​Vụ “một gia đình chính sách bị mất đất” ở TP HCM: Giải quyết kiểu “tiền hậu bất nhất”

(PLO) - Ban Quản lý đất đai TP HCM từng quyết định trả hơn 9.000m2 đất cho bà Trần Thị Y nhưng sau đó, UBND TP lại nói, việc sử dụng đất của Ban Kiến thiết (BKT) Dầu Tiếng đã được hợp thức hoá nên không trả đất cho gia đình chính sách nữa.
Một phần mảnh đất bà Y khiếu nại được Ban kiến thiết Dầu Tiếng đem cho thuê thời gian dài
Một phần mảnh đất bà Y khiếu nại được Ban kiến thiết Dầu Tiếng đem cho thuê thời gian dài

2 quyết định trái ngược

Sau khi bị BKT Dầu Tiếng đến chặt phá hoa màu, san ủi đất, tiến hành xây dựng và bồi thường 180.000 đồng hoa màu cho diện tích 10.000m2 đất (không hề đền bù về đất hay công khai phá), bà Trần Thị Y đã liên tục khiếu nại. Gia đình có công cách mạng này yêu cầu đền bù và xin công nhận quyền sử dụng đối với diện tích hơn 9.211m2/10.000m2 (vốn là đất gia đình bà Y) mà quận Bình Thạnh đã giao BKT Dầu Tiếng sử dụng.

Bắt đầu khiếu nại từ năm 1986 nhưng phải đến năm 1994, bà Y mới được Ban Quản lý (BQL) đất đai TP HCM xem xét, giải quyết thoả đáng. Theo Quyết định giải quyết khiếu nại số 147/QĐ-ĐĐ-Tr (14/3/1994) của BQL đất đai thành phố đã “chấp thuận cho bà Y được làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đối với diện tích 9.211m2/10.000m2 và thương lượng đền bù với phần diện tích còn lại” mà BKT Dầu Tiếng sử dụng, quản lý.

Bà Y cứ nghĩ đến đây là gia đình sẽ đòi lại được đất nhưng khi xin thực hiện quyết định này thì vụ việc bị “dậm chân tại chỗ”. Ngày 8/1/1999, UBND TP HCM ra Quyết định 107/QĐ-UB-NC với nội dung không công nhận Quyết định giải quyết khiếu nại 147/QĐ-ĐĐ-Tr của BQL đất đai thành phố. Quyết định này được cho là văn bản giải quyết “cuối cùng” của UBND TP HCM đã như “gáo nước lạnh”  dội vào người phụ nữ con, em liệt sỹ đang bị bại liệt, sống cảnh đơn thân.

Phó Thủ tướng từng chỉ đạo nhưng “vẫn đâu vào đó”

Năm 2007, một đoàn thanh tra do thanh tra viên chính Vụ 5, Thanh tra Chính phủ (khi đó là ông Nghiêm Sỹ Minh) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với gia đình bà Y cùng đại diện phường 25 và quận Bình Thạnh. Tại buổi làm việc, bà Y tái khẳng định việc quận Bình Thạnh giao 10.000m2 đất của gia đình bà cho BKT Dầu Tiếng mà không có quyết định thu hồi đất lẫn bồi thường về đất, công khai phá đất.

“Sau khi được giao đất, BKT Dầu Tiếng phân nền bán cho cán bộ và cán bộ bán cho người khác, phần nữa xây dựng và cho Trường dân lập Hồng Đức thuê. Phần còn lại 600m2 bỏ trống, đề nghị trả lại cho gia đình. Gia đình không còn đất sử dụng, yêu cầu khôi phục quyền sử dụng hợp pháp 10.000m2 cho gia đình và bồi thường thoả đáng quyền lợi”- đại diện của bà Y trình bày tại buổi làm việc.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh cho rằng, thực tế UBND thành phố giao cho BKT Dầu Tiếng sử dụng theo giấy chứng nhận QSDĐ là 7.048,7m2, trong đó hơn 2.000m2 được đơn vị này xây dựng cho Trường Hồng Đức thuê, còn gần 600m2 khác bỏ trống và “thực tế, Nhà nước chỉ thu và giao cho BKTDT là 7.048,7m2” chứ không phải như trong Quyết định giao đất 573/QĐ-UB ngày 10/12/1984 là 10.000m2.

Sau buổi làm việc, nguyện vọng của bà Y chẳng những chưa được giải quyết mà vụ việc còn thêm phức tạp. Con số diện tích đất thực tế BKT Dầu Tiếng được giao mà chính quyền quận Bình Thạnh đưa ra cho thấy nhiều mơ hồ, tuỳ tiện trong việc thu hồi và giao đất. Đến bấy giờ, quận vẫn không trưng ra được quyết định thu hồi, căn cứ xác định về diện tích đất chính xác đã thu hồi của gia đình bà Y cũng như bỏ ngỏ câu hỏi vì sao việc giao đất cho BKT Dầu Tiếng không thực hiện đúng (về diện tích) theo quyết định giao đất đã ban hành.

Ông Nghiêm Sỹ Minh- Trưởng đoàn thanh tra cũng không hề đề cập đến bức xúc của bà Y, hiện được BKT Dầu Tiếng xây dựng cho trường học thuê, thu lợi hàng năm, mặc cho thân nhân liệt sỹ bị bại liệt khản cổ đòi quyền lợi. “Ông trưởng đoàn cho biết ghi nhận yêu cầu của gia đình và việc giải quyết phải căn cứ pháp luật nhưng lập lờ rằng: “qua xem xét thấy phần diện tích này gia đình đã nhận bồi thường”. Nói như vậy là không rõ ràng, phải nói rõ bồi thường là bồi thường cái gì?”- ông Tạ Miên Linh, người đại diện uỷ quyền của bà Y gay gắt.

Ngoài ra, ông Minh cũng đề cập việc Công ty TNHH MTV Khai thác Dầu Tiếng (tức BKT Dầu Tiếng) xét hoàn cảnh gia đình bà Y nên hỗ trợ số tiền 81.000.000đ nhưng gia đình không nhận. Bà Y và gia đình cho rằng họ không nhận vì không biết số tiền này hỗ trợ về vấn đề gì, căn cứ để tính mức hỗ trợ và đây có phải số tiền để bà Y “dừng khiếu nại”?

Đến tháng 7/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) khi làm việc với TP HCM để chỉ đạo giải quyết 4 vụ việc khiếu nại (trong đó có vụ việc của bà Y), yêu cầu giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, các bên liên quan và quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, hiện trạng khu đất ngày một biến đổi. Điển hình là diện tích gần 600m2 từng bỏ trống nay mọc lên toà nhà cao tầng là trụ sở một doanh nghiệp. 

Đọc thêm