Như PLVN phản ánh trong số báo trước, ông Đặng Văn Ngà (còn gọi Tiến, SN 1960, ngụ thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) dù đã có vợ và hai con, nhưng vẫn có “quan hệ tình cảm” với bà Hồng Ngọc Phụng (SN 1959). Năm 1997, hai người có con ngoài giá thú với nhau là anh Đặng Hồng Phi.
Đầu năm 2018, bà Phụng bất ngờ gặp tai nạn thương tâm tử vong, để lại khối di sản khoảng 40 tỷ. Hai tháng sau khi bạn gái mất, ông Tiến đâm đơn khởi kiện chính đứa con ngoài giá thú của mình và những người thừa kế của bạn gái, đòi chia đôi tài sản bà Phụng để lại.
Hai cấp tòa nhận định ông Tiến vi phạm điều cấm Luật HN&GĐ, bác yêu cầu của ông Tiến đòi công nhận quan hệ hôn nhân thực tế. Tòa cũng nhận định không có chứng cứ thể hiện việc ông Tiến có tài sản chung với bạn gái. Thế nhưng tòa vẫn tuyên cho ông Tiến được hưởng 20% giá trị tài sản của bạn gái, là hơn 8,3 tỷ đồng.
“Căn cứ” để tòa đưa ra phán quyết như trên là nhận định “ông Tiến là người có trách nhiệm, khi bà Phụng chết ông Tiến có để tang và chăm sóc con chung Đặng Hồng Phi”.
Cổng nhà nơi bà Phụng gặp nạn thương tâm. |
Người đi kiện con lại được đánh giá “có trách nhiệm” với con
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Đây là nhận định không có cơ sở pháp lý và cũng không có cả cơ sở thực tế. HĐXX đã nhận định một cách rất cảm tính, không ghi nhận thực tế khách quan xảy ra thế nào, không ghi nhận lời khai của những người liên quan”.
Bà Hồng Tú Uyên (SN 1952, chị gái bà Phụng), nói: “Ngay khi em tôi qua đời, ông Tiến bất ngờ xuất hiện, “cố thủ” trong phòng riêng của em gái tôi có đặt két sắt. Em gái tôi đã lỡ dở một đời người vì trót quan hệ với người đàn ông đã có vợ con này, nên trong thâm tâm gia đình chúng tôi xưa nay không khi nào công nhận ông Tiến là người nhà dù chỉ trên hình thức xã giao.
Gia đình chúng tôi làm Ban Tổ chức lễ tang nên có quyền cho ai để tang, nhưng không muốn em buồn lòng nơi chín suối, nên mới để ông Tiến đeo khăn. Không ngờ dựa vào tình tiết này, tòa lại cho rằng ông Tiến “có trách nhiệm” để chia tài sản em tôi cho ông Tiến. Vậy cứ đeo tang là “có trách nhiệm”, thì tài sản ấy phải “xâu xé” cho hàng trăm người chứ đâu phải ông Tiến”.
Vẫn lời bà Uyên: “Tòa còn nhận định ông Tiến “có trách nhiệm” vì đã chăm sóc đứa con ngoài giá thú. Nhưng điều quan trọng nhất trong vụ án này là ông Tiến kiện chính con trai mình. Người cha đi kiện con rồi lại được đánh giá là “có trách nhiệm” với con. Đánh giá như vậy có hợp tình, hợp lý hay không?”.
Về phía bị đơn Đặng Hồng Phi, cũng băn khoăn trước nhận định của tòa án. Anh Phi cho hay vì quá đau lòng trước vụ kiện, nên đã ủy quyền toàn bộ cho dì và LS tham gia vụ án: “Xảy ra chuyện “cha kiện con” đòi tài sản, kéo dài gần ba năm qua. Cha kiện con, nội ngoại kiện nhau, tôi đau lòng thật sự”.
“Từ nhỏ tới lớn tôi không có mối quan hệ khăng khít với cha. Không ghét, nhưng cũng không gắn bó, cả năm trời không gặp nhau, không nói chuyện. Từ khi mẹ tôi mất, cũng chỉ một lần duy nhất cha gọi điện cho tôi, nói với tôi là “kiện đòi để giữ cho con”. Nhưng lời đó, tôi chỉ tin 50%”, anh Phi nói.
“Là con, nên tôi không dám nhận xét nhận định của tòa rằng cha “có trách nhiệm vì đã chăm sóc con” có đúng hay không. Tôi chỉ dám nhận xét trên góc độ pháp luật, rằng tòa nhận định cha “có công sức đóng góp vào khối tài sản” mà không có chứng cứ chứng minh, thì tôi thấy không hợp lý. Nếu có chứng cứ rõ ràng, hoặc cất lời xin, thì chia bao nhiêu, cho bao nhiêu cũng được”.
