Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định rõ, bị can được quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Theo quy định này thì có thể hiểu, việc bị can thay đổi lời khai hoặc khai mâu thuẫn với bị can khác (thậm chí là giữ im lặng) là quyền của bị can chứ không thể coi đây là hành vi “cản trở, gây khó khăn” cho điều tra, để lấy làm căn cứ bắt tạm giam.
Trong vụ án này, Nhân đã không có hành vi “cản trở điều tra”, mà bị can này còn chưa bị áp dụng biện pháp giám sát, ngăn chặn (quy định khoản 1 Điều 419 BLTTHS) nhưng vẫn bị bắt tạm giam.
Hai điều kiện cần và đủ để tạm giam đều không có
Tại Văn bản trả lời Báo PLVN số 594/VKS-P1 ngày 3/12/2019, VKSND Bình Phước cho biết: “Bị can Nhân sinh ngày 2/12/2002 nhưng phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Quá trình làm việc tại Cơ quan điều tra (CQĐT), ban đầu bị can khai báo đúng sự thật nhưng sau đó thay đổi lời khai, gây khó khăn cho quá trình điều tra và khó khăn cho việc chứng minh hành vi phạm tội của các đồng phạm khác trong vụ án nên Công an huyện Phú Riềng áp dụng biện pháp tạm giam với bị can Nhân là có căn cứ, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 và khoản 3 Điều 419 BLTTHS”.
Quan điểm của CQĐT Công an tỉnh Bình Phước và VKSND tỉnh Bình Phước trong vụ án này bị cho là chưa đúng pháp luật |
Một luật sư cho biết, trả lời như trên, VKSND Bình Phước đã “quên” rằng, ngay tại khoản 1 Điều 419 đã quy định rõ: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”.
Cụ thể hóa quy định trên, Điều 12 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi quy định: “Trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 123, Điều 124 BLTTHS.
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS”.
Đối chiếu với vụ án này, có thể thấy CQĐT đã có hai dấu hiệu vi phạm liên tiếp khi bắt tạm giam Nhân. Đó là Nhân chưa bị áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh và Nhân không có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS.
Không được tạm giam để thay thế biện pháp điều tra
Lý giải việc bắt giam Nhân, VKSND Bình Phước trích dẫn quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 và khoản 3 Điều 419 BLTTHS.
Luật sư cho rằng có thể thấy cả hai căn cứ này là không chính xác bởi Điều 119 BLTTHS là quy định áp dụng cho các bị can, bị cáo nói chung. Trong vụ án này, Nhân dưới 18 tuổi nên cần phải thực hiện theo các điều luật tại chương 28 BLHS (thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi).
Còn khoản 3 Điều 419 BLTTHS quy định về việc có thể tạm giam người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nếu có một số điều kiện nhất định. Như vậy, đây là quy định “tùy nghi”, tức là dù có các điều kiện này thì việc “tạm giam” có thể được áp dụng, hoặc cũng có thể không cần áp dụng. Nhưng khi đã áp dụng tạm giam thì buộc phải tuân thủ thêm các quy định khác (trong đó có quy định ngay tại khoản 1 Điều 419).
Liên quan việc áp dụng biện pháp tạm giam với bị can, bị cáo nói chung, mục 19 Công văn số 5024/VKSTC-V14 (19/11/2018) của VKSND Tối cao đã nêu rõ “việc các bị can không khai báo, không nhận các quyết định tố tụng của CQĐT không thuộc các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS cũng như các điểm khác tại Điều luật này, do đó, không thể áp dụng biện pháp tạm giam với bị can trong trường hợp này.
Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được tạm giam để phục vụ, thay thế cho biện pháp điều tra nếu không có căn cứ áp dụng, kể cả bị can phạm các tội xâm phạm sở hữu, ma túy...”.
Theo văn bản trên, VKSND Tối cao đã quán triệt rõ việc “không được tạm giam để phục vụ, thay thế cho biện pháp điều tra nếu không có căn cứ áp dụng”. Nhưng trong vụ án này, dường như việc tạm giam đã được áp dụng như một biện pháp để chống bị can “thay đổi lời khai” trong khi việc khai báo như thế nào là quyền của bị can.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị Công an huyện Phú Riềng báo cáo
Ngày 25/11/2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước có văn bản (do ông Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn ký), gửi Trưởng Công an huyện Phú Riềng với nội dung: “Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được một số ý kiến, kiến nghị của cử tri và phóng viên Báo PLVN liên quan vụ hỗn chiến tại xã Long Bình, huyện Phú Riềng giữa các đối tượng Chu Văn Hùng, Lê Thùy Anh. Vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Riềng khởi tố vụ án và bắt tạm giam các đối tượng. Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc điều tra, bắt giữ các đối tượng trong vụ án là thiếu khách quan và trái quy định pháp luật”.
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Nghị quyết số 228/NQ-UBTVQH 10 ngày 15/11/1999 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để có cơ sở tiếp thu, giải trình cho cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Công an huyện Phú Riềng báo cáo Kết quả vụ việc để Đoàn ĐBQH tỉnh có cơ sở thông báo cho cử tri được biết.