Vụ “lướt cọc” căn nhà 27 Lê Vĩnh Huy (Đà Nẵng): Bị triệu tập sau khi có công tìm ra người suýt mất quyền thừa kế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi có một số bài viết phản ánh sự việc bà Huỳnh Thị Châu (SN 1975, ngụ 48 Nguyễn Văn Huyên, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) kêu oan vì bị Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01) Công an Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can; PLVN vẫn chưa nhận được những phản hồi từ phía cơ quan tố tụng Đà Nẵng.

Sau khi đặt lịch trực tiếp, liên hệ qua điện thoại thì Chánh Văn phòng VKSND Đà Nẵng Nguyễn Văn Hưng cho rằng: “Hồ sơ đang bên công an”; dù những câu hỏi báo chí đưa ra liên quan quá trình kiểm sát, giám sát thuộc thẩm quyền của VKS.

PV đã gặp ông Đoàn Kim Thiện, Công chứng viên Văn phòng Công chứng (VPCC) Ngọc Yến, là người thực hiện các hồ sơ về công chứng di sản thừa kế trong vụ này, để làm rõ hơn sự việc.

Công chứng viên Đoàn Kim Thiện.

Công chứng viên Đoàn Kim Thiện.

Như PLVN đã phản ánh, nhà đất 27 Lê Vĩnh Huy (quận Hải Châu) có 3 người hưởng thừa kế là ông Nguyễn Hoài Nam (SN 1962, ngụ Đà Nẵng) và chị em ông Nguyễn Tấn Vĩnh (SN 1954, ngụ Bình Định), mỗi bên được hưởng một nửa.

Ông Nam đã hoàn tất thủ tục và nhận cọc từ bà Châu 3 tỷ, thỏa thuận khi chị em ông Vĩnh mở thừa kế xong và chuyển nhượng cho ông Nam thì sẽ bán lại toàn bộ nhà 27 cho bà Châu.

Rồi bà Châu “lướt cọc”, thỏa thuận khi thủ tục nhà đất xong xuôi sẽ bán cho bà Cao Thị Thúy Luận (SN 1982, ngụ quận Thanh Khê), nhận cọc của bà Luận 2,5 tỷ. Không ngờ quá trình mở di sản thừa kế bị “vướng” ở phía ông Vĩnh. Dù bà Châu sẵn sàng trả lại cọc, bà Luận vẫn tố cáo “bị lừa đảo”. Sau một số lần làm việc với bà Luận và ông Vĩnh, PC01 Công an Đà Nẵng khởi tố.

Công chứng viên Đoàn Kim Thiện cho biết đây cũng là sự việc khiến ông điêu đứng. Hai năm qua, PC01 Công an Đà Nẵng đã nhiều lần triệu tập ông làm việc, hỏi xoay quanh quá trình công chứng khai nhận di sản thừa kế với nhà đất 27.

Theo Công chứng viên Thiện, quá trình khai di sản thừa kế của ông Nam đã hoàn thành, không vướng mắc gì. Còn với ông Vĩnh, gặp trở ngại khi xuất hiện người chị của ông Vĩnh đồng thừa kế.

Giải thích về việc có văn bản gửi xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) là nơi cha ông Vĩnh cư trú trước khi qua đời, ông Thiện nói: “Tôi biết rằng ông Vĩnh có yêu cầu bằng miệng thông qua bà Châu. Ông Vĩnh có yêu cầu mới đưa hồ sơ cho bà Châu gồm cả di chúc, giấy khai sinh, xác nhận quan hệ nhân thân với người có di sản thừa kế. Ông Vĩnh ngụ ở TP Quy Nhơn nhưng có “đơn xin xác nhận” gửi xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Hồ sơ đó nếu ông Vĩnh không đưa ra thì bà Châu không thể có mà cung cấp. Hơn nữa ông Vĩnh ở xa nên không thể máy móc bắt ông Vĩnh ra tận Đà Nẵng để kiểm chứng”.

Sau khi có “Đơn xin xác nhận” của ông Vĩnh, Văn phòng Công chứng gửi văn bản xác minh UBND xã Bình Thành.

Sau khi có “Đơn xin xác nhận” của ông Vĩnh, Văn phòng Công chứng gửi văn bản xác minh UBND xã Bình Thành.

“VPCC chưa chứng bất cứ hồ sơ, chưa làm văn bản khai nhận di sản thừa kế với ông Vĩnh. Còn rất nhiều thủ tục khác nữa. Di chúc của cha ông Vĩnh có thể chưa là di chúc cuối cùng, còn phải xác minh tại UBND nơi chứng di chúc, xem có di chúc mới hơn hay không? Còn nhiều việc phải làm mới có thể mở thừa kế cho ông Vĩnh”. Theo Công chứng viên Thiện, việc ra văn bản trên là một trong các động thái thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP để xem có sót người thừa kế hay không?

