Trần Phương Bình mua hộ cho Vũ “nhôm” cả chục triệu USD?
Hồ sơ vụ án thể hiện, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (Công ty Bắc Nam 79) có vốn điều lệ 700 tỷ đồng; gồm các cổ đông: Phan Văn Anh Vũ góp 650 tỷ đồng, còn lại là các cổ đông khác, nhưng trên thực tế, Phan Văn Anh Vũ góp 100% vốn điều lệ, trực tiếp quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của Công ty Bắc Nam 79.
Năm 2013, ngân hàng Đông Á (DAB) bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình nguyên Tổng Giám đốc, phó chủ tịch HĐQT có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB.
Do quen biết nhau từ trước, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất: Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Nguồn tiền mua cổ phần DAB gồm: Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 Lô đất tại Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Phan Văn Anh Vũ và Phan Văn Anh Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.
Để Vũ có 200 tỷ đồng, ngày 17/01/2014, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống 200 tỷ đồng của Phan Văn Anh Vũ nhưng DAB sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỷ đồng chuyển vào Tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 mở tại DAB Chi nhánh Đà Nẵng. Phan Văn Anh Vũ trực tiếp viết nội dung và ký Giấy nộp tiền và Bảng kê loại tiền đối với số tiền 200 tỷ đồng nêu trên. Cuối ngày 17/01/2014, DAB tiếp nhận điều chuyển khống 200 tỷ đồng từ DAB Sở giao dịch về Hội sở DAB để Hội sở hợp thức cho khoản chi 200 tỷ đồng dẫn đến âm quỹ số tiền này.
Cùng ngày, Công ty Bắc Nam 79 chuyển 600 tỷ đồng (gồm: Phan Văn Anh Vũ nộp khống 200 tỷ đồng tại DAB và 400 tỷ đồng vay của DAB) vào Tài khoản số của DAB để mua 60 triệu cổ phần. Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 08/04/2014 Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng vào Tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 tại DAB Chi nhánh Đà Nẵng. Như vậy, Phan Văn Anh Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do kí chứng từ nộp khống mà có và hơn 3,1 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này.
Điều đáng chú ý là ngoài 200 tỷ đồng chưa tất toán cho ngân hàng Đông Á, Vũ “nhôm” còn dính đến khoản tiền 13,4 triệu USD.
Theo đó Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã thu được 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng (thủ quỹ ngân hàng Đông Á) đã ghi chép lại các khoản thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DAB trong thời gian Hùng làm Thủ quỹ Hội sở DAB.
Trong đó, từ ngày 11/10/2012 đến ngày 12/3/2015, Hùng đã xuất quỹ chi 12 khoản tổng số hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình. Sau đó, theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình chuyển 13,4 triệu USD cho Phan Văn Anh Vũ.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Phương Bình khai đã chỉ đạo cấp dưới chi 12 khoản với tổng số 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD. Trong đó, Trần Phương Bình mua hộ Phan Văn Anh Vũ 9 khoản tổng số 13,4 triệu USD trị giá gần 284 tỷ đồng, đến nay Phan Văn Anh Vũ chưa trả. Trần Phương Bình không biết Phan Văn Anh Vũ sử dụng số tiền này vào việc gì. Tuy nhiên bị cáo Phan Văn Anh Vũ lại cho rằng số tiền 13,4 triệu USD là Vũ vay cá nhân Trần Phương Bình, chứ không biết đó là tiền của ngân hàng Đông Á.
Cựu trung tá công an được ưu ái cho vay hàng ngàn lượng vàng
Trong số 26 bị cáo, đáng chú ý là bị cáo Nguyễn Hồng Ánh(cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP.HCM) được xác định có hành vi tất toán khống 1 phần khoản vay 1.900 lượng vàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 53 tỷ đồng, nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.
Theo đó, ngày 14/01/2008, Nguyễn Đức Tài, Giám đốc Sở giao dịch DAB ký Hợp đồng cho Nguyễn Hồng Ánh (cùng vợ là Lương Ánh Trúc) vay ngắn hạn 2.000 lượng vàng SJC. Ngày 21/01/2009, Nguyễn Hồng Ánh trả nợ gốc 20 ngàn chỉ vàng cho DAB Sở giao dịch, nhưng thực chất 2 bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ. Sau đó chuyển thành Hợp đồng Nguyễn Hồng Ánh vay 1.900 lượng vàng tại DAB Sở giao dịch.
Ngày 29/02/2012 Trần Thế Hùng lập Phiếu thu khống 19 ngàn chỉ vàng của Nguyễn Hồng Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay 1.900 lượng vàng nêu trên, Nguyễn Hồng Ánh ký mục Khách hàng, Lê Kiên Giang ký (nháy) mục Thủ quỹ. Thực tế, Nguyễn Hồng Ánh chỉ nộp hơn 32 tỷ đồng đồng tất toán sổ tiết kiệm đang gửi tại DAB nhưng được Bình cho tất toán toàn bộ khoản vay 1.900 lượng vàng. Cùng ngày, Hội sở lập Phiếu thu tiếp nhận điều chuyển khống 1.900 lượng vàng từ Sở giao dịch về Hội sở để Hội sở chịu âm quỹ số vàng này.
Số tiền hơn 32 tỷ đồng, theo chỉ đạo của Trần Phương Bình, DAB Sở giao dịch không nhập quỹ DAB mà để trả nợ cho các khoản vay của Bình và sử dụng cá nhân.
Tại Cơ quan điều tra, Trần Phương Bình khai, Bình và Ánh đã thống nhất việc cho Ánh tất toán hợp đồng vay 1.900 lượng vàng bằng cách Ánh để lại hơn 32 tỷ đồng tiền tiết kiệm của Ánh đã gửi tại DAB (quy đổi 700 lượng vàng), phần chênh lệch còn lại (1.200 lượng), Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn đức Vinh cho tất toán khống. Trần Phương Bình sử dụng cá nhân hơn 32 tỷ đồng.
Nguyễn Hồng Ánh kha, đã trả nợ cho DAB Sở giao dịch hơn 32 tỷ đồng tất toán sổ tiết kiệm, số còn của khoản vay là tất toán khống chỉ kí chứng từ, không nộp tiền, vàng. Bà Lương Ánh Trúc (vợ cũ bị can Nguyễn Hồng Ánh): không tham gia vào quá trình tất toán khống khoản vay này nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Hành vi cố ý làm trái của các bị can nêu trên nằm trong hành vi Trần Phương Bình cố ý làm trái trong việc tất toán khống khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh gây thiệt hại cho DAB hơn 53 tỷ đồng.