Vụ kiện hi hữu đòi lại thửa đất đã bán 24 năm

(PLVN) -  Gia đình ông Lê Văn Nam (SN 1964, ngụ thôn Mũi Đá, xã Tân Phước, thị xã La Gi, Bình Thuận) đã mua đất, trả đủ tiền, đã sử dụng đất có vị trí, ranh giới rõ ràng suốt 24 năm; nhưng bất ngờ bị TAND La Gi tuyên bố “hợp đồng mua bán vô hiệu”.
Khu đất đã được ông lập viết giấy bán cho ông Nam từ 24 năm trước.

Đất đã bán, nhưng sổ đỏ vẫn đứng tên chủ cũ

Theo hồ sơ, ngày 20/11/1998, ông Trần Trung Lập (SN 1958, đã qua đời năm 2011, ngụ đội 7, thôn 6, xã Tân Thiện, huyện Hàm Tân, nay là thôn Mũi Đá, xã Tân Phước, La Gi) viết giấy tay bán đất (đất đang làm thủ tục cấp sổ đỏ) cho ông Nam với diện tích 784m2 (ngang 14m, dài 56m) giá 5 chỉ vàng (tương đương 1 triệu đồng). Hiện khu đất nằm trên đường Nguyễn Du thuộc thôn Mũi Đá.

Giấy mua bán nêu rõ ranh giới đất: “Đông giáp đất Trần Đức; Bắc giáp ranh; Nam giáp đường”. Tiền mua bán đã được trả đủ và “kể từ 20/11/1998 miếng đất nói trên thuộc quyền anh Nam sử dụng”.

Việc mua bán được thực hiện tại nhà ông Lập, có người làm chứng Phan Đình Huân, có xác nhận của tổ tự quản là ông Dương Văn Lản.

Ngày 26/11/1998, ông Lập tiếp tục viết “Đơn xin sang nhượng đất gia cư” gửi UBND xã, Ban Công an thôn, Ban Chỉ huy đội, Tổ tự quản, thể hiện gia đình ông có thửa đất 1.500m2 được thôn và đội cấp vào 1992. “Nay vì gia đình chúng tôi hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, nằm trong diện hộ đói nghèo của xã” nên xin chuyển nhượng cho ông Nam với diện tích ngang 14m, dài 50m với giá 1 triệu đồng.

Đơn này có ông Nguyễn Việt Hạnh làm chứng, Đội trưởng Đội 7 Nguyễn Văn Sê và ông Trần Hữu Trường xác nhận.

Ông Nam kể: “Hồi đó, người dân đều được cấp đất để sống ổn định. Nhà tôi và nhà ông Lập không xa lạ gì, là người cùng quê ở Quảng Trị vào ở cùng đội 7. Vợ chồng ông Lập nói nghèo khó mới bán cho chúng tôi. Hồi đó 1 triệu đồng tôi có thể mua được nhiều hơn, nhưng do đất của ông Lập ở gần đường, tôi mua để cho con cái sau này”.

Ngày 25/1/1999, phần đất được cấp sổ đỏ với số thửa 265, tờ bản đồ 11, diện tích 1.500m2, loại đất T+ĐM (đất màu). Sổ đỏ cấp cho hộ ông Lập gồm cả phần bán cho ông Nam.

Năm 1999, lấy ranh từ đất đã bán cho ông Nam, ông Lập tiếp tục bán cho ông Trương Duệ làm nhà ở trên đất từ đó nay.

Ngày 13/3/2002, ông Lập cùng vợ là bà Bùi Thị Huệ tiến tới ký hợp đồng mua bán theo đúng quy định pháp luật cho vợ chồng ông Nam. Hợp đồng này được UBND xã xác nhận đất đang sử dụng đúng mục đích, không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện mua bán nên đồng ý. Đồng thời xã đề nghị UBND huyện xác nhận hợp đồng. Hợp đồng có kèm bản vẽ do UBND xã đo đạc, có ranh giới phía Đông giáp đất ông Lâm, phía Tây giáp đường, phía Nam giáp đất ông Đức, phía Bắc giáp đất ông Lập (còn lại).

“Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng năm 2002 là kế thừa giấy mua bán năm 1998. Hiện trạng đất, diện tích, vị trí, ranh giới không thay đổi”, ông Nam nói.

Hồ sơ được gửi đến UBND huyện để tách thửa nhưng sau đó bị trả lại với lý do đất thuộc khu vực quy hoạch du lịch.

Ngày 19/04/2002, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra 951 kiểm kê, kiểm tra việc sử dụng đất trong khu vực quy hoạch trọng điểm của tỉnh. Ngày 28/4/2003, Đoàn 951 lập biên bản sử dụng đất hộ ông Lập, nêu rõ: Đất ông Lập sử dụng 324m2. Về nguồn gốc là được cấp sổ đỏ năm 1999, diện tích 1.500m2, trong đó bán cho ông Nam 784m2, bán cho ông Duệ 329m2, còn lại 324m2. Kèm theo biên bản là sơ đồ vị trí đất. Biên bản kiểm tra đất của ông Lập có chữ ký xác nhận của ông Lập, chính quyền địa phương và Đoàn 951.

