Vụ "luộc khách": Khách hàng có quyền yêu cầu Vietnam Airlines bồi thường

(PLO) - Trước sự cố trên chuyến bay VN 262 từ Sài Gòn – Hà Nội vào lúc 16h20p của hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 06/2 “luộc” hành khách suốt gần 2 giờ, Luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như có thể khởi kiện tới Toà án nếu như có những tổn hại về vật chất và tinh thần từ phía mình…
Không thể chịu nổi, hành khách phải ngồi các khoang kỹ thuật. Ảnh nhân vật cung cấp.

Để làm rõ hơn quyền lợi của hành khách trong vụ việc này, phóng viên báo PLVN đã trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư HN).

Theo quan điểm của luật sư Cường, sự cố xảy ra ngày 6/2 (28 Tết) chuyến bay VN 262 cất cánh lúc 16h20p từ Sài Gòn ra Hà Nội là sự việc vô cùng đáng tiếc. Để xác định trách nhiệm pháp lý của vụ việc này thì cần làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định là do sự cố kỹ thuật hay do lỗi điều khiển của phi công.

Ngoài ra, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: “Nếu trong chuyến bay đó mà xảy ra sự cố gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của hành khách thì hãng hàng không đó phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. 

Như vậy, từ sự cố của chuyến bay trên, nếu xảy ra thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách hàng thì khách hàng có thể căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên để yêu cầu hãng hàng không này phải bồi thường thiệt hại, mức bồi thường là toàn bộ thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Máy bay là một trong các loại nguồn nguy hiểm cao độ. Do vậy hãng hàng không này phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp hãng hàng không không có lỗi đối với sự cố đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ không được đặt ra trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về phía hành khách. “Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nói rất rõ về điều đó” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo quan điểm của luật sư Cường, nếu trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì hành có thể trực tiếp liên hệ với hãng hàng không đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận dựa trên cơ sở thiệt hại thực tế. Nếu không thỏa thuận được thì một trong các bên có thể khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khi sự cố xảy ra trên chuyến bay thì người điều khiển chuyến bay đó có quyền quyết định các biện pháp khắc phục sự cố để giảm thiểu tới mức tối thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Việc xác định có lỗi của Cơ trưởng, phi hành đoàn hay không thì cần có thời gian kiểm tra, xem xét lại vụ việc này của cơ quan có thẩm quyền mới có thể đưa xử lý.

"Nếu xác định lỗi gây ra sự cố, gây ra thiệt hại là của Cơ trường hoặc của ai đó trong phi hành đoàn thì người đó phải chịu trách nhiệm. Lỗi khi tham gia giao thông vận tải đường không được quy định cụ thể trong Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản pháp lý có liên quan. Nếu người nào có lỗi sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, mức độ nhẹ có thể bị xử lý hành chính. Nếu hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện vận tải đường không gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay theo quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự hoặc một số tội danh khác có liên quan" - Quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường

Sau khi sự việc xảy ra, phải đến 19/2, phòng dịch vụ chăm sóc khách hàng của VNA mới gọi điện xin lỗi khách hàng, trước sự chậm trễ đó của VNA ông Cường cũng đã đưa ra ý kiến cho rằng: “Chậm trễ trong thủ tục xử lý sự cố hàng không là lỗi của hãng hàng không này, điều đó sẽ làm giảm uy tín với khách hàng và gây tâm lý không thoải mái cho khách hàng. Có lẽ thời gian xảy ra sự việc là cận Tết nên cách giải quyết vấn đề của VNA đã gặp lúng túng”.

Với diễn biến của sự việc như vậy thì phần lớn lỗi có thể do phi hành đoàn hoặc lỗi kỹ thuật của tầu bay chứ không phải là lỗi từ phía khách hàng. Vì vậy, việc xin lỗi khách hàng và chịu trách nhiệm về những thiệt hại của khách hàng là điều cần thiết, nên làm của VNA. Sự việc sẽ cần phải tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật. 

Luật sư Cường nhận định: “Về phía khách hàng thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu cần thiết thì có thể khởi kiện tới tòa án để được xem xét giải quyết đối với những thiệt hại đã xảy ra trong sự cố của chuyến bay trên”.

Điều 533. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường. ”.

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Báo điện tử Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin...

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm