Sư cô, phật tử mê “bánh vẽ”
Các bị hại đến tòa từ rất sớm. Khác với những vụ lừa đảo tòa từng xét xử trước đây, thì trong vụ án lần này, các bị hại có vẻ trầm tĩnh hơn nhiều. Họ là sư cô, là phật tử của chùa, dù bị đối tượng Vân lừa đảo mất nhiều món tiền lớn, nhưng khi đến dự khán vẫn không quên bới xách theo thức ăn, “tiếp tế” cho bị cáo.
Vụ án xảy ra cách đây đã 5 năm, đó là thời điểm năm 2013, bị cáo Vân từ miền Nam lặn lội ra Huế, mục đích là tìm đến các chùa, tìm những người tu hành dễ động lòng người, thương người và thiếu hiểu biết nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi Vân tìm đến một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành TP Huế, thì tìm cách tiếp cận và làm quen với một sư cô ở chùa này. Vân nói dối mình tên là Y – Samari, Việt kiều Campuchia về Việt Nam chơi. Nhưng vì bị người bạn lấy hết tiền nên không có tiền mua vé máy bay về Campuchia.
Vân cũng “hé lộ” về “gia thế hiển hách” của mình, cha mẹ đều là người thuộc dòng tộc Hoàng gia giàu có ở Campuchia, muốn mang tiền về Việt Nam để xây dựng chùa làm từ thiện và ở lại Việt Nam. Tin những lời Vân “nổ”, nên sư cô ở chùa này đã cho Van số điện thoại để liên lạc, còn đặt pháp danh cho Vân là “Nhật Minh”, đồng thời cho Vân 2 triệu đồng để mua vé máy bay về nước.
Có được tiền trong tay, Vân vào tận Đà Nẵng thuê phòng trọ. Vân nói dối mình làm mất chứng minh nhân dân nên không mở được tài khoản ngân hàng để người thân chuyển tiền vào, nên không có tiền để trả tiền phòng và nhờ chủ nhà trọ đứng tên mở cho Vân một tài khoản ngân hàng. Vân và chủ nhà trọ cùng nhau đến ngân hàng mở tài khoản, Vân giữ thẻ ATM để sử dụng. Sau khi có được thẻ ATM, đối tượng Vân bắt đầu “làm mưa làm gió”, ra sức dụ dỗ những người nhẹ dạ để lừa đảo.
Đầu tiên là Vân gọi điện cho sư cô mà trước đó đã cho Vân 2 triệu đồng, để “báo cáo” với sư cô là cha mẹ Vân đã về tới Sài Gòn. Ông bà mang rất nhiều ngoại tệ về nhưng chưa đổi ra tiền Việt Nam được, nên rất cần tiền để tiêu xài. Để sư cô tin tưởng, Vân nhiều lần giả giọng nói của cha mẹ để gọi điện thoại hứa hẹn ra Huế sẽ gặp và tài trợ tiền cho sư cô xây dựng chùa.
Tin lời Vân nói là thật, sư cô yêu cầu Vân đưa số tài khoản để chuyển tiền. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8/2013, sư cô này đã 37 lần chuyển tiền vào thẻ ATM cho Vân với tổng số tiền là 285 triệu đồng.
Chưa hết, vị sư cô này còn điện thoại nhờ người quen và người nhà chuyển giúp vào tài khoản ATM của Vân với số tiền là 58 triệu đồng. Như vậy, đối tượng Vân đã chiếm đoạt của vị sư cô tổng cộng là 344 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên, đối tượng Vân rút ra sử dụng hết.
Trong khoảng thời gian này, vị sư cô còn giới thiệu cho một phật tử của mình về câu chuyện của vị “Việt kiều Campuchia” trên. Đồng thời sư cô cũng khuyến khích người phật tử này liên lạc với Vân để nhận được tài trợ. Có lẽ tin tưởng những gì vị sư cô kể, nên người phật tử này (năm đó anh chỉ mới 32 tuổi, ngụ gần chùa của vị sư cô) đã liên lạc với Vân.
Cũng bằng cách thức và thủ đoạn tương tự, Vân nói dối gia đình mình là con dòng tộc Hoàng gia giàu có ở Campuchia, cha mẹ đã về Việt Nam, nhưng đang gặp khó khăn về thủ tục chưa rút tiền ra được, mà trong gia đình thì có nhiều người cùng về Việt Nam, nên cần nhiều tiền để tiêu xài trước mắt. “Y – Samari” hứa khi nào rút được tiền sẽ trả lại, đồng thời còn “vẽ” ra viễn cảnh, sẽ mở hãng xe Honda giao cho anh này quản lý.
Từ tháng 4/2013 đến tháng 10/2014, người đàn ông này đã 160 lần chuyển tiền mặt và chuyển tiền từ tài khoản của mình vào tài khoản của đối tượng Vân, với tổng số tiền là 1,41 tỷ đồng. Anh này còn điện thoại nhờ bạn bè và người thân chuyển tiền vào tài khoản cho Vân. Có 5 người thân, bạn bè của anh này đã chuyển tiền cho Vân, với tổng số tiền là 146,6 triệu đồng. Chỉ bằng miệng lưỡi dẻo quẹo, đối tượng Vân đã chiếm đoạt của người phật tử trên tổng cộng là 1,565 tỷ đồng.
