Vụ kiện hứa thưởng 21 năm rắc rối

(PLVN) - Mới đây, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, với nội dung đề nghị hủy Bản án phúc thẩm số 317/2019/DS-PT ngày 17/4/2019 và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2018/DS-ST ngày 17/8/2018 tuyên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Nguyễn Văn Ta và Hợp tác xã Tín Nhiệm do ông Khuất Duy Thuận làm đại diện là vô hiệu. Vì sao phải đề nghị hủy cả hai bản án như trên?

Theo hồ sơ, ngày 15/07/1998, ông Ta ký với HTX nhà ở Tín Nhiệm (trụ sở số 43 Trần Quí Cáp, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM, do ông Khuất Duy Thuận làm chủ nhiệm) bản thỏa thuận về dịch vụ lo thủ tục xác lập chủ quyền đất đai với khu đất 15 ngàn m2 của bố mẹ và ông bà giao lại tại số 7/26 đường Cống Lở phường 15, quận Tân Bình. 

Điều 5 bản thỏa thuận này ghi ông Thuận tự bỏ kinh phí để làm dịch vụ và được hưởng tiền công và trả thưởng khi có kết quả sau cùng bằng quyền sử dụng 3500m2 đất trong số đất trên. Khi đó, trong số hơn 15 ngàn m2 này đã có hai người khác được cấp sổ đỏ với tổng diện tích 10.370m2. Theo một luật gia, thực chất hai bên đã tự nguyện ký hợp đồng dịch vụ với nội dung ủy quyền và hứa thưởng theo quy định Bộ luật Dân sự.

Ông Thuận cho rằng sau nhiều năm thực hiện, bỏ ra rất nhiều chi phí, với 8 văn bản gia hạn ủy quyền, gia hạn thực hiện thỏa thuận và cam kết trả công và hứa thưởng, đã có hàng loạt văn bản trả lời và xử lý của cơ quan chức năng như UBND các cấp, Tổng cục Địa chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Ngày 3/9/2014, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại số 5917/QĐ-UBND ngày 29/11/2004 của Chủ tịch UBND TP. Quyết định nêu: Trên cơ sở hòa giải thành giữa các bên, ông Ta và ông Lê Văn Tươi thống nhất giao lại 5138,5m2 đất cho ông Nguyễn Văn Hoàng và ông Nguyễn Văn Lộc sử dụng. Phần còn lại 10265,5m2/15405m2 đất do ông Ta và ông Tươi sử dụng. Ông Hoàng và ông Lộc đồng ý nhận 5138,5m2 đất nêu trên và cam kết chấm dứt khiếu kiện.

Sau đó không trả công, ông Ta khởi kiện tại TAND Bình Thạnh vụ kiện tranh chấp hợp đồng có cam kết trả công hứa thưởng mà bị đơn là ông Thuận. Ông Thuận nói: “Ông Ta đã bội ước thỏa thuận sau khi đã có kết quả cuối cùng ngày 3/9/2014 UBND TP ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND xác lập quyền sử dụng đất của ông Ta.

Không thể phủ nhận một thực tế là do công sức và tiền bạc của tôi bỏ ra trong gần 20 năm qua mới góp phần ra được kết quả cuối cùng là xác lập quyền sử dụng đất của ông Ta tại Quyết định số 4381/QĐ-UBND”.

Thế nhưng ngày 22/8/2018, TAND Bình Thạnh ra Bản án số 1577/2018/DS-ST tuyên bố hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Ta và ông Thuận là vô hiệu. Bản án bị kháng cáo.  

Ngày 17/4/2019, Bản án phúc thẩm lại tuyên bố hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Ta và ông Thuận vô hiệu. Phán quyết này dựa trên lập luận rằng ngày 31/3/2008 ông Thuận có đơn yêu cầu trả tiền công ủy quyền nhưng ông Ta không đồng ý và không có thỏa thuận mới nên xem như hai bên đã chấm dứt hợp đồng. 

Theo một số ý kiến, việc Tòa tuyên Bản án hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, hứa thưởng giữa ông Ta và ông Thuận vô hiệu là đã đi ngược lại tinh thần của pháp luật về dân sự. 

Mới đây, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã ban hành Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm số 105/QĐKNGĐT-VS-DS ngày 24/07/2019. Trên cơ sở đánh giá rằng: Hợp đồng đã ký là giao dịch đơn phương giữa ông Ta với HTX Tín Nhiệm và ông Thuận khi phần đất có tranh chấp chưa được cấp sổ đỏ nên Tòa cả hai cấp cho rằng phải có thỏa thuận thể hiện ý chí của của vợ ông Ta và ông Lê Văn Tươi (người thừa kế QSDĐ) là phi lý.

Cả hai cấp Tòa lập luận rằng, ngày 31/3/2008 ông Thuận có đơn yêu cầu trả tiền công ủy quyền nhưng ông Ta không đồng ý và không có thỏa thuận mới nên xem như hai bên đã chấm dứt hợp đồng là sai, vì hợp đồng không xác định thời hạn, chưa có yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng và bên được ủy quyền đang tiếp tục thực hiện công việc ủy quyền… Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 317/2019/DS-PT ngày 17/4/2019 của TAND TP HCM và Bản án dân sự sơ thẩm số 171/2018/DS-ST của TAND Bình Thạnh.

Đọc thêm