Vụ thẩm phán ra bản án trái luật ở Thanh Sơn: Thông báo không kháng nghị căn cứ vào bản án vi phạm pháp luật?

(PLO) - “Vợ chồng tôi thực sự thất vọng sau khi nhận được Thông báo số 535/TB-TANDCC-DS ngày 30/8/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của vợ chồng tôi đối với Bản án dân sự số 11/2014 ngày 28/4/2014 của TAND huyện Thanh Sơn”, bà Hằng gạt nước mắt nói trong sự uất ức.
Bà Hằng nói bản thân thất vọng khi nhận được thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội
Bà Hằng nói bản thân thất vọng khi nhận được thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội

Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Bà Phan Thị Bích Hằng và chồng là ông Phùng Thụy Sỹ (trú tại khu Tân Hương, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết: Thông báo 535 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã dựa vào chính bản án trái pháp luật mà vợ chồng bà đang tố cáo để không kháng nghị giám đốc thẩm để hủy toàn bộ Bản án dân sự số 11/2014 ngày 28/4/2014 của TAND huyện Thanh Sơn là không đúng quy định của pháp luật, không bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân...

Được biết, tháng 11/2017, vợ chồng bà Hằng đã có đơn tố cáo về hành vi ra bản án trái pháp luật đối với ông Tạ Văn Thành - Thẩm phán TAND huyện Thanh Sơn gửi TAND tỉnh Phú Thọ yêu cầu giải quyết và xem xét lại đối với bản án này.

Ngày 5/1/2018, TAND tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 24/2018/TA-TLĐ với nội dung: “Sau khi xem xét hồ sơ vụ án nhận thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ngày 29/12/2017 Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy toàn bộ Bản án số 11/2014 ngày 28/4/2014 của TAND huyện Thanh Sơn để giải quyết lại theo thủ tục chung”.

Vợ chồng bà Hằng cũng đã có đơn gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội và TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị các cơ quan căn cứ Công văn số 24 của TAND tỉnh Phú Thọ; căn cứ hồ sơ thế chấp; căn cứ vào hai bản án của TAND huyện Thanh Sơn có nội dung hoàn toàn khác nhau; căn cứ nội dung tố cáo đối với Thẩm phán Tạ Văn Thành để kháng nghị giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án của TAND huyện Thanh Sơn.

Theo đó, ngày 31/7/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV đã có văn bản đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo bằng văn bản đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Tuy nhiên, ngày 30/8/2018, vợ chồng bà Hằng cho biết đã vô cùng thất vọng khi nhận được Thông báo số 535/TB-TANDCC-DS của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự số 11/2014 ngày 28/4/2014 của TAND huyện Thanh Sơn khi cho rằng: “Tài sản đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M099694 diện tích 168m2 số thửa 139, tờ bản đồ số 13A do UBND huyện Thanh Sơn cấp ngày 6/8/1998 và tài sản gắn liền với đất là nhà xây cấp 4 kèm công trình phụ diện tích 70m2 tại khu Tân Hương, Thanh Sơn, Phú Thọ theo hợp đồng thế chấp.

Quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V619593 diện tích 122m2, số thửa 130, tờ bản đồ số 13A do UBND huyện Thanh Sơn cấp ngày 16/5/2003 và tài sản gắn liền trên đất là nhà xây hai tầng kèm công trình phụ diện tích 150m2 tại khu Tân Hương, Thanh Sơn, Phú Thọ”.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã dựa vào chính bản án mà vợ chồng bà đang tố cáo vì được Thẩm phán Tạ Văn Thành ban hành trái pháp luật để nhận định là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi trên thực tế, quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M099694 diện tích 168m2 số thửa 139, tờ bản đồ số 13A do UBND huyện Thanh Sơn cấp ngày 06/08/1998 và tài sản gắn liền với đất không phải là nhà xây cấp 4 kèm công trình phụ diện tích 70m2 mà là nhà xây hai tầng kèm công trình phụ diện tích 150m2.

Còn quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V619593 diện tích 122m2, số thửa 130, tờ bản đồ số 13A do UBND huyện Thanh Sơn cấp ngày 16/5/2003 và tài sản gắn liền trên đất không phải là nhà xây hai tầng kèm công trình phụ diện tích 150m2 mà là nhà xây cấp 4.

Như vậy, tài sản trên đất đã bị bản án mà bà Hằng cho là trái pháp luật làm thay đổi về tài sản đã dẫn đến việc thi hành án sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình bà Hằng. “TAND Cấp cao tại Hà Nội đã không xem xét đối chiếu hai bản án sơ thẩm tôi đã nộp kèm theo đơn đề nghị, mà chỉ xem xét nội dung bản án có đóng dấu “Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thanh Sơn – Văn bản đến” và bản án này đang bị vợ chồng tôi tố cáo có nội dung trái pháp luật, vì cùng một vụ việc nhưng Thẩm phán Tạ Văn Thành đã ra hai bản án có nội dung khác nhau”, bà Hằng nói.

