Sau khi thay nhau cầm gạch đập vào đầu, vào mặt nạn nhân cho đến chết, 3 đối tượng lột sạch tài sản, lau vết máu vương vãi rồi thay quần áo, khoá trái cửa tiệm đi ra ngoài. Cả nhóm bàn nhau nhau, nếu sau hai ngày vụ việc chưa bị phát giác, cả 3 sẽ quay lại mang xác nạn nhân ra sông phi tang.
Hành trình gây án của ba sát thủ
Ngày 29/9, một ngày sau khi vụ sát hại anh Đỗ Đồng Anh – chủ hiệu cầm đồ trên đường Ngô Gia Tự (Cát Bi, Hải An) xảy ra, cơ quan công an đã bắt giam 3 hung thủ gồm Lã Tuấn Anh (tức Minh, 20 tuổi, trú tại thôn 3, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái), Nguyễn Duy Chiến (17 tuổi, trú tại khu 5 tầng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Hoàng Ngọc Thương (16 tuổi, trú tại ngõ 42 Nguyễn Văn Hới, phường Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng). Cả 3 đều là trẻ mồ côi, được nuôi dạy trong Làng mồ côi Hoa Phượng.
|
Ba "game thủ" đã bị bắt. |
Khi hết tuổi bảo trợ, cả nhóm đã ra ngoài sinh sống, lao động và được anh Đỗ Đồng Anh cưu mang, giúp đỡ từ những ngày này. Sau khi nghỉ việc, 3 đối tượng lên Phú Thọ làm việc, đến ngày 20/9 thì về Hải Phòng và xin ở nhờ tại tiệm cầm đồ của chủ cũ. Sáng 26/9, các thanh niên trên mượn xe đạp của ông Đồng Anh để đi chơi điện tử, từ đây bàn nhau sát hại luôn ân nhân.
Theo lời khai ban đầu, sáng 28/9, các đối tượng quay lại tiệm cầm đồ, gọi cửa để lấy hai ba lô quần áo đã gửi trước đó. Sau khi vào trong nhà, nhân lúc chủ tiệm cầm đồ sơ hở, Tuấn Anh cầm gạch đập vào đầu khiến anh Đồng Anh bị choáng. Ngay sau đó, Tuấn Anh và Thương cùng nhau vật nạn nhân ngã xuống đất, kẻ giữ chân, kẻ giữ tay rồi cùng nhau dùng gạch đập vào đầu, vào mặt cho tới khi nạn nhân bất động. Sau khi gây án, nhóm đối tượng đã lấy đi một lắc vàng, một nhẫn vàng, một điện thoại di động Nokia và tiền để trong túi quần ông Đồng Anh.
Các đối tượng lau vết máu vương trên phòng khách, rồi thay quần áo, khoá trái cửa tiệm cầm đồ và đi ra ngoài. Sau đó, các đối tượng đã bán chiếc nhẫn vàng được hơn 1 triệu đồng để lấy tiền đi ăn và chơi điện tử.
Cũng theo lời khai, các đối tượng đã bàn nhau, nếu sau 2 ngày, mọi người chưa phát hiện được anh Đồng Anh đã bị giết và hành vi phạm tội của chúng không bị phát giác, cả 3 sẽ quay lại mang xác nạn nhân ra sông phi tang.
Tuy nhiên, đến khoảng hơn 1h sáng 29/9, Công an quận Hải An đã kịp thời bắt giữ được cả 3 nghi phạm khi chúng đang “hoá thân” vào những nhân vật anh hùng trong trò chơi điện tử tại một quán nét ở gần trường Đại học Hàng Hải (phường Dương Kinh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng).
