Vụ kiện Hòa Lân: Ba dấu hiệu sai sót của bản án Giám đốc thẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 15/11/2021 vừa qua, Ủy ban Thẩm phán (UBTP) TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên giám đốc thẩm (GĐT) vụ kiện chủ đầu tư cũ đòi lại dự án Hòa Lân. Phiên tòa gồm 3 Thẩm phán Tô Chánh Trung (Chủ tọa), ông Phạm Hồng Phong, bà Huỳnh Thanh Duyên; 2 kiểm sát viên đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM là bà Phạm Thị Thanh Tuyết, ông Đặng Quốc Việt.

UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định: Thứ nhất, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM. Thứ hai, hủy toàn bộ 2 bản án sơ phúc thẩm trước đó của TAND quận 7 và TP HCM về vụ kiện Hòa Lân. Thứ ba, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 7 giải quyết sơ thẩm lại.

Phán quyết nêu trên của UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM đã đưa Hòa Lân, vụ kiện tốn vô số công của của Nhà nước và các đương sự về lại điểm xuất phát ban đầu. Điều đáng nói, Quyết định GĐT số 45/2021/KDTM-GĐT cho thấy UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM bị đánh giá đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sơ sót sai lầm, dẫn đến phán quyết trên.

Thứ nhất, sai sót về “đơn đề nghị”

Hòa Lân là dự án bất động sản 50ha tại TP Thuận An, Bình Dương, thành hình từ đầu những năm 2000. Cty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú, chủ đầu tư ban đầu của dự án, đã thế chấp dự án vay vốn của Aggribank Chợ Lớn. Thiên Phú không trả được nợ, dự án được bán đấu giá thu hồi nợ xấu. Cty CP Đầu tư Phát triển Kim Oanh TP HCM là doanh nghiệp (DN) đấu giá trúng.

Sau cuộc đấu giá, bất ngờ xuất hiện thông tin “có vi phạm trong cuộc bán đấu giá”. Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc. Kết luận thanh tra không hủy kết quả bán đấu giá.

Sự việc chưa dừng lại khi ông Bùi Thế Sơn, nguyên GĐ Cty Thiên Phú, người từng mang dự án Hòa Lân đi thế chấp và đồng ý cho phát mãi, nay lại khởi kiện ra tòa đòi hủy kết quả bán đấu giá, đòi lại dự án Hòa Lân. Hai cấp tòa sơ và phúc thẩm đã không hủy kết quả bán đấu giá, bác yêu cầu của nguyên đơn.

Sau nhiều năm khổ sở vì chi ra gần 2.000 tỷ mua tài sản trúng đấu giá mà dự án vẫn không được triển khai, Cty Kim Oanh tưởng đã “thoát kiếp nạn”. Bất ngờ, ngày 22/6/2021, Viện phó VKSND Cấp cao tại TP HCM Phạm Đình Cúc ký Quyết định kháng nghị 174/QĐKNGĐT-VKS-KDTM, đề nghị UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM xử GĐT theo hướng hủy hai bản án nêu trên. Cơ sở kháng nghị là Văn bản 78/2021/CV-KTCKVN ngày 20/4/2021 của một tạp chí điện tử trụ sở tại Hà Nội, cho rằng quá trình bán đấu giá Hòa Lân “có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích Nhà nước”.

Thế nhưng, trong hồ sơ chuyển sang TAND Cấp cao lại hoàn toàn không có Văn bản số 78 làm “cơ sở kháng nghị” này. Trong Quyết định GĐT 45 khẳng định chỉ thấy Văn bản “số 82/2021/CV-KTCKVN ngày 27/4/2021” của tạp chí điện tử trên.

Trong Quyết định kháng nghị 174, VKSND Cấp cao nêu rõ có Văn bản 78/2021/CV-KTCKVN của tạp chí điện tử, nên có thể hiểu đây là trường hợp kháng nghị sau khi nhận được đơn. Điều 326, 327, 328 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) cũng quy định rõ muốn kháng nghị bản án theo thủ tục GĐT thì phải có người phát hiện ra bản án sai sót và có đơn. Thế nhưng, thực tế trên đã cho thấy VKSND Cấp cao có dấu hiệu kháng nghị dù không có đơn (Văn bản số 78), vi phạm Điều 326, 327, 328 BLTTDS.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nói: “Vì sao “căn cứ kháng nghị” là Văn bản số 78 nhưng trong hồ sơ vụ án chỉ có Văn bản số 82. Không loại trừ đây là trường hợp kháng nghị “theo đơn đặt hàng” của một ai đó, nên mới có chuyện sai lầm nhầm lẫn về “đơn đề nghị” như vậy”.

UBTP TAND Cấp cao đã bỏ lọt vi phạm này của VKSND Cấp cao. Đó sai sót thứ nhất.

Thứ hai, vi phạm Điều 328, 329 Bộ luật Tố tụng Dân sự

Vi phạm tố tụng thứ hai của VKSND Cấp cao và UBTP TAND Cấp cao là không tuân thủ Điều 328, 329 BLTTDS.

