Vụ kiện hi hữu tại Sơn Tây (Hà Nội): Đất đã được cấp 40 năm hay đất người khác “khai hoang”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Dũng (bệnh binh 2/3, ngụ thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, TX Sơn Tây, TP Hà Nội) vừa có đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng về bản án dân sự phúc thẩm của TAND Hà Nội.
Ông Dũng bên ngôi nhà sắp bị mất sau phán quyết của cấp phúc thẩm.
Ông Dũng bên ngôi nhà sắp bị mất sau phán quyết của cấp phúc thẩm.

Ông Dũng cho biết, năm 1982 xuất ngũ về địa phương xây dựng gia đình và không có nhà ở nên được UBND xã cấp cho thửa đất hơn 300m2. Sau đó vợ chồng ông mua thêm diện tích hơn 300m2 đất liền kề phía sau để hợp thành thửa đất khoảng hơn 600m2.

Năm 2019, bà Phùng Thị Nhớn (người vợ không hôn thú với bố ông Dũng) cùng các con riêng của hai ông bà khởi kiện, đề nghị được chia một phần đất vì cho rằng bà Nhớn và bố ông Dũng khai hoang trước đây.

Ngày 16/1/2020, TAND Sơn Tây xử sơ thẩm vụ kiện "tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp di sản thửa kế". Nguyên đơn là bà Nhớn và 3 người con trai. Bị đơn là ông Dũng và vợ là bà Hoàng Thị Miền.  

Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị Tòa bác đơn khởi kiện của bà Nhớn về việc yêu cầu được chia một phần diện tích đất với vợ chồng ông Dũng; bác yêu cầu của các ông Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Văn Mạnh về việc yêu cầu chia thừa kế tài sản đất đai với vợ chồng ông Dũng; xác nhận thửa đất số 2+200 (diện tích 360m2), thửa số 221 (diện tích 113,8m2), tổng cộng 473,8m2 tại thôn Khoang Sau vợ chồng ông Dũng được quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 

TAND Sơn Tây nhận định: Trên thực tế có cơ sở chứng minh thửa đất vợ chồng ông Dũng đang ở, quản lý, được xã cấp theo tiêu chuẩn bộ đội phục viên về địa phương. Tòa sơ thẩm bác đơn khởi kiện của bà Nhớn; bác yêu cầu của ông Thành, Chung, Mạnh. Nguyên đơn kháng cáo.

Trong các ngày 22-23/7/2020, TAND TP Hà Nội xử phúc thẩm và tại phiên tòa, ông Thành, Chung, Mạnh có đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và rút toàn bộ kháng cáo; bà Nhớn vẫn giữ nguyên yêu cầu.

TAND Hà Nội tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, cho rằng 473,8m2 đất là do ông Nguyễn Hùng Sơn (bố ông Dũng) và “vợ hai không có hôn thú” là bà Nhớn tự khai hoang, sử dụng từ trước 1980; và xác định đó là tài sản chung của ông Sơn, bà Nhớn; ông Dũng và bà Nhớn có công sức đóng góp. Tòa chia cho bà Nhớn quản lý, sử dụng 118,45m2 trong khu đất vợ chồng ông Dũng đang sử dụng.

Phán quyết của cấp phúc thẩm bị một số ý kiến của người dân địa phương cho rằng chưa thỏa đáng, vì bà Nhớn đang sử dụng diện tích đất trên 1.000m2 ở thôn Khoang Sau và đó mới là thửa đất do bà và bố ông Dũng khai hoang trước đây. “Những chứng cứ, tài liệu về nguồn gốc đất của gia đình tôi cung cấp, trình bày tại tòa đã không được cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo”, ông Dũng nói.

Được biết, trong hồ sơ đất đai của ông Dũng vẫn còn xác nhận của ông Đào Văn Ước (nguyên cán bộ địa chính, người có trách nhiệm quản lý ruộng đất xã Sơn Đông từ 1960 - 1985) và thành viên giải quyết đất thổ cư cho ông Dũng ngày 9/4/1982, xác nhận: “UBND xã Sơn Đông đã cấp đất cho ông Dũng 59 tuổi làm nhà từ năm 1982, thuộc bản đồ đo đạc 299 tờ bản đồ số 12 số thửa 222, ông Dũng đang sử dụng là đúng”.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc cấp phúc thẩm viện dẫn “Sổ dã ngoại” để cho rằng đất trên là của ông Sơn, bà Nhớn khai hoang là không thỏa đáng, bởi “Sổ dã ngoại” được lập trong quá trình đo đạc, lập bản đồ giải thửa hoặc bản đồ địa chính (trước khi tổ chức đăng ký quyền sử dụng đất); để thể hiện các thông tin điều tra, đo đạc ban đầu về hiện trạng sử dụng đất như số liệu thửa đất, tên người sử dụng đất; nên không được coi là một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013.

Theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì Sổ mục kê đất phải được lập trước ngày 18/12/1980 mới được coi là một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; trong khi “Sổ dã ngoại” mà Tòa án lấy làm căn cứ được lập năm 1985.

Bên cạnh đó, theo tài liệu, chứng cứ, hồ sơ vụ án và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì quan hệ tranh chấp phải được xác định là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” hay “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất”, nhưng cấp phúc thẩm lại xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp tài sản chung” là sai lầm dẫn đến việc áp dụng pháp luật và ban hành bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự…

Bản án phúc thẩm thừa nhận quan hệ giữa ông Sơn (SN 1928, đã mất năm 1991, không để lại di chúc) với bà Nhớn là mối quan hệ vợ chồng để từ đó bảo vệ quyền lợi cho bà Nhớn là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 1959 quy định: “Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác”; “Việc kết hôn phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật”. 

Đọc thêm