Vụ nữ cán bộ công an thuê người bắn “dằn mặt” đối phương: Vì sao các bị cáo thoát tội “giết người”?

(PLO) - Theo dự kiến, ngày 16/4 tới đây, TAND Tp Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Thị Bích Hằng (SN 1980, ở quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên cán bộ Truyền hình Công an nhân dân) và Đào Văn Tùng (SN 1989, quê Hưng Yên) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Hành vi Tùng rút súng bắn người đã bị camera tại cửa hàng sửa xe ghi lại

Trong khi đó, 1 trong 2 người được Tòa coi là bị hại đã liên tục khẳng định mình không phải là bị hại của vụ “cố ý gây thương tích” mà là bị hại trong vụ “giết người”.

Như PLVN đã từng thông tin, ngày 3/4 vừa qua, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa trên do có thắc mắc của ông Nguyễn Hoàng Long (SN 1969, ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) về việc bất ngờ thay đổi vụ án từ “Giết người” sang “cố ý gây thương tích” và vì sao ông được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là “người liên quan” chứ không phải là “bị hại” như ở giai đoạn đầu của vụ án.

Chuyển 41 triệu cho “đàn em” chi tiêu và mua súng

Theo cáo trạng, khoảng tháng 12/2016, Hằng và anh Bùi Văn Ngọc (SN 1975, ở TP Hà Giang, Giám đốc Cty TNHH Bảo An) bắt đầu quen nhau. Ngọc nói với Hằng về việc đang bị anh Nguyễn Hoàng Long gây sức ép đòi nợ 2,8 tỷ đồng.

Biết tin gia đình anh Ngọc bị một số đối tượng đến “đòi nợ cho Long”, Hằng bức xúc đã nhờ Chu Tuấn Mạnh (cháu bên chồng Hằng) đứng ra dàn xếp, gặp anh Long để thương lượng. Mặt khác, Hằng cũng nhờ Mạnh làm lái xe đưa đón và bảo vệ mình. Mạnh bảo Đào Văn Tùng đi cùng để bảo vệ Hằng và Ngọc.

Đầu tháng 8/2017, Tùng gọi điện cho Hằng nói rằng Mạnh đã “phản bội” Hằng nên ngỏ ý muốn đứng ra bảo vệ Hằng và sẽ đánh “dằn mặt” Long, Mạnh. Hằng đồng ý nên đã chuyển cho Tùng 3 triệu đồng. 

Sau đó, Hằng đưa 2 triệu cho Tùng thuê nhà trọ gần nhà anh Long để tiện theo dõi. Hằng còn gửi cho Tùng hình ảnh anh Long qua Zalo và hỏi về số tiền cần phải trả khi xong việc. Tùng nói là giúp Hằng vì tình cảm, còn việc trả công cho những người đi cùng Tùng đánh anh Long thì lúc nào xong việc sẽ tính. 

Khi thấy Tùng nói muốn mua súng để bắn “dằn mặt” anh Long, Hằng chuyển cho Tùng 5 triệu đồng, Sau đó, Hằng chuyển tiếp 1 triệu đồng Tùng để chi tiêu cá nhân.

Chiều 18/8/2017, Tùng giắt khẩu súng (bắn đạn ghém) trong người đi xe máy tới gần nhà anh Long để theo dõi. Thấy anh Long đi ra, Tùng còn chụp ảnh gửi qua Zalo cho Hằng biết. Khi anh Long vào một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Hồ Tùng Mậu, Tùng cũng giả vờ vào sửa xe để quan sát. Khi đã biết chính xác là anh Long, Tùng cầm súng tiến đến. Anh Long thấy vậy liền né người, nấp sau lưng anh Nguyễn Văn Mùi (thợ sửa xe) nhưng Tùng bước qua bên cạnh, bắn một phát làm các viên đạn trúng vào vùng ngực bên phải của anh Mùi, khiến anh này bị tổn hại 10% sức khỏe.

