Tình tiết mới có thể thay đổi bản chất vụ án đang xét xử
Luận tội các bị cáo Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970) phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, VKS nói rằng qua quá trình điều tra, lời khai tại phiên tòa thì có đủ cơ sở kết tội. Ông Hùng chỉ đạo ông Lộc trực tiếp xử lý tài sản thế chấp, nhưng quá trình xử lý có vi phạm Nghị định 163/2006/NĐ-CP về xử lý tài sản thế chấp.
Còn đối với ông Khanh biết việc thanh toán tiền ngoài cho cụ Hiệp là trái luật nhưng vẫn thực hiện. Ông Khanh thanh toán gần 3 tỷ cho cụ Hiệp là giúp sức cho ông Hùng, ông Lộc phạm tội. VKS cho rằng ông Khanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội nên không được giảm nhẹ.
VKS đề nghị mức án với ông Hùng và ông Lộc 12 – 14 năm tù, ông Khanh 10 – 12 năm tù. Với các hợp đồng giữa cụ Hiệp và vợ ông Khanh, VKS đề nghị tuyên vô hiệu.
Tại phần tranh luận, người đại diện cho bà Nguyễn Hiệp Hảo (con cụ Hiệp) bất ngờ đưa ra một tình tiết mới, có thể thay đổi bản chất vụ án đang xét xử. Bà Hảo là thành viên Cty An Tây có 5,4% cổ phần. Bà Hảo khẳng định không hề ký tên vào biên bản họp hội đồng thành viên để An Tây vay tiền BIDV.
Người đại diện nói rằng đây là tình tiết quan trọng, vì nếu việc vay vốn không đúng thì dẫn đến việc thế chấp tài sản cũng không đúng, dẫn đến việc bán tài sản đó cũng không đúng.
Theo LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) thì đây là tình tiết quyết định vụ án, bởi nếu bà Hảo không ký để An Tây vay tiền thì hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Do đó, các bị cáo không thể bị xử lý trong phiên tòa.
“Lời lẽ buộc tội của VKS hùng hồn nhưng sự thật vụ án thì các bị cáo không phạm tội. Vụ án có dấu hiệu oan sai do việc quy kết không có căn cứ pháp luật. Trong vụ án này, không có tài sản nhà nước bị xâm phạm, bị cáo Hùng không được giao quản lý bất cứ tài sản nhà nước nào. VKS rất mơ hồ, ở cáo trạng trước thì nói BIDV là ngân hàng nhà nước. Cáo trạng mới không nói nữa. VKS có sự thay đổi quan điểm hay không vì “bỏ tất cả những chữ ghi “tài sản nhà nước bị thất thoát” mà chỉ nói “bị thất thoát”. Tài sản nhà nước ở BIDV không có thất thoát. VKS phải chỉ ra chế độ quản lý tài sản bị vi phạm. Cho đến nay, chỉ có căn cứ duy nhất buộc tội các bị cáo là Nghị định 163 mà chúng tôi tranh luận trong phiên tòa trước. Có dấu hiệu vi phạm trong định giá thiệt hại mà chúng tôi đã làm rõ trong phần hỏi”.
“Tất cả những quy buộc của VKS, luật sư bào chữa đã đưa ra các lý lẽ, chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh các bị cáo không phạm tội. Chúng tôi trông chờ vào sự công tâm, dũng cảm của HĐXX. Tôi đề nghị tuyên các bị cáo vô tội”, LS Hải nói.
Một LS bào chữa cho ông Hùng nói có nhiều vi phạm tố tụng như định giá tài sản và kết luận định giá này là không khách quan, không minh bạch. Việc giao trễ kết luận làm bị cáo mất quyền khiếu nại, mất quyền yêu cầu định giá lại. Việc tách vụ án là không đúng luật.
“Ông Khanh không thỏa mãn các yếu tố đồng phạm”
LS Bùi Hồng Giang, bào chữa cho ông Khanh tranh luận: “VKS lập luận hành vi đồng phạm của ông Khanh là “lẽ ra tiền thu được từ việc mua bán tài sản thế chấp phải nộp vào cho BIDV”, ông Khanh biết nhưng không thực hiện và trả tiền mặt cho cụ Hiệp là vi phạm. Lập luận này là suy diễn, quy chụp. Ông Khanh, ông Hùng, ông Lộc và cụ Hiệp không bàn bạc thống nhất bất cứ nội dung gì và không có chứng cứ vật chất nào để chứng minh họ cấu kết”.
“Đồng phạm giúp sức được luật quy định rất rõ. Nhưng ở đây, ông Khanh không thỏa mãn các yếu tố, dấu hiệu là đồng phạm. VKS nói ông Khanh giúp các bị cáo khác che giấu hành vi phạm tội bằng hợp đồng ba bên là hoàn toàn suy diễn, không dẫn chứng được ở bút lục nào thể hiện điều đó”, LS Giang đề nghị HĐXX tuyên bố ông Khanh không phạm tội.
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho ông Khanh) đối đáp: “Tại phiên tòa lần này phát sinh tình tiết mới là chữ ký của bà Hảo trong biên bản họp thành viên bị cho là giả. Do đó, cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung về vấn đề mới này”.
“Hợp đồng ba bên là căn cứ duy nhất mà VKS cáo buộc ông Khanh phạm tội. Ông Khanh là người mua, thỏa thuận giá, phương thức với cụ Hiệp và có đặt cọc ngay trong hợp đồng ba bên. Nếu ông Lộc không ký làm chứng như là một chứng cứ thể hiện ngân hàng đồng ý thì sau này, ngân hàng nói không đồng ý cho bán, ông Khanh lấy gì để chứng minh, ông Khanh lấy gì để đòi tiền. Nội dung hợp đồng ba bên không hề nêu nghĩa vụ, trách nhiệm ngân hàng. Tôi thấy VKS chỉ chăm chăm buộc tội ông Khanh, tịch thu tài sản của ông Khanh chứ không hề nêu ra căn cứ giải quyết triệt để vụ án”, LS Quynh đề nghị trả hồ sơ, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Khanh để ông Khanh kêu oan và chữa bệnh.
Lời nói sau cùng, ba bị cáo đều cho rằng không phạm tội như cáo trạng cáo buộc nên đề nghị HĐXX tuyên vô tội.
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết thời gian nghị án kéo dài, việc tuyên án sẽ thực hiện vào sáng ngày 28/5 tới.
Trước phần tranh luận, 5 luật sư bào chữa cho ông Khanh, ông Hùng có hai văn bản kiến nghị gửi HĐXX và VKS đề nghị xác minh làm rõ hai vấn đề. Kiến nghị thứ nhất là về việc thẩm định giá của công ty thẩm định giá Thế Hệ Mới có dấu hiệu lập khống tài liệu, lập khống giá trị định giá thể hiện qua trường hợp của bà Đinh Thị Thùy Trang. Kiến nghị thứ hai, ông Khanh khai bị trù dập là một phần sự thật khách quan quan trọng cần được làm rõ để bảo đảm tránh oan sai.
Trước đó, trả lời câu hỏi của các luật sư, ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng bản chất của vụ án này là do ông bị “trù dập”. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng việc bị cáo có bị trù dập hay không thì phải thông qua luật sư để gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền, còn nội dung này không được đề cập tại phiên tòa. Phiên tòa chỉ làm rõ việc mua bán đất.