Thủ phạm hàng loạt vụ lừa
Đây không phải là “phi vụ” duy nhất đối tượng Vân gây ra. Vân cũng từng giả danh là một Việt kiều Pháp mới về nước, đang tìm người quản lý hoặc sư trụ trì các chùa để ngỏ ý muốn hỗ trợ kinh phí sửa chữa, cất mới lại nơi thờ tự. Địa bàn mà “Việt kiều Pháp” này nhắm đến là tỉnh An Giang.
Thời điểm đó, khi vị “Việt kiều Pháp” đến chùa thì vờ quay phim, chụp ảnh, sau khi trò chuyện với sư trụ trì trong chùa thì “hé lộ” thông tin bố mẹ đang sinh sống tại Pháp có nhã ý muốn đóng góp 70 tỷ để giúp xây cất lại chùa mới. Tưởng thật, nên sư trụ trì đồng ý. Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại, đối tượng yêu cầu sư trụ trì chuyển tiền qua tài khoản để đóng phí làm hồ sơ nhận tiền tài trợ xây chùa. Sư trụ trì đã thay mặt nhà chùa chuyển 39 lần với tổng số tiền lên đến 955 triệu đồng.
Sau đó, nhà sư không liên lạc được nên đi báo công an. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ công an và Phòng CSĐT công an tỉnh Lâm Đồng, các trinh sát thuộc cơ quan CSĐT công an tỉnh An Giang mới “tóm” được Vân khi đối tượng này đang ở Lâm Đồng. Quá trình điều tra, Vân khai ngoài tỉnh Kiên Giang, mình đã thực hiện việc lừa đảo tại nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vĩnh Long, với số tiền lên đến gần 4 tỷ đồng.
Trước khi phiên sơ thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử, đối tượng Vân đã bị TAND tỉnh An Giang xử phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; TAND huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long xử phạt 9 tháng tù cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đứng trước HĐXX, bị cáo Vân chẳng còn dáng vẻ của một “Việt kiều hồi hương”. Bị cáo đứng rúm ró, khọm rọm, nói lọng ngọng lịu nghịu, vừa nói vừa liên tục thút thít khóc. Tòa hỏi bị cáo đã dùng tiền chiếm đoạt được vào việc gì? Bị cáo lại khóc “kể khổ”, rằng tổng số tiền gần 2 tỷ chiếm đoạt được của vị sư cô và người phật tử kia, bị cáo đa phần dùng vào việc chữa bệnh, một số ít tiêu xài, còn lại thì bị người ta lừa mất.
Bị cáo nói mình mắc bệnh phong, phải vào bệnh viện phong ở Quy Nhơn để chữa trị một thời gian dài. Tay chân thời điểm đó co quắp lại nên chữa trị rất lâu. Đến khi tay chân hoạt động lại được, thì bị cáo rời bệnh viện phong, trở lại quê nhà ở Đồng Nai. Nhưng tại đây, bị cáo bị người thân ghét bỏ, hắt hủi, xa lánh nên rất tủi phận, bị cáo lần nữa bỏ nhà đi. Như thể quá đau đớn trước cảnh mình là đứa trẻ mà cha không thương, mẹ không yêu, cả họ ghét bỏ, nên bị cáo cứ liên tục khóc tu tu.
Trong tiếng khóc đầy nghẹn ngào, bị cáo khai tiếp, lần ra đi đó, bị cáo quyết định lên một tỉnh ở Tây Nguyên, chỉ muốn quên đi “tình thâm bạc bẽo”. Trên chuyến xe đò “định mệnh” ấy, bị cáo quen một người phụ nữ. Hai người sau một hồi nói chuyện thì thấy rất thân thiết, như thể đã quen nhau từ… kiếp trước. Người phụ nữ đó trẻ hơn bị cáo nhiều, chắc tầm 35, 40 tuổi.
Cô này bảo mình chưa có gia đình, nên muốn rủ bị cáo khi xuống xe thì về nhà cô sống chung. Bị cáo đồng ý. Đêm đó nằm ngủ trên xe, bị cáo còn “mơ” về một gia đình hạnh phúc, nhưng khi tỉnh lại, thì cô gái đã xuống xe lúc nào không biết, còn mang theo cùng toàn bộ số tiền bị cáo bọc trên người.
Tòa lại hỏi, bị cáo đã nói thế nào để bị hại chuyển tiền? Bị cáo khai, nói mình cần tiền chữa bệnh, nên bị hại chuyển. “Người ta cho tiền chữa bệnh rồi, sao còn liên tục đòi?”. “Tại vì bệnh vẫn chưa lành, vẫn cần tiền để tiếp tục chữa”. “Nếu cần tiền chữa bệnh, thì vài chục, đến vài trăm triệu là được rồi”. “Dạ tại bị cáo khó khăn quá”. “Số tiền gần 2 tỷ các bị hại chuyển để bị cáo chữa bệnh, là bị cáo xin hay mượn?”. “Dạ mượn”, bị cáo khẳng định. “Nếu là mượn, vậy bị cáo định khi nào trả?”. “Dạ giờ bị cáo không có tiền”.
Do số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại lên đến 1,9 tỷ đồng nên bị truy tố ở khoản 4 điều 174 của BLHS (bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân), tòa đã tuyên phạt bị cáo 14 năm tù giam. Tổng hợp với 2 mức hình phạt trước đó, bị cáo phải thi hành tổng cộng là 28 năm 9 tháng tù giam. Đưa tiễn bị cáo về lại trại giam, không phải là người thân mà là các bị hại trong vụ án. Bị cáo cầm bọc mì chay trên tay, lần này nước mắt lại rớt xuống, nhưng không còn khó coi như lúc nãy.