Vụ kiện đòi đất sau 20 năm “chuyển nhượng”: Tòa án đã xác định đúng quan hệ tranh chấp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau 30 năm kết hôn, vợ chồng bà Vân gửi đơn ly hôn ra toà án, cùng thời điểm này, mẹ chồng bà Vân khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất cách đây 20 năm. Các chuyên gia pháp luật cho rằng trong vụ kiện này có dấu hiệu của việc xác định chưa đúng quan hệ tranh chấp dẫn đến áp dụng quy định pháp luật chưa phù hợp.
Phần đất đang tranh chấp.

Phần đất đang tranh chấp.

Kiện đòi đất sau 20 năm “tặng cho”

Cuối tháng 4/2021, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vụ án ra xét xử. Nội dung vụ việc cho thấy, bà Nguyễn Thị Hồng Vân và ông Nguyễn Duy Nhất kết hôn năm 1992, có hai con chung. Theo lời bà Vân, đến năm 2001, vợ chồng bà được cha mẹ chồng chuyển nhượng (thực chất là tặng cho) một phần đất tại đường Lê Huân (TP Huế).

Cùng năm, phần đất này cũng được chỉnh lý biến động, sang tên cho vợ chồng bà. Kể từ khi được tặng cho đất, vợ chồng bà xây nhà, rồi sinh sống ổn định suốt thời gian dài nhưng phía gia đình chồng không hề có bất kỳ ý kiến phản đối nào, cho đến nay là 20 năm.

Mấy năm trước, nhận thấy chồng ở nước ngoài không chung thủy nên bà Vân đồng ý ly hôn với ông Nhất. Đồng thời, do không có chỗ ở nào khác, bà Vân có nguyện vọng được giữ lại căn nhà để làm chỗ ở cho 3 mẹ con.

Trong khi TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang giải quyết vụ ly hôn thì mẹ chồng bà Vân là Tạ Thị Xuân đã khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Vân cùng văn bản công chứng hợp đồng nói trên vào 20 năm trước (năm 2001) là vô hiệu. Tòa án tỉnh đã tạm đình chỉ vụ án ly hôn của vợ chồng bà Vân để chờ kết quả xử lý vụ án đòi đất giữa mẹ chồng – nàng dâu.

Xét xử sơ thẩm vụ án vào tháng 4/2021, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định đây là tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định của khoản 11 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005.

Theo Tòa án tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời điểm năm 2001, dù chồng bà Xuân là ông Nguyễn Duy Bậu (mất năm 2003) đứng tên giấy chứng nhận lô đất trên nhưng theo qui định, đây là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Phần đầu của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi tên vợ chồng bà Xuân, ông Bậu chuyển nhượng cho vợ chồng con là bà Vân và ông Nhất, được UBND phường Thuận Hòa, TP Huế xác nhận ngày 27/3/2001 nhưng ở phần ký tên bên chuyển nhượng không có chữ ký của bà Xuân. Đồng thời phần ký tên bên nhận chuyển nhượng cũng không có chữ ký của bà Vân.

Do vậy, về hình thức, hợp đồng này vi phạm quy định của Nghị định 17/1999 về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, qua công tác giám định, tòa có cơ sở nhận thấy, chữ ký của hợp đồng này giả chữ ký của ông Bậu.

Từ đó, tòa chấp yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Xuân; buộc bà Vân và các con rời khỏi căn nhà trong thời hạn 6 tháng kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Nhiều “điểm mờ” về áp dụng quy định pháp luật

Luật sư Bùi Duy Thạnh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Duy Bậu và ông Nguyễn Duy Nhất được lập ngày 27/3/2001 do UBND phường Thuận Hòa thẩm tra ngày 27/3/2001, Trưởng ban địa chính TP Huế thẩm tra ngày 30/3/2001 và UBND TP Huế xác nhận ngày 3/4/2001 mà tòa sơ thẩm nêu “không phải là văn bản công chứng” vì không do Phòng Công chứng thực hiện theo Nghị định 31/1996 (sau này là Nghị định 75/2000).

Theo Luật sư Thạnh, đây đơn thuần là hợp đồng được chứng thực, là một giao dịch dân sự được quy định tại Điều 130 Bộ luật Dân sự 1995, do UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện chứng thực theo quy định tại hai Nghị định nêu trên.

Như vậy, khi giải quyết vụ án, tòa phải xác định đây là “Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 chứ không phải là “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” theo quy định tại khoản 11 Điều 26 như HĐXX cấp sơ thẩm đã nêu.

Trường hợp xác định đúng quan hệ tranh chấp như trên thì hoàn toàn đủ cơ sở để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên, tại thời điểm năm 2001, đáp ứng đủ điều kiện có hiệu lực theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 1995, chứ không phải vô hiệu như tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Bởi, năm 2001 chưa có Luật Công chứng, chưa hề có khái niệm “Văn bản công chứng vô hiệu”.

Trong khi đó, Nghị định 17/1999 quy định về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không hướng dẫn và bắt buộc các bên phải ký như thế nào vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không quy định hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nghị định 17/1999 chỉ quy định thành phần hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. HĐXX cấp sơ thẩm đã có những nhận định, viện dẫn và áp dụng các văn bản pháp luật vừa nêu là không chính xác, không đảm bảo cơ sở pháp lý. Chưa kể, xét về thời hiệu khởi kiện vụ tranh chấp dân sự thì cũng đã hết.

Bên cạnh đó, các luật sư cũng cho rằng toà án có sự thiếu sót trong công tác xác định chữ ký, việc tòa cho rằng có cơ sở cho rằng chữ ký trên hợp đồng là giả chữ ký của ông Bậu là không thuyết phục.

Mặt khác, theo Luật sư Trần Quang Thái (Đoàn Luật sư TP HCM), ở vụ án này, bà Xuân biết rõ việc chồng bà có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2001, nhưng thực chất là tặng cho vợ chồng ông Nhất, bà Vân vì chuyển nhượng không có giá. Ý chí tặng cho của bà Xuân thể hiện rõ trong “Tờ trình về việc xin ly hôn của hai con” mà bà Xuân đã cung cấp cho TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong vụ án ly hôn của ông Nhất, bà Vân. Cạnh đó, vợ chồng người con đã sang tên chủ quyền, cất nhà, sinh sống trong suốt thời gian dài và bà Xuân cũng không có ý kiến phản đối gì, kể cả khi chồng mất năm 2003; chiếu theo án lệ 03/2016, yêu cầu của bà Xuân không được chấp thuận”, Luật sư Thái nêu quan điểm.

Đọc thêm