Trong danh sách các hộ sang nhượng đất xã Tân Thiện từ 2001 – 2003 do Đoàn 951 cùng UBND xã xác nhận, có ghi rõ ông Lập chuyển nhượng cho ông Nam 784m2.

Bảng kê tổng hợp các hộ sử dụng đất trong quy hoạch du lịch xã Tân Thiện do Đoàn 951 lập thể hiện ông Nam diện tích 784m2, ông Lập 324m2, ông Duệ 329m2.

Ông Nam nói: “Do đất thuộc quy hoạch du lịch nên tôi không dám làm nhà, không trồng cây lâu năm”.

Hợp đồng năm 2002 được UBND xã xác nhận, chuyển hồ sơ đến UBND thị xã để tách thửa; là kế thừa của giấy mua bán và đơn xin sang nhượng do chính ông Lập viết năm 1998.

Bất ngờ xảy ra khi thửa đất thoát “quy hoạch treo”

Ngày 25/3/2016, ông Nam lập hợp đồng với ông Nguyễn Tấn Cường để đổ đất, san lấp mặt bằng khu đất trên. Sau khi ông Nam san lấp xong, ngày 7/4/2016, bà Huệ mượn của ông Nam 30 triệu đồng. Theo giấy mượn tiền được UBND xã chứng thực, bà Huệ viết: “Nguyên trước đây, ngày 23/2/2002, gia đình chúng tôi có bán cho ông Nam và bà Nguyễn Thị Bảy cùng cư ngụ tại địa phương một thửa đất gia cư 14m mặt tiền đường, chiều sâu đến hết đất, có tổng diện tích 784m2… nhưng chưa tách thửa được do đất trên nằm trong quy hoạch du lịch”.

“Nay cấp thẩm quyền cho phép chuyển nhượng nên ông Nam có nhu cầu mượn sổ đỏ để tách thửa đất nói trên. Vì lý do gia đình khó khăn tôi đã cầm sổ đỏ để mượn tiền. Nay tôi mượn ông Nam 30 triệu để lấy sổ đỏ đưa ông Nam tách thửa”.

“Hoàn cảnh bà Huệ khó khăn, đến nhà tôi hỏi vay tiền vì nói đã cầm sổ đỏ. Tôi đồng ý cho vay 30 triệu vì thời điểm này Nhà nước đã cho tách thửa, bỏ quy hoạch. Chính bà Huệ cùng lên xã ký giấy tờ vay mượn với tôi. Nhưng tiền mượn xong, bà Huệ không thực hiện cam kết”, ông Nam nói.

Rồi bất ngờ, ngày 19/4/2016, lúc này chồng đã qua đời, bà Huệ ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Bình làm đơn gửi UBND xã và thị xã “yêu cầu ông Nam di dời đất đá đã đổ và không được cản trở bà Huệ sử dụng đất”.

Giữa năm 2016, ông Nam khởi kiện đến TAND TX yêu cầu bà Huệ thực hiện đúng nghĩa vụ giao sổ đỏ để ông làm thủ tục tách thửa; đồng thời trả tiền gốc, lãi số tiền 30 triệu đã vay.

Bà Huệ làm đơn phản tố, đòi tòa tuyên hợp đồng mua bán đất vô hiệu. Bà Huệ cho rằng gia đình bà chưa từng bán đất, chưa từng nhận tiền, chưa từng bàn giao đất cho ông Nam. Bà Huệ còn cho rằng, năm 2002 khi vợ chồng bà ký hợp đồng bán đất, lẽ ra cần phải có ý kiến của các con (lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) vì đất cấp cho hộ mình, chứ không phải cấp cho vợ chồng mình. Bà Huệ nói giấy mượn tiền 30 triệu đồng, nội dung trên giấy là bà “bị gài”. Mặc dù nói “bị gài” nhưng bà Huệ đồng ý trả tiền gốc, lãi với số tiền mượn này.

Hai lần TAND tuyên ông Nam thắng kiện, công nhận hợp đồng mua bán, buộc bà Huệ phải giao sổ đỏ để ông Nam làm thủ tục tách thửa; trả tiền gốc, lãi số tiền vay 30 triệu đồng. Thế nhưng, khi án bị hủy, cấp sơ thẩm TAND TX La Gi lại tuyên “hợp đồng mua bán vô hiệu”, hai bên mỗi người được chia đôi giá trị thửa đất.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết, với các chứng cứ các bên đưa ra trong vụ kiện này, có thể thấy đây là giao dịch có bản chất rõ ràng là mua bán và giao dịch đã hoàn tất. “Trong hàng chục năm, các cơ quan chức năng đã nhiều lần có các biên bản xác nhận đất trên thuộc quyền sử dụng của ông Nam. Nhưng do khu đất từng bị quy hoạch treo, các bên chưa cập nhật tên mới trong sổ đỏ, nên rắc rối mới xảy ra. Đề nghị của phía bị đơn cho rằng muốn bán đất phải xin ý kiến cả đứa con mới 5 tuổi cũng là không phù hợp quy định pháp luật… Những vấn đề này, rất mong HĐXX lưu ý trong phiên phúc thẩm sắp tới”.

Đọc thêm