Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Yên (CQĐT) và Cáo trạng của VKSND huyện Hàm Yên, vào trưa 23/7/2019, lái xe Ma Văn Lâm điều khiển xe ô tô đầu kéo, kéo rơ-moóc lưu thông trên quốc lộ 2 (theo hướng Hà Giang - Tuyên Quang). Đến Km 47+780 quốc lộ 2 (địa bàn xã Yên Phú, huyện Hàm Yên), Lâm phát hiện xe ô tô khách (do ông Quảng Đức Hùng điều khiển, chở 19 người do Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng tổ chức đi thiện nguyện tại Hà Giang) lưu thông theo hướng ngược chiều nên đã phanh xe và đánh lái sang phải để tránh.
Tuy nhiên, do Lâm điều khiểu xe đi với tốc độ 61-65km/h, không phù hợp với điều kiện đoạn đường quanh co, trời mưa, mặt đường trơn trượt nên đã để phần rơ-moóc văng sang phần đường ngược chiều, gây va chạm với xe khách do ông Hùng điều khiển.
Sau đó, xe khách đã đâm vào hàng hộ lan bằng kim loại bên phải đường theo chiều đi và đâm tiếp sang ta luy dương bên trái đường. Vụ tai nạn khiến 3 người trên xe khách tử vong và một số người khác bị thương (trong đó ông Hùng tổn hại 79% sức khỏe).
KLĐT xác định ông Hùng điều khiển xe khách chở không quá số người quy định, đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho phép (37km/h) nên không có lỗi trong vụ án này.
Với diễn biến trên, lái xe Lâm đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù).
Trước quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Quý Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Lâm) cho rằng, để đảm bảo đánh giá khách quan về vi phạm của bị cáo Lâm thì cần phải xác định lỗi có hoàn toàn thuộc về bị cáo này hay không, tức là phải xác định ông Quản Đức Hùng (lái xe khách) có một phần lỗi hay không? Tuy nhiên, CQĐT đã không làm rõ nội dung này.
Đơn cử, hồ sơ vụ án không có kết quả kiểm tra nồng độ cồn cũng như các chất kích thích khác của ông Hùng sau khi xảy ra tai nạn (dù Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định rõ “người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tai nạn giao thông được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được bác sỹ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu”).
Ngoài ra, hồ sơ cũng không có lời khai của chủ sở hữu xe khách (người cho Cty Thiên Đức thuê xe) nhằm làm rõ các tình trạng pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng phương tiện cũng như tình trạng kỹ thuật an toàn của phương tiện.
Ngoài nội dung trên, Luật sư Long còn cho rằng, trong vụ án này, CQĐT có thiếu sót khi không tìm hiểu về lịch trình trước đó của xe khách cũng như tình trạng sức khỏe của ông Hùng ra sao. Lời khai thể hiện xe khách xuất phát từ Hải Phòng lúc khoảng 6h sáng và đến quán cơm ăn trưa lúc 12h ngày 23/7/2019 (tức là ông Hùng đã lái xe 6 tiếng liên tục, vi phạm Luật Giao thông đường bộ).
Dù ông Hùng đã có thời gian nghỉ ăn trưa nhưng theo Luật sư Long thì cần phải có đánh giá về việc lái xe liên tục 6 tiếng như trên có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của lái xe và có tiềm ẩn nguy hiểm hay không? Đồng thời, cũng cần làm rõ việc ông Hùng đã ký hợp đồng lao động với Cty Thiên Đức như thế nào? Được tập huấn về nghiệp vụ lái xe khách ra sao? Có được khám sức khỏe định kỳ hay không?
Tại CQĐT, ông Hùng cho biết: “Tôi điều khiển xe đi đúng phần đường bên phải theo chiều đi vào cua trái theo chiều đi. Lúc đó tôi thấy ở phía ngược chiều có một xe ô tô đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi về phía tôi. Tôi vẫn điều khiển xe đi đúng phần đường và hơi tránh về bên phải. Tôi thấy xe đầu kéo đi nhanh và lấn phần đường của tôi… Phần đầu kéo trở về phần đường bên phải theo chiều đi của xe đầu kéo, phần phía sau rơ-moóc vẫn ở phần đường của tôi. Lúc này khoảng cách đã rất gần, bên phải chỗ lề đường là hàng tôn hộ lan bằng kim loại tôi không thể tránh được nữa nên phần phía sau rơ-moóc va vào phần đầu xe bên trái…”.
Với lời khai trên, cộng với việc hiện trường vụ tai nạn cho thấy không có dấu vết phanh của xe khách, Luật sư Long đặt vấn đề “khi phát hiện xe đối diện lấn đường, tại sao ông Hùng không sử dụng phanh để giảm tốc độ tối đa và có thể dừng lại một cách an toàn”?. Hơn nữa, hiện trường cho thấy tại vị trí va chạm thì xe khách vẫn còn cách hàng tôn hộ lan gần 1m chứ không đến nỗi xe khách bị “kẹt cứng”, không còn chỗ để đánh lái sang bên phải nữa.
Để đánh giá đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ một cách khách quan, đầy đủ, Luật sư Long cho rằng cần phải tiến hành điều tra bổ sung để khẳng định rõ có hay không lỗi của lái xe khách về các nội dung nêu trên.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ án.
Ngoài ra, Hợp đồng thuê xe vận chuyển (lệnh điều xe) ngày 19/7/2019 đã không ghi cụ thể danh sách những người cần vận chuyển và thiếu nhiều nội dung cơ bản khác, vi phạm Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ)
Theo Thông tư này thì điều kiện để kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách là: có phù hiệu; có hợp đồng dịch vụ vận chuyển lệnh điều chuyển xe và lái xe phải được ký hợp đồng, được tập huấn về vận tải, được kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của LS thì Cty Thiên Đức không chấp hành đầy đủ các nội dung trên, có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: không ký hợp đồng lao động với ông Hùng; không có tập huấn về vận tải hành khách cho ông Hùng; Không kiểm tra, kiểm soát được về tình trạng sức khỏe của ông Hùng; không giao xe cho lái xe trước để có đủ thời gian kiểm tra an toàn trước khi khởi hành.