Vụ thu hồi 2,5 triệu Galaxy Note 7, nhìn lại văn hóa của Sam Sung 22 năm về trước

(PLO) - Câu chuyện về các thiết bị điện tử hỏng hóc, phát nổ, gây nguy hại cho người dùng trong quá trình sử dụng, không phải đến Galaxy Note 7 mới dấy lên một hồi chuông ầm ĩ. Cũng không phải đây là rủi ro duy nhất hay lần đầu tiên mà Samsung gặp phải. Có một câu chuyện “rùm beng” như thế, từng xảy ra cách đây 22 năm.
Giám đốc kinh doanh mảng thiết bị di động của Samsung Koh Dong-jin xin lỗi tại buổi họp báo. (Nguồn: CNNMoney)
Giám đốc kinh doanh mảng thiết bị di động của Samsung Koh Dong-jin xin lỗi tại buổi họp báo. (Nguồn: CNNMoney)

Lịch sử lại lặp lại câu chuyện của 22 năm trước, mà theo báo cáo của Korea Herald, những hậu quả nặng nề nhất đến từ các sản phẩm kém chất lượng mà Samsung sản xuất ra đã khiến cho doanh nghiệp này bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, “ba ngôi sao” đang lên này (trong tiếng Hàn – chữ Samsung có nghĩa là 3 ngôi sao) trở thành một trong những nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới chỉ sau Intel.

Và cũng vào thời điểm đó, Samsung đối mặt với những hậu quả từ các sản phẩm làm ra ẩu thả và kém chất lượng. Công nhân trong nhà máy còn phải dùng dao để cắt, cạo đi các linh kiện nhựa còn thừa, đến nỗi những linh kiện nhựa thừa đó có thể ráp nối vừa vào linh kiện của những chiếc máy giặt khác.

Chứng kiến quy trình sản xuất và lắp ráp ấy, Chủ tịch Lee Kun Hee đã lên tiếng chỉ trích rất nặng nề đối với các giám đốc điều hành, bộ máy nhân viên và kêu gọi một cuộc cách mạng thay đổi về chính sách. Đến nỗi chính sách đó, chân lý đó có lẽ còn theo Samsung đến muôn đời với câu nói bất hủ “Chúng ta phải thay đổi mọi thứ, trừ vợ con” (“change everything but your wife and kids.”). 

Đã có những thay đổi trong lề lối làm việc tại tập đoàn Samsung bắt đầu từ câu nói ấy. Nhưng có lẽ phải đợi đến năm 1994, sau cuộc triệu hồi số lượng lớn và trên diện rộng 150.000 điện thoại – dù là mẫu điện thoại không dây đầu tiên và là mẫu điện thoại được đánh giá là có tính cách mạng trên toàn cầu, thì với tỉ lệ lỗi lên đến 11%, Samsung không còn cách nào khác là phải thu hồi và trực tiếp phá hủy những sản phẩm đó trước mặt 2000 công nhân của công ty thời bấy giờ. 

Bài học đắt giá có giá khoảng 5 tỷ won lúc đó đã thực sự làm thức tỉnh ý thức và tác phong làm việc của Samsung. Để rồi sau đó chưa đầy một năm, Samsung trở thành nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) đầu tiên và dần trở thành nhà sản xuất màn hình hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới 10 năm sau đó. 

Và với đợt thu hồi 2,5 triệu Galaxy Note 7 lần này – mà đáng ra đây phải là dịp bứt phá ngoạn mục của Samsung như Tập đoàn này vẫn hằng tin tưởng trước mong muốn trở thành quán quân chinh phục thị trường điện thoại di động, vượt xa cả Iphone, thì có thể nói đây là rủi ro và tổn thất khá nặng mà Samsung phải đối mặt.

Chưa bàn đến con số thiệt hại, nhưng trước mắt, có thể thấy động thái triệu hồi này của Samsung, ông chủ của tập đoàn vẫn luôn ở vị thế đầu tàu trong tuân thủ nguyên tắc của văn hóa doanh nghiệp mình “Chúng ta phải thay đổi mọi thứ, trừ vợ con”