Vụ kiện đòi nhà đất tại Hải Phòng: Một số dấu hiệu bất thường cần làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đang tố cáo tới công an việc bị chiếm dụng sổ đỏ, vợ chồng ông Cao Đức Phong (SN 1963, ngụ phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng) bị người khác kiện ra tòa để đòi nhà, đất. Ông Phong cho rằng sau đó tìm hiểu, phát hiện ngôi nhà gia đình đang ở lâu nay đã bị bán qua 2 lần chủ trong thời gian ông “cho mượn” sổ đỏ.
Ngôi nhà gia đình ông Phong đang sử dụng nhưng đã bị sang tên hai lần.
Ngôi nhà gia đình ông Phong đang sử dụng nhưng đã bị sang tên hai lần.

Chỉ vì cho em họ “mượn” Sổ đỏ?

Đầu tháng 12/2020, ông Phong cùng vợ là bà Phạm Thị Loan đã đến Công an phường Hòa Nghĩa trình báo về việc cho hai người quen “mượn” sổ đỏ nhà để cầm cố, vay vốn làm ăn nhưng đã 10 năm không trả lại; đề nghị cơ quan chức năng can thiệp.

Vợ chồng ông Phong cho rằng đầu tháng 12/2010, người đàn ông SN 1976 là em họ ông Phong, cùng người đàn ông SN 1977 (đều ngụ phường Hòa Nghĩa) đến hỏi “mượn” sổ đỏ để cầm cố, vay vốn làm ăn. “Do nể nang, chúng tôi đồng ý cho mượn sổ đỏ thửa đất rộng 583,5m2, thửa 107, tờ bản đồ số 9, tổ dân phố số 9 phường Hòa Nghĩa; với điều kiện hai người mượn phải làm giấy cam kết.

Sau đó, người đàn ông SN 1977 viết “Giấy cam kết mượn sổ đỏ” của vợ chồng ông Phong để “thế chấp” vay vốn làm ăn, thời hạn vay 3 tháng, số tiền 1 tỷ đồng. Trong thời hạn trên cháu ông Phong và người đàn ông SN 1977 không hoàn trả lại được sổ đỏ thì “vợ chồng ông Phong toàn quyền xử lý, nhờ chính quyền giải quyết. Bên mượn phải chịu trách nhiệm và hậu quả gây ra; chịu toàn bộ chi phí khi pháp luật giải quyết”.

Sau khi cho mượn sổ đỏ, vợ chồng ông Phong cho rằng đã cùng bên mượn đến gặp người phụ nữ cho vay tiền và ký vào một tờ giấy do người phụ nữ đưa. Sau đó, bên cho vay đưa tiền cho người đàn ông SN 1977 và ông này đưa lại cho ông Phong 15 triệu đồng.

Hết thời gian cho mượn sổ đỏ theo cam kết, vợ chồng ông Phong nhiều lần yêu cầu bên mượn trả lại sổ đỏ nhưng không thành.

Trong lúc vẫn tiếp tục sử dụng nhà đất nêu trên và chờ cơ quan chức năng giải quyết đơn trình báo thì cuối năm 2021, vợ chồng ông Phong bất ngờ bị người đàn ông ngụ huyện Kiến Thụy khởi kiện tại TAND quận Dương Kinh “yêu cầu trả lại nhà đất, yêu cầu chấm dứt việc chiếm dụng nhà, đất…” tại chính ngôi nhà gia đình ông Phong đang ở.

“Lúc này vợ chồng tôi mới biết sổ đỏ mà vợ chồng tôi cho mượn từ 2010 đã bị làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên 2 lần. Lần đầu tiên là chuyển nhượng, sang tên cho người phụ nữ cho em tôi và người đàn ông SN 1977 vay tiền. Lần 2 là từ người phụ nữ sang nhượng cho vợ chồng nguyên đơn hiện nay”, ông Phong cho biết.

LS: “Cần chuyển hồ sơ để công an xác minh rõ ràng”

Sau khi biết cụ thể về hai lần sang tên nhà đất trên, vợ chồng ông Phong đề nghị TAND quận Dương Kinh triệu tập và đưa người phụ nữ vào tham gia vụ án để làm rõ việc chuyển nhượng lần 1 như thế nào, bởi ông cho rằng không có việc vợ chồng ông đến Văn phòng Công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà này vào ngày 8/12/2010. Vợ chồng ông Phong đề nghị Tòa hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên, cũng như hủy bỏ giao dịch lần 2 giữa người phụ nữ và vợ chồng nguyên đơn vào 2021.

Một nội dung đáng chú ý trong cả hai Hợp đồng là “Bên A (tức vợ chồng ông Phong - NV) đã bàn giao đất và tài sản gắn liền với đất cho bên B (tức vợ chồng người phụ nữ - NV)”, và “bên nhận chuyển nhượng (tức vợ chồng nguyên đơn - NV) đã nhận bàn giao nhà đất theo đúng hiện trạng đã mô tả tại hợp đồng từ bên chuyển nhượng (tức vợ chồng người phụ nữ - NV)”. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay, vợ chồng ông Phong vẫn liên tục sử dụng nhà đất, không hề bàn giao nhà đất cho bất cứ ai.

Còn nữa, Hợp đồng chuyển nhượng năm 2010 ghi rõ vợ ông Phong chưa được cấp lại CMND, nhưng vẫn được công chứng. Rồi 10 năm sau khi ký Hợp đồng, người phụ nữ mới tiến hành sang tên sổ đỏ. Lúc này, không rõ ai đã nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và việc sang tên này có bị xử phạt do chậm đăng ký biến động về đất đai hay không?

Chính vì vậy, vợ chồng ông Phong đề nghị cơ quan công an tiếp tục giải quyết đơn thư của vợ chồng ông bà đã gửi từ 2020; làm rõ dấu hiệu giả mạo chữ ký, dấu hiệu công chứng khống trong hợp đồng chuyển nhượng nhà đất từ năm 2010; dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại Công an phường Hòa Nghĩa và TAND huyện Dương Kinh, cháu ông Phong và người đàn ông SN 1977 đã có nhiều lời khai, đều không công nhận có việc vợ chồng ông Phong tự nguyện chuyển nhượng nhà đất cho người phụ nữ. Hai người này công nhận có việc mượn sổ đỏ; cầm cố sổ đỏ để vay 800 triệu, hàng tháng có trả tiền lãi cho người cầm cố sổ đỏ…

Người đàn ông SN 1977 cũng thừa nhận đã viết Giấy cam kết có nội dung “mượn” sổ đỏ ngày 5/12/2010 như lời khai và chứng cứ vợ chồng ông Phong đã đưa ra.

Một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, đơn của vợ chồng ông Phong đã được cơ quan công an tiếp nhận từ cuối tháng 12/2020, cần được tiếp tục xác minh, trả lời theo quy định. “Hợp đồng chuyển nhượng có một số điểm bất thường, chưa hợp lý. Vì vậy, TAND quận Dương Kinh cần tạm đình chỉ vụ tranh chấp đòi nhà; chuyển hồ sơ để cơ quan công an giải quyết kiến nghị, tố cáo về dấu hiệu tội phạm theo thẩm quyền”, LS nói.

Đọc thêm