“Cơ sở kháng nghị” GĐT vụ kiện này (Văn bản số 82/2021/CV-KTCKVN ngày 27/4/2021 của tạp chí “tố cáo” – xét theo quan điểm của UBTP TAND Cấp cao) có nội dung rất chung chung. Đơn cho rằng “theo phản ánh của báo chí, việc không hủy kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất của Cty Thiên Phú tại khu dân cư Hòa Lân có thể gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước”. Và quá trình bán đấu giá dự án Hòa Lân “vi phạm nguyên tắc công bằng giữa những người cùng đấu giá”.

Đơn này cho rằng Cty Kim Oanh trúng đấu giá dự án Hòa Lân “có nhiều vi phạm, có sự giúp sức của Agribank, Cty đấu giá và Văn phòng Công chứng”; nhưng không nêu rõ đó là những “vi phạm, giúp sức” nào. Lá đơn suy diễn cuộc đấu giá Hòa Lân “có những dấu hiệu, điểm giống” với những vụ án Út “Trọc”, Vũ “Nhôm” rồi “xin kính chuyển các thông tin và đề nghị VKSND Cấp cao tại TP HCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”.

Theo Điều 328 BLTTDS, đơn đề nghị GĐT phải ghi rõ “đề nghị xem xét theo thủ tục GĐT” với bản án nào; Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị; Kèm theo đơn phải có bản án, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Lá đơn này không có bất kỳ một chữ “giám đốc thẩm” nào; không đảm bảo các nội dung luật định nêu trên.

Khoản 2 Điều 329 BLTTDS quy định rõ với đơn đề nghị GĐT, thì “VKS chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328. Trường hợp đơn không có đủ điều kiện theo quy định thì VKS yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong 1 tháng. Hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì VKS trả lại đơn”.

Lẽ ra phải trả lại đơn và sẽ không có Quyết định kháng nghị, không có phiên GĐT xảy ra, nhưng lá đơn bất hợp lệ này vẫn được VKSND Cấp cao làm cơ sở để kháng nghị GĐT. Rồi UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM cũng không phát hiện ra vi phạm tố tụng này; là sai sót thứ hai.

Thứ ba, xác định sai người là đại diện “nguyên đơn”

Tại Quyết định GĐT số 45/2021/KDTM-GĐT, UBTP TAND Cấp cao cho rằng trước khi có phiên tòa này, còn có đơn đề nghị GĐT của ông Bùi Thế Sơn, đại diện cho Cty Thiên Phú (nguyên đơn).

Thế nhưng, các chứng cứ cho thấy UBTP TAND Cấp cao đã xác định sai tư cách của ông Sơn và lá đơn nếu có là lá đơn giả mạo.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký DN cấp cho Cty Thiên Phú, từ 8/2/2021, người đại diện cho Cty Thiên Phú là ông Nguyễn Văn Tú. Ông Sơn chỉ là thành viên góp vốn.

Theo khoản 3 Điều 189 BLTTDS, nếu Cty Thiên Phú muốn có đơn đề nghị GĐT thì ông Tú phải ký đơn, đóng dấu Cty. Ông Tú không ký đơn, con dấu của Thiên Phú thì khóa két sắt cất nơi cẩn mật, người giữ con dấu khẳng định không ai có thể tiếp cận. Thế thì làm sao có thể “có đơn đề nghị GĐT của ông Bùi Thế Sơn, đại diện cho Cty Thiên Phú” như UBTP TAND Cấp cao nói? Hay đã xảy ra hành vi ngụy tạo đơn thư chứng cứ do ai đó thực hiện?

Còn một điều vô cùng bất thường khác. Đúng ngày 15/11/2021, khi UBTP TAND Cấp cao ra Quyết định GĐT số 45, xác định ông Bùi Thế Sơn là “đại diện cho Cty Thiên Phú”; thì sáng đó cơ quan chức năng Bình Dương đã ra Giấy chứng nhận đăng ký DN lần thứ 18 cho Thiên Phú; khẳng định trước đó ông Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác, ông Tú vẫn là người đại diện theo pháp luật của Cty; ông Sơn không còn bất cứ liên quan gì đến Thiên Phú. Chứng cứ này cho thấy UBTP TAND Cấp cao đã xác định sai tư cách của “người đại diện nguyên đơn”.

Trước quyết định GĐT có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nêu trên, bà Đặng Thị Kim Oanh, đại diện Cty Kim Oanh cho biết sẽ có đơn gửi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; đề nghị xem xét lại Quyết định GĐT số 45/2021/KDTM-GĐT của UBTP TAND Cấp cao tại TP HCM.

Những chứng cứ trên cho thấy phía sau vụ kiện Hòa Lân nhiều năm nay có thể là một nhóm lợi ích chi phối, xúi giục ông Bùi Thế Sơn đâm đơn kiện tụng “đòi” dự án để nhận lại lợi ích vật chất hàng chục tỷ đồng; gây “nhiễu nhương” hoạt động đúng đắn của cơ quan công quyền và tòa án; làm Nhà nước và các đương sự tốn công, tốn của. PLVN sẽ công bố các hình ảnh, chứng cứ trong các số báo sau.

Đọc thêm