Đẩy thiệt hại cho người dân?

Cần nhắc lại, vợ chồng bà Hằng tố cáo Thẩm phán Tạ Văn Thành đã ban hành hai bản án của một vụ án, có cùng ngày tháng năm, cùng số nhưng khác nội dung và Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy toàn bộ Bản án số 11/2014 ngày 28/4/2014 của TAND huyện Thanh Sơn để giải quyết lại theo thủ tục chung.

Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại Hà Nội lại căn cứ vào chính nội dung bản án đang bị tố cáo để trả lời không có căn cứ kháng nghị phải chăng là bao che cho cái sai, tắc trách, đẩy sự thiệt hại cho người dân phải gánh chịu? 

Theo bà Hằng, nội dung bản án bị thay đổi đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà, hậu quả dẫn đến việc Chi cục THADS huyện Thanh Sơn đã tổ chức cưỡng chế THA không đúng với tài sản đảm bảo như mô tả trong hợp đồng thế chấp, không đúng với nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật mà vợ chồng bà được TAND huyện Thanh Sơn giao nhận. Diện tích đất bị cưỡng chế THA lớn hơn nhiều so với diện tích đất thế chấp; tài sản trên đất không phải là tài sản theo như bản án đã tuyên cũng bị phá hủy không còn dấu vết.

Nhận định về vụ án trên, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Việc TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, sau khi Bản án sơ thẩm số 11/2014/DS-ST ngày 28/8/2014 có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn giám đốc thẩm ông Sỹ, bà Hằng không có đơn đề nghị. Ngày 29/12/2017, TAND tỉnh Phú Thọ có công văn kiến nghị cùng đơn đề nghị của ông Sỹ, bà Hằng được gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội khi đã hết hạn giám đốc thẩm theo quy định. Đây là nhận định không khách quan, chưa xem xét, áp dụng các quy định pháp luật tố tụng dân sự.

Luật sư cho rằng nhận định của TAND Cấp cao tại Hà Nội như trên là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) vì: Đến thời điểm THA tháng 10/2017, vợ chồng bà Hằng mới phát hiện bản án mà Chi cục THADS huyện Thanh Sơn sử dụng để cưỡng chế THA có nội dung hoàn toàn khác nhau về tài sản trên đất và khác so với tài sản được ghi nhận trong hợp đồng thế chấp và có nội dung trái pháp luật đối với bản án mà vợ chồng bà nhận được của TAND huyện Thanh Sơn. Ngay lập tức vợ chồng bà Hằng đã làm đơn tố cáo đối với Thẩm phán Tạ Văn Thành và có đơn đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét hủy bản án trái pháp luật đang được Chi cục THADS huyện Thanh Sơn sử dụng. Sau khi xem xét, ngày 5/1/2018, TAND tỉnh Phú Thọ đã có công văn đề nghị hủy bản án để giải quyết lại theo thủ tục chung.

“Theo quy định tại Điều 334 BLTTDS 2015 thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 2 năm trong trường hợp bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy thời hạn xem xét kháng nghị sẽ là 5 năm, tính từ năm 2014 đến nay mới là 4 năm, vẫn còn thời hạn để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm”.

“Ngoài ra, nếu không áp dụng Điều 334 BLTTDS để xem xét giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội có thể căn cứ Điều 352 BLTTDS 2015 để xem xét lại bản án theo trình tự tái thẩm do mới phát hiện được tình tiết quan trọng trong vụ án mà đương sự đã không thể biết được, vì thẩm phán cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, cố ý kết luận trái pháp luật”, Luật sư Thành phân tích.

Bên cạnh đó, bản án mà vợ chồng bà Hằng nhận được Thẩm phán Tạ Văn Thành đã tuyên đúng theo hồ sơ thế chấp và đúng theo thực tế tài sản thế chấp, nên vợ chồng bà Hằng đã không kháng cáo. Chỉ đến khi quá trình cưỡng chế THA, vợ chồng bà Hằng mới phát hiện bản án mà Chi cục THADS huyện Thanh Sơn dùng để THA có nội dung về tài sản hoàn toàn khác so với bản án mà chồng bà có trong tay. Và khi đó vợ chồng bà Hằng mới có cơ sở để tố cáo, đề nghị hủy bản án trái pháp luật…

Được biết, vợ chồng bà Hằng đã có đơn đề nghị Chánh án TANDTC, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại hồ sơ, đối chiếu nội dung hai bản án, xem xét lại tài sản được ghi nhận tại hợp đồng thế chấp để huỷ Thông báo số 535/TB-TAND CC-DS và ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy Bản án sơ thẩm số 11/2014/DS-ST của TAND huyện Thanh Sơn để xét xử lại theo thủ tục chung. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.

Đọc thêm