Vụ nhiều ha rừng bị hủy hoại tại Lâm Hà (Lâm Đồng): Người tố cáo lo ngại vụ án bị “chìm xuồng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan vụ công dân tố cáo hơn 7ha rừng bị chặt phá ở xã Tân Thanh mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu giải quyết dứt điểm, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà cho biết “do tính chất phức tạp đã chuyển hồ sơ sang công an điều tra làm rõ”.
Người tố cáo tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 239B.
Người tố cáo tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 239B.

Ngang nhiên thuê người chặt, phát rừng

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Thiết (SN 1973, ngụ thôn 5, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà), ngày 23/7/2021, người đàn ông tên Cảnh (ngụ thôn 2) đưa khoảng 30 người vào vườn lồ ô tiểu khu 293B chặt khoảng 4ha cây le đường kính 3-5cm, lồ ô 5-7cm, cây trồi 7-10cm. “Tôi gọi điện thoại báo UBND xã và công an xã nhưng được trả lời “đang đi chống dịch”. Tôi vào trạm bảo vệ rừng báo cáo, Trưởng trạm cử 1 nhân viên xuống hiện trường, một số người bỏ chạy, giữ được 11 người, khai đi làm thuê cho ông Cảnh. Một lúc sau ông Cảnh có mặt, nói có “giấy trồng rừng mua lại của người khác” nhưng không đưa ra”, đơn viết.

Theo ông Thiết, sau khi làm đơn tố cáo, ông lên Đà Lạt chữa bệnh thì tiếp tục nhận được tin khu vực rừng ông đang khai thác ở tiểu khu 293B lại có người vào chặt phá. Cụ thể, ngày 13 - 14/8/2021, ông Cảnh bị phản ánh đưa người chặt thêm 2,6ha.

Ngày 24/8/2021, ông Thiết gửi đơn tố cáo lần 2 đến cơ quan chức năng. Ngày 28/7/2021, Ban Nội chính tỉnh có văn bản chuyển đơn ông Thiết đến Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Ngày 27/8/2021, UBND tỉnh có văn bản, giao UBND huyện Lâm Hà khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý dứt điểm vụ việc, báo cáo tỉnh trước 15/9/2021.

Một ngày sau, UBND huyện có văn bản giao Hạt Kiểm lâm (HKL) chủ trì, phối hợp Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lâm Hà, UBND xã Tân Thanh kiểm tra, xác minh nội dung đơn của công dân, tham mưu UBND huyện xử lý vụ việc.

Ngày 15/9/2021, HKL huyện có Báo cáo 131/BC-KL gửi UBND huyện, theo đó, qua xác minh đơn tố cáo lần 1 của ông Thiết thì diện tích rừng sản xuất bị tác động 4,58ha. Về đối tượng vi phạm, bước đầu xác định ông Lê Minh Hạnh (SN 1967, ngụ thôn 5) và ông Tạ Duy Cảnh (SN 1979, ngụ thôn 2) thuê 12 hộ dân tại thôn 8 phát phá.

Những hình ảnh phá rừng được người tố cáo ghi lại.

Những hình ảnh phá rừng được người tố cáo ghi lại.

Về nội dung tố cáo lần 2 của ông Thiết, theo báo cáo của HKL, diện tích bị tác động hơn 1ha (diện tích có rừng 0,47ha, diện tích chưa thành rừng 0,6ha). Về đối tượng vi phạm, HKL cho rằng “ông Thiết không trực tiếp thấy hay có video về hành vi phá rừng. Trong khi ông Cảnh nói không phá rừng hay thuê người phát cây rừng. HKL đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng làm rõ vụ việc”.

Vì sao chưa trả lời, chưa làm việc với người tố cáo?

Ngày 9/11/2021, HKL có văn bản gửi Công an huyện “về việc chuyển hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra theo quy định”. Theo văn bản này, sau khi có đơn tố cáo, qua kiểm tra xác minh, xác định tại khoảnh 4 tiểu khu 293B, xã Tân Thanh tổng diện tích bị tác động 54.194m2 (diện tích đất lâm nghiệp không có cây rừng 26.257m2; đất lâm nghiệp có cây rừng 20.901m2; đất nông nghiệp có cây rừng: 6.516m2). Hiện trạng gồm cây bụi, cây gỗ tạp nhỏ, le lồ ô tái sinh. Trên hiện trường này đã có đường mòn do máy múc mở từ lâu, có các hố 40cm x 40cm, còn sót lại một vào cây keo tai tượng. Phía trên đỉnh đồi có một số bụi cỏ voi. Diện tích trên là đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất lâm nghiệp do BQL rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Ông Thiết cho rằng một số nội dung trong báo cáo của Hạt kiểm lâm chưa phù hợp.

Ông Thiết cho rằng một số nội dung trong báo cáo của Hạt kiểm lâm chưa phù hợp.

Còn có điều bất thường về số liệu diện tích đất “không có cây rừng” trong vụ việc. Theo Quyết định 890/QĐ-UBND ngày 3/3/2021 của UBND huyện quyết định phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2020 trên địa bàn huyện thì diện tích trên chưa thành rừng. Tuy nhiên, theo Công văn 114/BOL ngày 25/10/2021 của BQL, diện tích trên đã đủ tiêu chí thành rừng. Trên cơ sở đó, HKL kết luận nội dung tố cáo với ông Cảnh có hành vi hủy hoại rừng theo Điều 243 BLHS là có cơ sở. Căn cứ Điều 27 Luật Tố cáo 2018, HKL đề nghị Công an huyện Lâm Hà tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện cho biết đã giao HKL và Thanh tra huyện xử lý đơn vụ việc trên: “Đến nay cơ quan chủ trì giải quyết là HKL đã xử lý xong, trả lời người tố cáo. Do sự việc phức tạp nên chuyển hồ sơ sang công an huyện điều tra làm rõ”.

Thế nhưng, người tố cáo là ông Thiết cho rằng chưa từng nhận được bất kỳ văn bản trả lời nội dung tố cáo nào; không được thông báo việc HKL đã chuyển hồ sơ sang công an; chưa được CQĐT thông báo, triệu tập để cung cấp chứng cứ... Cũng theo ông Thiết, diện tích rừng bị chặt phá theo báo cáo của HKL là chưa chính xác. “Nếu không nhanh chóng điều tra, cây rừng khô có thể bị đốt, lúc đó sẽ khó thu nhập chứng cứ phục vụ điều tra”, ông Thiết lo ngại.

PV đã liên hệ làm việc với ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng HKL. Ông Tuyên trả lời chỉ làm việc khi có chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo UBND huyện hoặc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Đọc thêm