Vụ ô tô chạy bằng dầu diesel: Tạo lệ để lách luật

(PLO) - Không chỉ ở nước Đức mà còn ở nhiều quốc gia châu Âu khác nữa hiện đang ồn ào và sôi động về phán quyết mới đây nhất của Toà án hành chính liên bang của nước Đức về sử dụng xe ô tô chạy bằng dầu diesel trong thành phố. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phán xử của toà này trong thực chất có hai nội dung chính là chính quyền ở các thành phố hay địa phương có thể cấm sử dụng xe ô tô chạy bằng dầu diesel để giảm mức độ ô nhiễm môi trường với mức độ và phạm vi áp dụng khác nhau cũng như các bên liên quan bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biện pháp cấm phải chấp nhận chịu thiệt hại về vật chất.

Thiệt hại về vật chất ở đây bao hàm xe ô tô chạy bằng dầu diesel sẽ bị giảm giá và người đang sử dụng xe loại ấy sẽ bị mất giá xe, thị trường buôn bán xe ô tô đã qua sử dụng sẽ sa sút đáng kể.

Về phương diện pháp lý, vụ việc này lại là câu chuyện khác. Ở đây có sự khác biệt giữa luật pháp hiện hành của Đức và của EU về bảo vệ môi trường. Luật của EU quy định là các nước thành viên phải đảm bảo những tiêu chuẩn cụ thể mà EU có thể kiểm chứng được, nếu không thì EU sẽ vận hành quy trình phạt.

Trong luật pháp hiện hành của nước Đức không có quy định cụ thể đến như thế. Nhiều nơi ở nước Đức đã tận dụng sự khác biệt này để có được quyết định của toà về cấm sử dụng xe ô tô chạy bằng dầu diesel. Cách lập luận - và gây áp lực - của họ rất đơn giản: nếu toà không cấm sử dụng xe ô tô chạy bằng dầu diesel thì ở các thành phố và địa phương của họ sẽ không thể đảm bảo đáp ứng được những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan của EU.

Cái khó đối với toà án hành chính liên bang của nước Đức cũng chính ở chỗ đó. Không có chuyện toà này không biết trước về tác động, hậu quả và hệ luỵ của việc cấm sử dụng xe ô tô chạy bằng dầu diesel cũng như về ý nghĩa chính trị và pháp lý lâu dài của nó. Nhưng nếu không quyết định cấm thì sẽ không thể đưa lại được kết quả là các tiêu chuẩn và chỉ số của EU được tuân thủ.

Một khi nước Đức bị EU phạt thì toà này sẽ bị đổ vấy cho trách nhiệm là biết trước rồi mà không hành động gì để ngăn chặn. Khi ấy, toà này chẳng khác gì bị quy kết là vi phạm cả luật chung lẫn luật riêng, cả luật quốc gia lẫn luật của EU, nếu không là thủ phạm thì ít nhất cũng là tòng phạm.

Để tự giải thoát khỏi tình thế khó khăn khó xử ấy, toà này đã dùng cách "đóng mà mở" và "vừa đóng vừa mở". Cụ thể là toà phán rằng các thành phố và địa phương ở Đức có thể chứ không bắt buộc thực hiện biện pháp cấm và ngoài ra còn tự quyết định cấm ở nơi đâu, cấm với mức độ nào, áp dụng với diện đối tượng nào và vào khung thời gian cụ thể ra sao.

Thực chất ở đây là toà này tạo ra cái lệ mới để lách luật. Phán xử như thế, toà này vô hiệu hoá được mọi cáo buộc là thụ động và không chịu hành động gì, tức là không phải chịu trách nhiệm gì trong trường hợp nước Đức bị EU phạt và EU cũng không thể trách cứ được rằng nước Đức chẳng làm gì để đảm bảo chất lượng môi trường đô thị lành mạnh. Trách nhiệm ấy được hoặc bị toà này đẩy về phía chính quyền các thành phố và địa phương. 

Bản chất cái lệ mới này là cấm nhưng cũng có thể là không cấm và không cấm nhưng cũng lại là cấm, cho phép về phương diện pháp lý nhưng lại không chịu trách nhiệm nếu sự cho phép ấy được thực hiện thành biện pháp chính sách quản lý đô thị và địa phương cụ thể.

Cái lệ ấy là vận dụng hay không vận dụng cũng được và trong trường hợp nào thì cũng đảm bảo hợp pháp. Toà này mở lối cho bên hành pháp tuỳ theo lợi ích và nhu cầu mà lách luật./.

Đọc thêm