“Mòn mỏi” đòi GCN
Như Báo PLVN đã thông tin tại số báo ra ngày 06/10/2016. Năm 1998, ông Phạm Văn Quang cùng vợ là Tạ Thị Hiển (trú tại 265 phố Ngô Quyền, phường Nam Bình, TP Ninh Bình) được bố mẹ ông là cụ Phạm Văn Khánh và cụ Trần Thị Thúy viết bản di chúc giao quyền thừa kế toàn bộ nhà và đất ở tại thửa đất số 265, tờ bản đồ số 4, diện tích 164,8m2.
Trên cơ sở đó, ngày 18/2/2015, ông Quang đã có đơn đề nghị cấp GCN, do đó ngày 20/4/2015, Phòng TN&MT TP Ninh Bình phối hợp với UBND phường Nam Bình tiến hành kiểm tra xác định nguồn gốc đất không có tranh chấp. Dựa trên kết quả tham mưu của Phòng TN&MT, ngày 12/5/2015, UBND TP Ninh Bình ban hành Quyết định (QĐ) số 1115/QĐ-UBND về việc cấp GCN số CA 435648 cho vợ chồng ông Quang.
Tuy nhiên, bất ngờ ngày 27/4/2016, UBND TP Ninh Bình lại có Thông báo số 1122/TB-UBND về việc thu hồi GCN của vợ chồng ông Quang, cho rằng: Sau khi cấp GCN cho ông Quang thì ông Phạm Đức Vân (anh trai ông Quang) trú tại phố Tân An, phường Tân Thành, TP Ninh Bình có đơn trình báo rằng, thửa đất trên được cụ Khánh lập bản di chúc ngày 31/1/2005 thừa kế cho ông Vân.
Tiếp đó, ngày 18/7/2016, UBND TP Ninh Bình ban hành QĐ số 2582/QĐ-UBND thu hồi GCN số CA 435648 đã cấp cho vợ chồng ông Quang dựa trên Kết luận số 02/KL-TTr ngày 22/4/2016 của Thanh tra TP Ninh Bình về việc cấp GCN cho vợ chồng ông Quang.
Ngay lập tức, vợ chồng ông Quang đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng phản đối cho rằng, động thái của UBND TP Ninh Bình thu hồi GCN của gia đình ông là quá vội vàng và trái quy định của pháp luật, bởi lẽ khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ, tranh chấp đất đai mà đương sự có GCN hoặc có 1 trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết.
“Như vậy, khi ông Vân có đơn tranh chấp và xuất trình bản di chúc 2005 phô tô, trong khi vợ chồng ông Quang đã được cấp GCN thì UBND TP Ninh Bình phải hướng dẫn ông Vân làm đơn đến TAND để xem xét giải quyết và khi TAND có phán quyết cuối cùng, thì UBND TP Ninh Bình mới có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo luật định”, ông Quang cho biết.
Hơn thế, ngoài di chúc năm 1998 mà ông Quang đã cung cấp trước đó để làm GCN thì ông Quang còn được cụ Trần Thị Thúy (mẹ đẻ) giao cho một bản di chúc bổ sung ngày 20/8/2014 trước sự chứng kiến của nhiều người.
“Thời điểm mẹ tôi lập di chúc bổ sung thì Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có hiệu lực pháp luật. Vậy, bản di chúc ngày 31/1/2005 mà ông Vân cung cấp có phải là bản di chúc cuối cùng hay không? Bên cạnh đó, bản di chúc năm 1998 mà bố mẹ tôi để lại cho tôi đã có xác nhận của chính quyền địa phương và hồ sơ gốc vẫn còn lưu giữ. Cùng với đó, gia đình tôi vẫn còn giữ biên lai thu tiền chứng thực di chúc do bố mẹ tôi để lại. Thế nhưng, bản di chúc năm 2005 mà ông Vân cung cấp thì phường Nam Bình lại không còn lưu giữ bất kỳ giấy tờ nào? Vậy, bản di chúc năm 2005 có đủ căn cứ để chứng minh là bản di chúc thật hay không?”, ông Quang lập luận.
“Né” trách nhiệm?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Chánh Thanh tra UBND TP Ninh Bình cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Vân (anh trai ông Quang) cùng bản di chúc năm 2005, UBND TP Ninh Bình đã giao cho Phòng TN&MT, Thanh tra TP Ninh Bình kiểm tra lại và chúng tôi nhận thấy quy trình cấp GCN cho ông Quang dựa trên bản di chúc 1998 là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Theo ông Thịnh, di chúc năm 1998 liên quan đến 8 người con của cụ Khánh, theo quy định của pháp luật thì trước khi thừa nhận di chúc phải công bố công khai và sao gửi lại di chúc cho từng người có quyền lợi liên quan. Nhưng khi cấp GCN cho ông Quang, thì UBND phường Nam Bình chưa thực hiện mà Phòng TN&MT cũng chưa tham mưu về vấn đề này, dẫn đến việc phát sinh đơn của ông Vân như bây giờ. Trên cơ sở đó, Thanh tra cũng đã tham mưu cho thành phố thu hồi lại GCN của ông Quang.
“Về việc ông Quang có đơn khiếu nại sau khi UBND TP Ninh Bình có quyết định thu hồi GCN, ông Thịnh cho rằng, UBND TP Ninh Bình đã giải quyết theo đúng thẩm quyền. Hiện nay, xuất hiện 3 bản di chúc thì phải chờ phán quyết của Tòa án hoặc là gia đình ông Quang và ông Vân tự thỏa thuận với nhau. Nếu ông Quang vẫn không đồng ý thì có thể khởi kiện quyết định thu hồi GCN của UBND TP Ninh Bình”, ông Thịnh cho hay.
Đã quá thời hạn giải quyết theo Luật Khiếu nại mà UBND TP Ninh Bình vẫn chưa có trả lời chính thức cho gia đình ông Quang, ông Thịnh khẳng định: “Giờ là trách nhiệm của TAND giải quyết. Hiện nay, ông Quang đã khởi kiện ra tòa nên giờ chờ căn cứ vào kết quả của tòa án. Tòa phán cấp cho ông Quang thì UBND TP Ninh Bình lại cấp lại, phán cấp cho ông Vân thì cấp cho ông Vân, chứ giờ UBND TP không giải quyết nữa”.