Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Trước đó, TAND tỉnh Phú Thọ thông báo cho Công ty CP Phát triển xây dựng và xuất nhập khẩu Sông Hồng (Cty Sông Hồng) đã thụ lý đơn tố cáo của doanh nghiệp này để xử lý theo quy định của pháp luật. Một trong những nội dung tố cáo trọng tâm chính là quá trình thụ lý, xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng của TAND huyện Tam Nông.
Theo đó, Cty Sông Hồng cho rằng họ là bên trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Bản án số 15 của TAND huyện Tam Nông do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn gửi cơ quan TAND tỉnh Phú Thọ, Cty Sông Hồng cho rằng, sự việc sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý nếu TAND huyện Tam Nông khách quan trong việc giải quyết vụ kiện của cả phía ngân hàng và công ty. Một sai phạm vô cùng nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án là Thẩm phán Nguyễn Kim Ái đã không xem xét gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đem tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bà Nguyễn Thị Thanh Hải là anh Nguyễn Ngọc Trung, không xác định và đưa anh Trung tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án…“Đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng dẫn đến công ty chúng tôi không thực hiện được các quyền của mình theo quy định của pháp luật”, đơn Cty Sông Hồng viết.
Thẩm phán có vấn đề?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại phần nhận định của bản án, trong khi tòa án nhận định là tài sản thế chấp là của ông Nguyễn Ngọc Trung nhưng lại không đưa ông này tham gia tố tụng với vai trò người có quyền và nghĩa vụ liên quan là hoàn toàn trái với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS).
Luật sư này nói trong trường hợp ông Trung đã mất thì quyền và nghĩa vụ tố tụng được thực hiện theo khoản 1 Điều 74 BLTTDS: Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng. Do đó, việc không đưa ông Trung và các đồng thừa kế của ông Trung tham gia tố tụng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng cầm phải hủy bỏ bản án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế, của Cty Sông Hồng, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Cũng theo Luật sư Thắng, vụ án này có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Đáng lý ra thì TAND huyện Tam Nông trong quá trình giải quyết vụ án, nếu phát hiện về việc cấp lại số đỏ cho ông Trung là vi phạm pháp luật thì phải ban hành quyết định hủy bỏ. Tuy nhiên, Thẩm phán Nguyễn Kim Ái không hiểu vì động cơ, mục đích gì mà trong Bản án số 15 lại tuyên bố công nhận hợp đồng thế chấp nhà đất của ông Trung với ngân hàng được cấp theo quyết định này là hợp pháp và phải duy trì?
Thẩm phán biết rõ việc một mảnh đất có hai sổ đỏ, sổ cấp lại có sự gian dối và trái quy định của Điều 106 Luật Đất đai, tuy nhiên tại Bản án số 15 vẫn tuyên án: “Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp bảo lãnh tài sản số 14.63.0066 ngày 24/12/2014”.
Việc công nhận Hợp đồng thế chấp giữa ông Trung và ngân hàng là hợp pháp đã trực tiếp công nhận giá trị pháp lý sổ đỏ do UBND huyện Tam Nông cấp lại cho ông Trung. “Việc này là hoàn toàn trái với các chứng cứ tài liệu mà Tòa án hiện có, trái với quy định của Luật Đất đai. Do vậy, cần phải hủy bỏ bản án để xem xét tính pháp lý của sổ đỏ, Hợp đồng thế chấp số 14.63.0066 ngày 24/12/2014 giữa ông Trung với ngân hàng”, Luật sư Thắng nêu quan điểm.