Bắn xong, Tùng lên xe máy bỏ trốn. Trên đường trốn chạy, Tùng nhắn tin qua Zalo thông báo cho Hằng biết đã bắn anh Long và bảo Hằng gửi tiền để mình đi trốn. Khoảng 15h cùng ngày, Hằng đã chuyển cho Tùng 30 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, Hằng nhắn tin bảo Tùng trốn sang Trung Quốc hoặc vào chỗ bạn Hằng trong TP HCM nhưng Tùng không đồng ý. Đến ngày 20/8 thì Tùng bị bắt tại Hòa Bình.

Bất ngờ được chuyển tội danh

Với hành vi trên, Tùng và Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Giết người”. Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, CQĐT Công an TP Hà Nội đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can sang tội “Cố ý gây thương tích”.

Phát biểu tại phiên tòa ngày 3/4, anh Long khẳng định mình không được cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thông báo về việc chuyển tội danh cho các bị cáo như trên. Bất ngờ hơn, anh lại được Tòa án triệu tập đến phiên tòa với tư cách là “người liên quan” trong khi tại giai đoạn điều tra, anh được coi là “bị hại” trong vụ án “giết người”.

Trước ý kiến này của anh Long, Chủ tọa phiên tòa khẳng định anh Long vẫn là bị hại của vụ án. Còn việc Giấy triệu tập ghi anh Long là “người liên quan” là do sơ xuất.

Đồng tình với việc Tòa xác định mình là bị hại, anh Long tiếp tục khẳng định mình đã bị “giết hụt” thì vụ án này phải là vụ “giết người”. Bản thân anh không bị thương tích gì thì không thể là bị hại trong vụ “cố ý gây thương tích” được. Tức là vụ án đã bị lọt tội “giết người”.

Là người đã đối mặt với họng súng của Tùng, anh Long khẳng địnhTùng đã  “ra tay” đến cùng bởi khi phát đạn thứ nhất không nổ, Tùng tiếp tục hướng thẳng súng về phía anh bóp cò. Khi thấy anh núp sau anh Mùi, Tùng còn bước qua bên cạnh (cách anh 1,5m) để không bị khuất đường đạn. Các mảnh đạn găm vào vùng ngực phải của anh Mùi chứng tỏ Tùng không hề bắn dọa như lời khai tại CQĐT 

Đồng tình với ý kiến trên, một số luật sư cũng cho rằng, để đánh giá hành vi của Tùng có muốn tước đoạt tính mạng của anh Long hay không thì phải căn cứ vào diễn biến khách quan của vụ việc. Theo Cáo trạng và KLĐT thì Tùng bóp cò khi chỉ cách anh Long 2-3m. Trong khi đó, Kết luận giám định khẳng định khẩu súng do Tùng sử dụng “có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng… Bắn đạn vào cơ thể ở cự ly đến 5m gây chết người hoặc bị thương”.

Mặt khác, theo Cáo trạng và KLĐT, khi được Tùng thông báo về việc mua súng để “dằn mặt” anh Long thì Hẳng đã đồng ý và chuyển 5 triệu đồng cho Tùng. Sau đó, Tùng còn gửi hình ảnh khẩu súng và đạn qua Zalo cho Hằng xem. Bản thân Hằng là một cán bộ Công an. Còn Tùng là người trực tiếp mua khẩu súng, đạn và các chi tiết tạo đạn. Vì vậy, hai bị cáo hoàn toàn biết rõ và buộc phải biết nếu dùng khẩu súng này bắn đạn ghém ở cự ly gần có thể làm tử vong người khác. Vì vậy, không thể nói việc Tùng bắn như trên chỉ là “dằn mặt cho sợ” được.

Được biết, ngay sau khi phiên tòa ngày 3/4 bị hoãn, anh Long đã có đơn đến các cơ quan THTT của Hà Nội và trung ương đề nghị vào cuộc xem xét để tránh sót người, lọt tội trong vụ án này.

Đọc thêm