Vụ “lừa bán căn nhà đang chia thừa kế”: Nguy cơ oan án vì Công an Đà Nẵng đánh giá nhầm sự việc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 5/11/2021, khi Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can với bà Huỳnh Thị Châu (46 tuổi, ngụ số 48, Nguyễn Văn Huyên, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; những người trong giới bất động sản Đà Nẵng “ngã ngửa ngạc nhiên”.
Nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy là căn nhà “oan nghiệt” với bà Châu.
Nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy là căn nhà “oan nghiệt” với bà Châu.

Ngạc nhiên hơn nữa khi một số trang mạng đưa tin bà Châu là ““cò” đất lừa đảo, bán nhà của người nhờ làm thủ tục thừa kế”. Những người trong lĩnh vực đều nhận định xưa nay bà Châu có tiếng buôn bán rõ ràng sòng phẳng, coi trọng uy tín, và không thiếu tiền đến mức phải đi lừa 2,5 tỷ đồng. Vậy thực sự bà Châu có “lừa đảo”, hay còn nguồn cơn khác nào sau “nghi án” bất thường này?

Rắc rối từ căn nhà đang chia thừa kế

Theo hồ sơ các bên cung cấp, sự việc liên quan nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu); có đồng sở hữu là cụ Nguyễn Tấn Lãng và cụ Lê Thị Vân Lan (đều đã qua đời). Trước khi mất, cụ Lan di chúc để lại tài sản của mình là 1/2 nhà đất cho con trai Nguyễn Hoài Nam (SN 1962, ngụ Đà Nẵng); cụ Lãng di chúc để lại 1/2 nhà đất cho con trai Nguyễn Tấn Vĩnh (SN 1954, ngụ Bình Định).

Bà Châu cho rằng do biết bà có nhiều năm kinh nghiệm buôn bán làm thủ tục nhà đất, nên khoảng tháng 7/2019, ông Nam nhờ bà làm thủ tục khai di sản thừa kế với nhà 27. Rồi ông Nam viết giấy bán nhà cho bà Châu với giá 6,6 tỷ.

“Do không muốn nói chuyện với ông Vĩnh, ông Nam nhờ tôi thương lượng về 1/2 căn nhà. Ông Nam nhờ tôi báo giá căn nhà là 6 tỷ với ông Vĩnh. Ông Vĩnh làm thủ tục chuyển quyền 1/2 căn nhà cho ông Nam để nhận 3 tỷ. Sau khi làm thủ tục chia thừa kế xong, ông Nam sẽ làm thủ tục sang tên toàn bộ cho tôi”, bà Châu nói.

Thủ tục khai di sản thừa kế nhà 27 được Văn phòng công chứng Ngọc Yến (VPCC) và công chứng viên Đoàn Kim Thiện thực hiện. Ngày 17/10/2019, ông Nam hoàn thành hồ sơ khai di sản thừa kế, nộp hồ sơ cập nhật biến động.

Ngày 19/10/2019, hai bên viết Giấy đặt cọc, nội dung ông Nam đồng ý bán nhà 27 cho bà Châu với giá 6,6 tỷ; đã nhận cọc 3 tỷ. “Về số tiền 600 triệu muốn giấu ông Vĩnh, ông Nam thỏa thuận sẽ nhận sau khi bàn giao nhà cho tôi”, bà Châu kể.

Ngày 21/10/2019, “sổ đỏ” cập nhật biến động 1/2 nhà 27 cho ông Nam. Một ngày sau, 22/10, ông Nam tiếp tục làm ủy quyền cho bà Châu có toàn quyền định đoạt với 1/2 tài sản là nhà đất 27: Được toàn quyền quản lý sử dụng; được quyền cùng với đồng sở hữu và sử dụng còn lại thực hiện các thủ tục đăng ký biến động về chủ sở hữu, sử dụng nhà đất; nhận “sổ đỏ”; được quyền chuyển nhượng, nhận đặt cọc, cho thuê; lập và ký tên các giấy tờ có liên quan đến nội dung ủy quyền trên.

“Với phần thừa kế của ông Vĩnh. Ngay khi ông Vĩnh đồng ý nhận 3 tỷ để chuyển nhượng 1/2 căn nhà cho ông Nam, đầu tháng 9/2019 tôi vào Bình Định và được nhiệt tình hỗ trợ”, bà Châu nói. Ngày 29/9/2019, VPCC niêm yết văn bản tìm người thừa kế của cụ Lãng tại phường Hòa Cường Bắc (nơi có di sản) và xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định (nơi cụ Lãng mất); phát hiện cụ Lãng còn có người con là bà Nguyễn Thị Hiếu (SN 1947), là chị cùng cha khác mẹ với ông Vĩnh.

Dù cụ Lãng di chúc để lại tài sản cho ông Vĩnh, nhưng theo Điều 644 BLDS, ở thời điểm tính toán chia di sản, con cái không còn tuổi lao động vẫn được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, ở mức 2/3 của 1 suất thừa kế. Căn nhà 27 giá 6 tỷ, bà Hiếu sẽ được hưởng 600 triệu đồng. Bà Châu cho rằng vì xuất hiện tình tiết này nên bên nhận thừa kế mới đổi ý và việc phân chia di sản bị tạm ngưng.

