Văn bản của Ban Dân nguyện cho biết: Theo phản ánh của các bị hại trong vụ án, Quyết định rút kháng nghị số 3 ngày 22/9/2017 của Chánh án TAND Tối cao đối vụ án Bùi Thị Thu Hằng và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người mua bảo hiểm không có căn cứ, không phù hợp với thực tế khách quan vụ án.
Trước đó, vụ án lừa đảo chiếm đoạt 228 tỷ đồng của người mua bảo hiểm đã được TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử theo trình tự sơ thẩm bằng Bản án số 151 ngày 17/10/2013 và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm bằng Bản án số 347 ngày 27/6/2014. Cho rằng còn bỏ lọt tội phạm, các bị hại trong vụ án tiếp tục có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm đến TAND Tối cao.
Ngày 17/9/2015, Chánh án TAND Tối cao ra Kháng nghị số 41 với Bản hình sự phúc thẩm số 347 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, trong đó có những nội dung kháng nghị liên quan tới trách nhiệm của Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam (Prudential) đáng chú ý như sau: Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, giám sát đại lý; trong quá trình điều tra, CQĐT đã có nhiều thiếu sót, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến xác định trách nhiệm của Prudential…
Việc cơ quan tố tụng xác định Prudential là nguyên đơn dân sự trong vụ án là không phù hợp, bởi chính vì sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý của Prudential đã dẫn đến việc lừa đảo của Bùi Thị Thu Hằng. Theo quy định tại Điều 88 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì Prudential cũng phải có trách nhiệm liên đới với đại lý của Hằng trong đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Do đó, cần phải xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Prudential...
Tuy nhiên, sau đó vụ án không được đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm; mà Quyết định kháng nghị cũng không còn khi ngày 22/9/2017, Chánh án TAND Tối cao bất ngờ có Quyết định số 03 rút toàn bộ kháng nghị mà cơ quan này đã ban hành trước đó.
Quyết định rút kháng nghị có quan điểm hoàn toàn ngược so với trước đó khi đánh giá Bùi Thị Thu Hằng và đồng phạm đã thực hiện vượt phạm vi ủy quyền của Prudential. Prudential có thiếu sót trong quá trình tuyển dụng đại lý, quản lý giám sát đại lý, quản lý hồ sơ chứng từ của đại lý. Tuy nhiên, những thiếu sót nêu trên không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho những người bị hại trong vụ án. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị hại là của Hằng và các đồng phạm.
Theo các bị hại, vì hậu quả nghiêm trọng của vụ án, thiệt hại về vật chất, tinh thần quá lớn, thực tế có rất nhiều gia đình bị hại đi tới chỗ khốn cùng, mất nhà, gia đình tan nát, cuộc sống cơ cực do đại lý bảo hiểm Bùi Thị Thu Hằng của Prudential gây ra.
“Chúng tôi thấy Quyết định rút kháng nghị đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Mặt khác, theo các tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án, đối chiếu với các quy định pháp luật thì thấy rằng Quyết định rút kháng nghị của TAND Tối cao là không có căn cứ, bởi không nêu ra được vì sao nội dung Kháng nghị số 41 ban hành trước đó là sai và phải rút lại”, đơn viết.
Đơn của các bị hại gửi tới nhiều cơ quan trung ương, đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, ra quyết định hủy bỏ Quyết định rút kháng nghị số 03 ngày 22/9/2017, giữ nguyên kháng nghị số 41 và xem xét vụ án theo thủ giám đốc thẩm để đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật.