Ba năm kêu oan
Tháng 3/2016, Giám đốc Sở Công Thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Phương làm Trưởng đoàn, còn có Phó trưởng đoàn và các thành viên khác, trong đó có ông Thanh.
Ngày 13/4/2016 kiểm tra tại Doanh nghiệp tư nhân Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm). Quá trình kiểm tra, Đoàn phát hiện không có hồ sơ “công bố hợp quy” 200 bao phân bón (3 loại) do Tập đoàn Con Cò Vàng sản xuất nên lấy mẫu đi giám định.
Kết quả kiểm nghiệm lần thứ nhất, 3 mẫu phân bón đều có 1 chỉ tiêu hàm lượng P2O5 chưa đạt 70% như ghi trên bao bì. Ngày 10/5/2016, Đoàn kiểm tra thông báo kết quả kiểm nghiệm. Chủ doanh nghiệp không đồng ý, khiếu nại, đề nghị đi kiểm nghiệm lần hai.
Ngày 13/6/2016, Đoàn họp công bố kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu phân bón lần hai, trong đó có hàm lượng đạt, có hàm lượng vượt, có hàm lượng chưa đạt. Tại buổi họp, Tập đoàn Con Cò Vàng có đơn khiếu nại, yêu cầu đưa đi giám định lần 3 vì cho rằng việc thu mẫu chưa đúng, quá trình vận chuyển, bảo quản phân bón chưa đúng kỹ thuật. Ông Phương tiến hành họp Đoàn và thống nhất ý kiến đưa đi kiểm nghiệm lần 3.
Ngày 10/8/2016, kết quả kiểm nghiệm lần 3 tại Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cho thấy ba mẫu phân bón đạt chất lượng. Đoàn thống nhất tháo niêm phong, trả phân bón cho doanh nghiệp.
Trong thời gian dài, không có bất cứ khiếu nại nào từ nông dân, cá nhân nào về việc trả phân bón cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp bán ra thị trường gây thiệt hại, làm giảm sút năng suất lúa; hay tố cáo nào về việc Đoàn vụ lợi, làm trái quy định.
Gần ba tháng sau, ngày 5/11/2016, ông Đinh Công Hoàng, nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 2, là cấp dưới của ông Phương, có đơn tố cáo ông Phương đến Sở Công Thương vì cho rằng có sai phạm trong việc trả phân bón nêu trên. Theo lời ông Phương, trước đó ông Hoàng có sai phạm, bị kỷ luật, nên không được bổ nhiệm lại chức Đội trưởng.
Sở thành lập tổ xác minh, trong đó có ông Huỳnh Minh Trí (Phó Chánh Thanh tra Sở) là Tổ phó. Tổ xác minh cho rằng số phân bón Đoàn kiểm tra là “giả”, có dấu hiệu ông Phương “phạm tội”. Ngày 26/12/2016 Sở chuyển hồ sơ đến Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 5/6/2017, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam bị can với ông Phương và ông Thanh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hơn nửa năm sau, ngày 29/12/2017, CQĐT chuyển tội danh sang “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngày 16/1/2018 và 17/1/2018, lần lượt ông Phương và ông Thanh được tại ngoại.
Ngày 22/8/2018, TAND TP Sóc Trăng đưa vụ án ra xử sơ thẩm và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Thứ nhất, các văn bản trả lời của Bộ Công Thương cho thấy phân bón đưa đi kiểm nghiệm đạt chất lượng, nên đề nghị VKS, CQĐT cung cấp bản chính lưu vào hồ sơ, đồng thời chứng minh hậu quả thiệt hại do hành vi các bị cáo gây ra.
Thứ hai, với hành vi trả các lô phân bón, theo giám định viên, đã “gây thiệt hại vật chất và phi vật chất”. Nhưng các văn bản của Bộ Công Thương khẳng định mẫu phân bón đạt chất lượng. Nên tòa đề nghị VKS và CQĐT yêu cầu giám định viên cho ý kiến và kết luận giám định bổ sung.
Thứ ba, theo quy định, Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên được phép liên hệ với nhà sản xuất (Con Cò Vàng) thực hiện các biện pháp xử lý. Sau đó Con Cò Vàng có công văn yêu cầu thì cơ quan nào giải quyết, căn cứ pháp lý nào? Ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng các lô phân bón trên?
