Ông Hanh phản ánh sự việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam |
Gia đình ông ở lại ngôi nhà này đến khoảng tháng 4/1955 thì khóa cửa về quê tại Thái Bình. Tháng 12/1965, gia đình quay về Hà Nội thì thấy hộ gia đình ông Can và hộ gia đình bà Tý đến ở trong nhà. Trước sự việc trên, mẹ ông mang giấy tờ nhà đất lên Phòng nhà cửa trình bày thì được trả lời: “Khi gia đình đi vắng có cho 2 hộ vào ở tạm thời từ 20/7/1956 đến hết ngày 31/12/1956”. Ngày 31/12/1956, mẹ ông được Ủy ban hành chính TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý nhà đất vắng chủ đối với ngôi nhà trên.
Sau khi nhận được quyền quản lý ngôi nhà 136 Nguyễn Thái Học, mẹ ông cho bà Lương (tức bà Tý) ở thuê 1/2 gian nhà diện tích khoảng 13m2, giá 1 đồng/tháng (hợp đồng miệng). Năm 1975, khi bà Lương chết thì anh Nguyễn Văn Thịnh (con trai bà Lương) cùng vợ là chị Vũ Thị Khánh tiếp tục ở. Năm 1985, vợ chồng anh Thịnh được Nhà nước phân nhà tại khu Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội) nên diện tích nhà thuê tại 136 Nguyễn Thái Học được anh Thịnh để lại cho em gái vợ là chị Vũ Thị Thế ở cho đến nay. Anh Thịnh trả tiền thuê nhà đến hết tháng 12/1975 thì không trả nữa. Đến năm 1998, anh Thịnh chết.
Sau nhiều lần đòi lại ngôi nhà không được, năm 2008 ông Hanh đã khởi kiện chị Thế ra TAND TP Hà Nội.
Bản án sơ thẩm số 39/2008/DSST ngày 30/5/2008, TAND TP Hà Nội xác nhận cụ Trần Thị Chính là chủ sở hữu ngôi nhà 136 Nguyễn Thái Học. Xác nhận bà Vũ Thị Mùi, ông Vũ Đức Hanh (SN 1942), ông Vũ Anh Tuấn (SN 1952), Vũ Thị Tỵ (SN 1953) là con đẻ của bà Dung (cũng là cháu ngoại của cụ Chính) được hưởng thừa kế ngôi nhà trên.
Sau khi chị Thế kháng cáo, tại Bản án phúc thẩm số 62/2009/DS-PT ngày 13/4/2009, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của chị Thế, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
Ngày 13/4/2012, Chánh án TAND Tối cao có Quyết định kháng nghị số 123/2012/KN-DS, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án dân sự phúc thẩm…
Ngày 24/5/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 47/2013/GĐT-DS hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 62/2009/DSPT ngày 13/4/2009 của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 39/2008/DSST ngày 30/5/2008 của TAND TP Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại.
Mới đây, tại Bản án số 13/2017/DS-ST (ngày 18/5/2017), TAND TP Hà Nội đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hanh về việc yêu cầu chị Thế trả lại diện tích nhà thuê tại số 136 Nguyễn Thái Học.
Ông Hanh đã có làm đơn kháng cáo vì cho rằng mẹ ông đã được Ủy ban hành chính TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền quản lý nhà đất vắng chủ đối với ngôi nhà vào tháng 12/1956.
“Mặc dù Bản án sơ thẩm số 39/2008/DSST ngày 30/5/2008 và Bản án phúc thẩm số 62/2009/DS-PT ngày 13/4/2009 đã bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chúng tôi và buộc chị Thế phải trả toàn bộ diện tích nhà đất đang chiếm hữu, sử dụng do ở thuê cho gia đình tôi. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lại ra quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản trên, khiến vụ việc trở nên phức tạp và không đảm bảo quyền lợi cho gia đình tôi”- ông Hanh bức xúc nói.