Thực tế cũng cho thấy việc ra văn bản trên của VPCC đã phát hiện ra ông Vĩnh còn một người chị. Theo BLDS, do người phụ nữ này đã hết tuổi lao động, nên vẫn được hưởng một phần trong nửa căn nhà 27 mà cha ông Vĩnh di chúc để lại cho ông Vĩnh.

Việc bị triệu tập làm việc rất nhiều lần với cùng một nội dung, Công chứng viên Thiện tâm sự “cảm thấy rất mệt mỏi, rắc rối, phiền hà”. “Thậm chí, có khi trong thời gian dịch bệnh, Đà Nẵng giãn cách xã hội, VPCC đóng cửa, điều tra viên cũng vẫn đến yêu cầu làm việc”, ông Thiện nói.

Sau khi Văn phòng Công chứng có văn bản xác minh, mới phát hiện còn có một người chị với ông Vĩnh cũng là người được chia thừa kế.

Sau khi Văn phòng Công chứng có văn bản xác minh, mới phát hiện còn có một người chị với ông Vĩnh cũng là người được chia thừa kế.

Nhận xét về sự việc liên quan Công chứng viên Thiện, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nói: “Do nhận được hồ sơ có đầy đủ giấy tờ ông Vĩnh cung cấp nên việc VPCC ra văn bản gửi UBND xã Bình Thành để tìm người cùng hàng thừa kế là không sai. Thậm chí từ việc ra văn bản này mà UBND xã mới tìm ra người cùng được hưởng thừa kế nửa căn nhà 27, không để xảy ra việc quyền lợi hợp pháp của chị gái cùng cha khác mẹ với ông Vĩnh bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể nói VPCC có công mới đúng”.

Vậy có khi nào vì quan điểm vì ông Vĩnh chưa có phiếu yêu cầu công chứng nhưng VPCC vẫn ra văn bản trên, rồi CQĐT khởi tố bà Châu là người mang hồ sơ đến VPCC hay không? LS Hiệp nói: “Nếu quan điểm như vậy là sai bản chất sự việc. Bản thân những giấy tờ ông Vĩnh cung cấp đã là một dạng “phiếu yêu cầu công chứng”. Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp… cũng không hề có điều khoản xử phạt vì VPCC thiếu phiếu yêu cầu công chứng. Nếu ông Vĩnh không yêu cầu công chứng nữa thì mọi việc dừng lại, hai bên “hủy kèo”, chứ không thể coi đây là “thủ đoạn lừa dối”, không thể tùy tiện hình sự hóa quan hệ dân sự”.

Vẫn lời LS Hiệp: “Tôi cho rằng Công chứng viên và bà Châu đã bị một số người nhìn nhận đánh giá sai. Từ chỗ tìm ra được người suýt bị sót thừa kế, giúp người khác tiến tới làm thủ tục mở thừa kế rắc rối, nhưng lại bị triệu tập điều tra. Có thể những người không đồng thuận trong việc chia di sản vì bị ảnh hưởng quyền lợi mà cố tình tố cáo sai, khiến CQĐT hiểu nhầm. Hiệp hội Công chứng viên và cơ quan chức năng cũng cần có ý kiến giải thích làm rõ vấn đề này, tránh để xảy ra một sự việc hiểu nhầm, làm oan người vô tội”.

Là nhân chứng trong sự việc, Công chứng viên Thiện cho biết, với quan hệ “lướt cọc” giữa bà Châu và bà Luận, trước khi đặt cọc cho bà Châu, bà Luận nhiều lần gọi điện, đến trực tiếp VPCC hỏi ông về hồ sơ, tình trạng pháp lý nhà đất 27 và đều được ông cung cấp đầy đủ, giải thích rõ.

Ông Thiện kể, nhiều lần bị triệu tập, CQĐT có hỏi ông về quan điểm sự việc, ông đều khẳng định không có chuyện lừa đảo, hoàn toàn không có yếu tố gian dối.

Công chứng viên Thiện cho hay bà Châu là khách hàng quen ở VPCC nhiều năm. Từ trước đến nay, hồ sơ bà Châu mang đến VPCC đều rất chuẩn, chưa hồ sơ nào gặp trở ngại. Vụ rắc rối này là lần đầu tiên.

Có phải vì bà Châu là khách quen mà ông nói vậy? Công chứng viên Thiện nói: “Công chứng viên phải bảo vệ pháp luật, bảo vệ cả hai bên. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung công chứng, phải bảo vệ sự thật”.

“Đến giờ, tôi vẫn thắc mắc tại sao CQĐT lại khởi tố vụ án này, khởi tố bà Châu? Vụ này đã kéo dài sang năm thứ 3”, ông Thiện băn khoăn.

Đọc thêm