Hết thời hạn một tháng nhưng giám định viên thiệt hại vật chất là Phạm Thanh Sơn (Giám định viên tư pháp Sở NN & PTNT tỉnh) nghỉ hưu, và Cơ quan ANĐT cũng không gửi quyết định giám định bổ sung cho ông Sơn hoặc Sở này theo yêu cầu của toà. Bà Khưu Thị Diệu Huyền, Giám định viên tư pháp Sở Nội vụ giám định thiệt hại phi vật chất thì không hiểu vì không đưa ra kết quả giám định.
Ngày 29/9/2018, Cơ quan ANĐT ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ “Kết quả trưng cầu giám định bổ sung”. Đến ngày 18/3/2019, sau nhiều lần “đốc thúc” của Cơ quan ANĐT với lý do “báo cáo xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương” (dù các báo cáo này không có trong hồ sơ vụ án – NV), bà Huyền mới có kết luận bổ sung và giữ nguyên kết luận trước đây về thiệt hại phi vật chất. Với thiệt hại vật chất bổ sung, Cơ quan ANĐT gửi hồ sơ đi giám định tại… Tiền Giang.
“Chúng tôi vô tội”
Ngày 28/6/2019, TAND TP Sóc Trăng mở phiên xử sơ thẩm lần hai. Phiên xử kéo dài sáu ngày, nghị án thêm 7 ngày. Diễn biến phiên toà cho thấy những cáo buộc của VKS dần “teo tóp”.
Diễn biến tranh luận, xét xử cho thấy chứng cứ kết tội trong vụ án rất yếu: Hành vi của các bị cáo chỉ là sai sót hành chính, nhưng không được xử lý kỷ luật, mà “nâng tầm”, “nhảy cóc” lên hình sự; Còn có những tranh cãi về việc “hành vi trái công vụ” được hiểu là áp dụng theo Thông tư 26/2012/TT-BKHCN hay Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá? Chưa chứng minh rõ ràng động cơ vụ lợi, cá nhân các bị cáo là gì? Thẩm quyền điều tra vụ án không thuộc Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng; Kết luận giám định tư pháp về các thiệt hại vật chất, phi vật chất còn chưa thuyết phục; Chưa giám định độc lập để kết luận phân bón trong vụ việc là thật hay giả nhưng đã cáo buộc; Chưa rõ việc xin ý kiến liên ngành tư pháp TW ra sao; Thời điểm năm 2016, không có nông dân nào khiếu nại hoặc phản ánh có thiệt hại, sao cho rằng có thiệt hại? VKS cho biết hiện vụ án không còn vật chứng, không có kết luận phân bón thật hay giả, vậy xử sao? Cùng vụ việc này, Công an TP HCM thận trọng không khởi tố vụ án, sao cơ quan tố tụng Sóc Trăng lại “quyết liệt” như vậy?
Ngoài ra, trong phần tranh luận, LS Nguyễn Văn Đức nói rằng: “Việc Cơ quan ANĐT đưa đi giám định bổ sung thiệt hại vật chất ở tỉnh Tiền Giang thay ông Sơn và Sở NN&PTNT Sóc Trăng là trái luật. Vì luật quy định rất rõ việc giám định bổ sung phải do chính giám định viên đã giám định trước đây thực hiện. Nếu giám định viên không còn tư cách giám định thì Sở NN&PTNT Sóc Trăng cử giám định viên khác hoặc có văn bản trả lời. Nhưng Cơ quan ANĐT không gửi quyết định giám định bổ sung cho ông Sơn, cho Sở này mà tự ý đi trưng cầu giám định nơi khác, là sai. Đây là mấu chốt của phiên toà vì trước đây toà trả hồ sơ có lý do này”.
Trao đổi trước phần tuyên án, ông Phương và ông Thanh một lần nữa khẳng định bị oan. Ông Phương nói: “Tôi hoàn toàn không tư lợi, không có bất cứ động cơ nào, không cố ý làm sai. Tôi chỉ nghĩ có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì áp dụng để tránh khiếu nại kéo dài, doanh nghiệp “tâm phục khẩu phục”. Sai sót của tôi chỉ là hành chính. Chúng tôi vô tội. Tôi mong toà xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ, tuyên tôi không phạm tội”.
Ông Thanh chia sẻ: “Những thiếu sót của tôi chỉ là hành chính, không phải tội phạm. Tôi công tác nhiều năm, chưa từng bị kỷ luật gì, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cho rằng một số người đã khởi tố, bắt giam, nên nay “né” oan sai, cứ cố buộc tội. Tôi khẳng định mình bị oan. Mong toà có phán xét công bằng cho tôi”.