Đặc trưng “văn hóa” đường phố
Giải mã tâm lý nhóm tội phạm này, Thạc sỹ tâm lý Ngô Toàn cho rằng, các đối tượng đang ở lứa tuổi vị thành niên với đặc điểm lứa tuổi chưa chín chắn và coi thường hậu quả. Khi xảy ra sự việc, đối tượng không hình dung được hậu quả và nguy cơ tới đâu. Họ thường manh động đưa mình vào trạng thái không kiểm soát được trước, dẫn tới những thúc đẩy liên quan với cách thức “xuống tay” đầy man rợ và bột phát như ở trên nhằm thỏa mãn nhu cầu gấp gáp, đơn giản là cần tiền “ngay, luôn” để giải quyết nhu cầu trước mắt như chơi game. Chính bởi coi thường hành vi của mình nên đối tượng “tính toán” nếu sau 3 ngày không bị phát hiện sẽ quay lại đem xác ra sông phi tang…
Thạc sỹ Ngô Toàn cảnh báo, có thể nói tội phạm đường phố xuất phát từ Mỹ sống như thể không có ngày mai, theo đuổi lối sống gấp gáp gặp chăng hay chớ, và việc không chỉ uống hút, chơi ma túy, đánh bạc và chiếm đoạt xác thịt mà còn đánh nhau, tàn sát và các dạng bạo lực khác trở thành phương tiện cơ bản cho nhóm tội phạm này. Ông cho rằng nền văn hóa đường phố Hoa Kỳ đã lan tràn khắp thế giới thông qua phim ảnh, vô tuyến truyền hình và công nghiệp băng đĩa với những vụ cướp ngân hàng, những cao bồi “hảo hán”, thế giới ngầm mafia…
|
Công an lấy dấu vân tay của một đối tượng. |
Một nghiên cứu trên 113 đối tượng của tội phạm đường phố ở Anh cho thấy, một nửa nói rằng chúng gây án mà không hề tính toán sẵn, chỉ có 5% lên kế hoạch chi tiết. 60% cho biết chúng không hề nghĩ khả năng sẽ bị bắt. 57% hành sự vì tiền và tài sản, 24% bởi các yếu tố khác như tâm trạng phấn khích hoặc muốn gây ấn tượng với chiến hữu, và 19% “hoàn toàn bất chợt”. Nạn nhân thường là người có tiền, đã được chúng điều nghiên để biết dễ thực hiện và ít gây nguy cơ chống kháng lại.
Ông lo ngại, hiện trạng này đang trở thành hiện thực ở Việt Nam. Và điều đau lòng như ở vụ án trên là đối tượng có thể ra tay với người cưu mang mình và vấn đề đặt ra là niềm tin đổ vỡ, chúng ta không nên sơ hở tạo cơ hội cho tội phảm nảy sinh mưu đồ chiếm đoạt bột phát đầy manh động và khó kiểm soát như ở trên.
Xã hội của chúng ta đang “bệnh”?
TS.Trịnh Hòa Bình (Viện xã hội học Việt Nam) lại đưa ra một góc nhìn khác: Xã hội đang có một lớp người muốn kiếm lợi ích cho bản thân nhưng lại không muốn lao động. Đó là thứ chủ nghĩa vị kỷ. Ở bất cứ xã hội nào, lợi ích cá nhân vẫn hối thúc con người ta đi chệch quy chuẩn của pháp luật. Do vậy, cần có sự minh bạch trong nhiều mối quan hệ xã hội, pháp luật mới lập lại được trật tự công bằng. Xã hội càng văn minh thì con người ta càng thoát khỏi sự mông muội, dã man bấy nhiêu.
Điều đáng báo động là khi người ta không còn coi trọng đến những con người thân phận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đáng thương thì người ta sẵn sàng hành xử ác với nhau nhằm tranh giành lợi ích cho bản thân. Và thực tế, ở đâu đó trong xã hội con người đã hành xử tùy tiện, cơ học với nhau. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh của con người trong mối quan hệ người với người, con người với xã hội. Họ đang sống cuộc đời phần “con” lấn át đi phần “người”.
TS.Trịnh Hòa Bình cho rằng, xã hội của chúng ta đang có “bệnh”, các giá trị đang bị đảo lộn. Đấy là sự rối loạn về giá trị, xuống cấp về đạo đức. Trong gia đình, bố mẹ mải kiếm sống, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng đến “học lễ”, còn xã hội nhiều những chuyện xấu được phơi bày, được miêu tả chi tiết đã phần nào tác động vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả điều này đã ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Và sự giành giật trong xã hội ở giới trẻ ngày càng nhiều hơn, vì đòi hỏi về vật chất, thỏa mãn nhu cầu của họ cao hơn và dường như không có giới hạn.
“Tôi cho rằng xã hội phải minh bạch hơn nữa để giáo dục đúng - sai cho giới trẻ. Cần phải giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật đối với mọi công dân, các ứng xử trong xã hội để mọi người nắm được và ứng xử đúng pháp luật, phù hợp với xã hội. Vấn đề đặt ra là vừa giáo dục xã hội, vừa cần giáo dục chuẩn mực đạo đức để tránh việc con người hành xử với nhau theo kiểu cơ học. Xã hội càng tiến về phía trước thì những luật lệ, đòi hỏi của thế giới mới càng khắt khe hơn. Sự phát triển đó, cần có sự bổ sung, kích hoạt của giá trị nhân văn, nhân bản”, TS.Trịnh Hòa Bình