Hợp đồng số 1505 NGOCTHAOHOABINH/PTI-16 ký vào các ngày 16/8/2016 và 14/9/2016. Thời hạn thuê 2 năm tính từ ngày bàn giao thiết bị (từ 16/12/2016-16/12/2018), giá thuê 200 triệu đồng/tháng; mùa mưa 170 triệu đồng/tháng (một năm có 4 tháng mùa mưa). Tổng giá trị hợp đồng thuê là hơn 4,560 tỷ chưa bao gồm thuế VAT.
Ngày 16/12/2016, Phú Thái bàn giao thiết bị cho Ngọc Thảo. Thời gian đầu Ngọc Thảo đã thanh toán 1,4 tỷ. Đến tháng 9/2017, Ngọc Thảo không thanh toán tiền thuê máy xúc với lý do dung tích gầu không giống như trong hợp đồng.
Ông Hiên cho rằng: “Sau một thời gian sử dụng máy xúc thấy không đạt hiệu suất kinh tế. Kiểm tra mới phát hiện gầu xúc của máy không đạt khối lượng như trong hợp đồng đã ký. Bởi theo hợp đồng thì dung tích gầu 1,87m3 nhưng thực tế gầu chỉ 1,33m3”.
Đi sâu tìm hiểu, ông Hiên cho rằng tờ khai hải quan của máy có xuất xứ Trung Quốc, theo tờ khai số 101133958443 ghi hàng FOB tại cảng Shanghai (Trung Quốc), không phải xuất xứ Nhật Bản như trong hợp đồng.
Từ đó, Ngọc Thảo yêu cầu thay gầu xúc nhưng Phú Thái không thực hiện, nên chưa thanh toán số tiền thuê máy còn lại cho Phú Thái. Sau đó Phú Thái khởi kiện và TAND huyện Lương Sơn xét xử, ra Bản án số 01/2010/KDTM-ST ngày 22/5/2020. Ngọc Thảo kháng cáo.
Theo ông Hiên, trong quá trình làm việc với TAND huyện Lương Sơn, Ngọc Thảo đã làm đơn phản tố tại văn bản ngày 19/6/2019, nhưng lại được một người trong TAND huyện này “tư vấn” không cần thiết, đưa vào tố tụng sẽ phức tạp…”.
“Do không hiểu biết về trình tự tố tụng, tôi đã làm đơn rút phản tố theo “tư vấn” trên, nên khi xét xử tòa chỉ xử nội dung “đòi tiền” của Phú Thái mà không xét nguyên nhân, lý do vì sao Ngọc Thảo chưa thanh toán tiền cho Phú Thái”, ông Hiên nói.
Ông Hiên đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình. Được biết TAND tỉnh Hòa Bình đã nhận được đơn và cho biết nội dung này sẽ được làm rõ trong phiên phúc thẩm.