Bà Châu cho hay rất buồn vì bị hiểu nhầm, liên tục bị triệu tập, bị khởi tố.

Bà Châu cho hay rất buồn vì bị hiểu nhầm, liên tục bị triệu tập, bị khởi tố.

Bị hiểu nhầm khi “lướt cọc”

Sự việc thêm phần rắc rối vì sau khi đặt cọc cho ông Nam, cứ nghĩ mọi chuyện sẽ suôn sẻ với người đồng thừa kế còn lại là ông Vĩnh, nên bà Châu đã lập hợp đồng “lướt cọc” nhà 27 với bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982, ngụ quận Thanh Khê). “Tôi nói rõ tình trạng pháp lý căn nhà là đang thực hiện khai di sản thừa kế, tôi đã mua, mới đặt cọc. Hai bên thỏa thuận giá căn nhà 7,2 tỷ đồng. Như vậy tôi lời 600 triệu”. Bà Luận lần đầu đặt cọc 500 triệu, sau đó đặt cọc thêm 2 tỷ, tổng cộng 2,5 tỷ đồng.

Nhưng do việc phân chia di sản bị tạm ngưng như nêu trên, nên bà Châu cho rằng giữa hai bên vì hiểu nhầm nhau mà lời qua tiếng lại, thậm chí “nói xấu” nhau trên... facebook. Bà Châu sau đó đã đưa ra phương án trả lại cọc, hai bên hủy hợp đồng, nhưng bà Luận vẫn “tố cáo” đến Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01) Công an Đà Nẵng.

Về phía bà Luận, trả lời PLVN, xác nhận khi đặt cọc, đã biết rõ và tìm hiểu liên tục quá trình thực hiện di sản thừa kế thông qua VPCC. Tuy nhiên, bất thường xảy ra khi PV hỏi vì sao bà Luận không nhận lại cọc dù bà Châu sẵn sàng trả bất kỳ lúc nào; bà Luận lại cho rằng “bà Châu không chịu trả lại tiền nên là lừa đảo”.

Là người thực hiện hồ sơ khai di sản thừa kế với ông Nam và đã bị PC01 triệu tập lấy lời khai 4 lần, công chứng viên Đoàn Kim Thiện nêu quan điểm: “Sự việc rất bất thường khi không có dấu hiệu hình sự nhưng PC01 Công an Đà Nẵng lại khởi tố vụ án, khởi tố bà Châu. Khi đặt cọc cho bà Châu, bà Luận đã đến VPCC hỏi tôi nhiều lần. Tôi luôn khẳng định nhà này đã làm thừa kế 1 nửa cho ông ở Đà Nẵng, còn 1 nửa của ông Bình Định thì chưa. Ở đây không có chuyện lừa đảo vì hoàn toàn không có yếu tố gian dối, cũng không có mục đích chiếm đoạt khi bà Châu sẵn sàng trả lại tiền cọc”.

LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) cũng có cùng quan điểm. Theo Điều 174 BLHS, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ cho thấy bà Châu cung cấp thông tin đúng sự thật, bà Luận thừa nhận biết rõ tình trạng pháp lý nhà 27, tự nguyện đặt cọc. Đặt cọc chỉ là hành vi nhằm đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Yếu tố bất khả kháng xảy ra, hai bên không giao kết hoặc thực hiện hợp đồng được, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. “Bà Châu luôn mong muốn trả tiền cọc, nhưng bà Luận không nhận mà đi tố cáo, rồi công an lại khởi tố, là dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự”, LS Thanh nói.

Trong nghi án này, còn có những thông tin chưa rõ ràng. Bà Châu một mực kêu oan từ khi bị triệu tập, tới khi bị tống đạt quyết định khởi tố cũng vì bức xúc quá nên từ chối nhận quyết định; nên bản thân bà cũng chưa rõ các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can... ghi những nội dung gì.

PLVN đã tới PC01 Công an Đà Nẵng, VKSND Đà Nẵng, đề nghị cung cấp các quyết định khởi tố trong vụ này và trả lời một số câu hỏi, nhưng hai cơ quan này đề nghị nhóm PV để lại câu hỏi, “sẽ trả lời sau”.

Giữa bà Châu và bà Luận đã không có yếu tố “lừa đảo” nào như nói trên thì có khi nào CQĐT lập luận rằng ông Vĩnh chưa đồng ý bán nửa căn nhà 27 cho bà Châu; nhưng bà Châu vẫn nhận cọc của bà Luận để bán cả phần của ông Vĩnh; là lừa dối hay không? LS Thanh giải thích, nếu lập luận như vậy là không đúng luật. Cho đến thời điểm hiện nay, thủ tục chia di sản với ông Vĩnh chưa xong; ông Vĩnh chưa phải chủ sở hữu, chủ sử dụng nửa nhà đất 27; nên ông Vĩnh chưa có quyền bán hay không; ông Vĩnh không thể là “nạn nhân” của vụ án “lừa đảo”. “Tôi cho rằng PC01 đã có những nhầm lẫn, nên mới xảy ra những động thái tố tụng như nêu trên”, LS Thanh nói.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những phản hồi của cơ quan chức năng Đà Nẵng về sự việc.

Đọc thêm