp các ngành tại địa phương
Ngoài ra, tại Biên bản kiểm tra của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Gia Lai về Hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản đá bazan trụ, bazan khối tại khu đất xin cấp phép của Cty Trọng Nguyên ngày 6/6/2011 cũng đã kết luận: “Khu vực xin khai thác khoáng sản không thuộc đất dành cho mục đích an ninh, quốc phòng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng”.
Một sự phi lý khác đó là, khi chính quyền thông báo thu hồi đất đã yêu cầu bà Trú giữ nguyên trạng diện tích đất nêu trên. Điều này làm cho hàng vạn cây keo non bị cỏ dại ăn lấp và chết. Trong khi đó, chính quyền dựa vào điểm này để đưa ra lý giải là gia đình bà Trú đã sử dụng mảnh đất không đúng mục đích.
“Nếu tôi phát quang để bảo vệ cây keo thì sẽ bị lập biên bản vì chống lệnh của chính quyền địa phương. Nếu không làm gì thì phía chính quyền lại nói là không sử dụng không đúng mục đích. Đằng nào cũng chết”, bà Trú bày tỏ.
Cận cảnh mỏ đá bazan trụ, ba zan khối mà bà Trú phát hiện
Cận cảnh mỏ đá bazan trụ, ba zan khối mà bà Trú phát hiện 
Một cán bộ của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, việc chính quyền tỉnh Gia Lai thu hồi đất của bà Trú với lý do mảnh đất thuộc khu vực an ninh, quốc phòng, trong khi đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã xác nhận đây không phải là mảnh đất thuộc quốc phòng là sai so với qui định của pháp luật. 
Ngoài ra, việc thu hồi đất của người dân dựa trên cơ sở đây là đất cá nhân chứ không phải doanh nghiệp cũng hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ bà Trú là Giám đốc doanh nghiệp nên việc mảnh đất đứng tên bà không ảnh hưởng gì đến việc cấp đất cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phục vụ khai thác đá. Còn việc cấp giấy phép thăm dò khai thác đá ba zan trụ, ba zan khối là thuộc thẩm quyển của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Đọc thêm