Vẫn lời anh Phi: “Cả yêu cầu của cha lẫn phán quyết của tòa đều làm tôi không phục, tôi đánh giá là bất hợp lý”.
Sau khi bị ông Tiến “nhốt” nhiều ngày, chiếc két sắt bị đục ổ khóa, bên trong trống trơn. |
Két sắt của người chết bị “rút ruột” ngay trong đám tang?
Trong vụ kiện này, LS cho rằng còn một tình tiết khác rất quan trọng mà tòa đã quên không xét đến, là sự việc két sắt bà Phụng để lại bị ông Tiến “chiếm giữ” nhiều ngày và khi mở ra thì két sắt đã bị đục ổ khóa, bên trong trống trơn.
Theo lời bà Uyên, khi em gái bà vừa chôn, ông Tiến gọi điện cho bà, nói: “Hồi đó Phụng hứa với em là cho 3 tỷ dưỡng già”. “Tôi nói: “Chị không có quyền, để gia đình bàn bạc”. Qua ngày hôm sau, Tiến hối thúc: “Chị hứa cho em thì chị ký đi”. Tôi trả lời không có quyền ký nên ông Tiến tuyên bố: “Chị không ký em đi thưa”.
Theo gia đình bà Phụng, trong suốt một thời gian dài sau khi bà Phụng mất, ông Tiến “cố thủ” luôn tại căn phòng của bạn gái cùng chiếc két sắt bà Phụng để lại. Gia đình mời chính quyền địa phương đến yêu cầu mở két kiểm kê tài sản người chết để lại nhưng ông Tiến không chấp nhận. “Em gái vừa mất, khi đó gia đình không muốn làm căng, sợ vong linh em buồn”, bà Uyên kể lại.
Vẫn lời bà Uyên: “Mãi đến lúc ông Tiến kiện con trai và gia đình tôi, không đồng ý với kiểu hành xử “cạn tàu ráo máng” quá đáng, chúng tôi mới kiên quyết yêu cầu phải mở két”. Theo biên bản lập ngày 31/5/2018, két sắt khi được kiểm kê đã bị chọc ổ khóa, khi phá két ra bên trong không có bất kỳ một thứ gì. Dù theo lời của ông Tiến, anh Phi và những người thân, khi còn sống, bà Phụng thường đựng vòng vàng, hột xoàn, tiền... trong két sắt này.
Bà Uyên sau đó làm đơn tố cáo ông Tiến gửi đến Công an huyện Dầu Tiếng, cho rằng ông Tiến chiếm đoạt tài sản của em gái mình. Bà Uyên đặt câu hỏi: “Bạn gái vừa đột tử mà đã đòi “tiền dưỡng già”. Đám tang đang diễn ra mà “cố thủ” trong phòng cùng chiếc két sắt của bạn gái. Trong nhà em gái tôi sau khi chết không tìm thấy đồng xu cắc bạc nào, toàn bộ tiền tang lễ do bên ngoại lo hết. Tiền trong két sắt thì biến mất hết? Vậy thì sao tòa có thể đánh giá đó là người “có trách nhiệm”?”.
PV đã liên hệ ông Tiến với mong muốn nghe những phản biện của ông về những phản ánh nêu trên, tuy nhiên ông Tiến từ chối gặp mặt hay trao đổi qua điện thoại và cho biết có thể sẽ gặp sau. Tuy nhiên nhiều ngày qua, không thấy ông Tiến gọi điện lại.
LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Vụ kiện với những tình tiết như trên mà tòa tuyên cho ông Tiến hưởng 20% giá trị tài sản bạn gái để lại, cho thấy có dấu hiệu vừa vi phạm tố tụng, vừa bất hợp tình, vừa bỏ lọt tội phạm; cần thiết phải giám đốc thẩm lại bản án để có một phán quyết hợp lý hợp tình, đúng pháp luật”.
Trong vụ kiện này, tòa hai cấp dù không đưa ra được chứng cứ nào cũng nhận định ông Tiến “biết tính toán kinh doanh và phụ giúp bà Phụng kinh doanh để tăng khối tài sản riêng”. Tuy nhiên, tòa đã tự mâu thuẫn với chính mình khi trước đó cũng trong bản án đã khẳng định “ông Tiến không đưa ra được chứng cứ chứng minh quyền sở hữu cũng như công sức đóng góp trong các tài sản bà Phụng để lại”.