Tuy nhiên, Tòa cấp phúc thẩm cũng đã khẳng định tài xế xe container có dấu hiệu phạm tội “vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ” nên kiến nghị CQĐT và VKSND các cấp tiếp tục xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người này.
Tài xế chạy quá tốc độ “vô can”
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 6h sáng ngày 14/11/2013, Nguyễn Trọng Thơm (SN 1986, trú tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đi xe mô tô từ TP Bắc Giang, theo quốc lộ 1A mới về huyện Việt Yên, Bắc Giang. Khi đi đến km số 131+130m, thuộc địa phận xã Quang Châu (huyện Việt Yên), Thơm điều khiển xe mô tô chuyển hướng rẽ sang bên trái đường trái phép (do có vạch vàng liền, cấm phương tiện được rẽ) để vào khu công nghiệp Quang Châu.
Do Thơm rẽ đột ngột nên xe máy do anh Đỗ Mạnh Quất (SN 1987, ở Nghĩa Trung, Việt Yên) điều khiển chở anh Đỗ Mạnh Tuyên (là anh trai) đi cùng chiều đã đâm vào bên trái xe máy của Thơm. Sau va chạm trên, cả 2 xe máy trên đều bị đổ và văng ra đường. Xe máy của anh Quất đổ sang bên trái đường (phần đường của xe ngược chiều). Cùng lúc đó xe ô tô BKS 15C 060.71 kéo theo rơmooc BKS 15R 02.145 do Trần Huy Đồng (SN 1974, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, lái xe của Cty TNHH TSC) chạy quá tốc độ cho phép (từ 61 – 66km/h), đè lên người anh Tuyên và anh Quất khiến 2 anh em tử vong tại chỗ.
Sau đó, CQĐT Công an huyện Việt Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Thơm về tội “vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, trước việc CQĐT không khởi tố đối với lái xe Trần Huy Đồng (cho rằng người này điều khiển xe đè chết người là “sự kiện bất ngờ”), gia đình bị hại đã rất bức xúc cho rằng đã có việc bỏ lọt tội phạm.
Xét xử phúc thẩm (lần 1) đối với bị cáo Nguyễn Trọng Thơm, TAND tỉnh Bắc Giang đã quyết định hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số nội dung, trong đó có việc lái xe Đồng có dấu hiệu của tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
CQĐT và VKS “khoanh tay”, Tòa “đành” xử 1 bị cáo
Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, CQĐT công an huyện Việt Yên và VKSND huyện Việt Yên vẫn không khởi tố lái xe Trần Huy Đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 7/2017, TAND huyện Việt Yên đã xử phạt bị cáo Thơm 4 năm tù.
Trong khi đó, đại diện gia đình bị hại nhiều lần có ý kiến cho rằng, vụ án điều tra không đầy đủ, vi phạm thủ tục tố tụng. Ngoài ra, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng khẳng định, việc xác định lái xe Trần Huy Đồng gặp “sự kiện bất ngờ” là không đúng vì ngoài lỗi của bị cáo Thơm thì hậu quả chết người trong vụ án này còn là do xe container chạy quá tốc độ, lái xe không xử lý kịp tình huống. Nếu đi đúng tốc độ trong trường hợp này thì có thể xe container đã dừng một cách an toàn và không chèn qua 2 nạn nhân.
Tại bản án phúc thẩm lần 2 hồi cuối tháng 11/2018, HĐXX nhận định: “Về hành vi của lái xe Trần Huy Đồng, HĐXX phúc thẩm lần 1 đã hủy án và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự anh Đồng. Cấp sơ thẩm đã điều tra lại và không truy cứu TNHS anh Đồng. TAND huyện Việt Yên đã trả hồ sơ để điều tra xem xét TNHS của anh Đồng nhưng CQĐT, VKS không xử lý… HĐXX thấy nếu hủy án sơ thẩm để xem xét trách nhiệm hình sự anh Đồng mà CQĐT, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm thì không giải quyết được triệt để vụ án đối với bị cáo Thơm. Vụ án sẽ bị kéo dài không đảm bảo việc thì hành án… Chính vì vậy, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm (tuyên 4 năm tù đối với bị cáo Thơm).
Tuy nhiên, qua các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX phúc thẩm (lần) 2 thấy hành vi của Trần Huy Đồng có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, cần phải xử lý trách nhiệm hình sự. Do đó, HĐXX kiến nghị CQĐT, VKSND các cấp tiếp tục xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Đồng.
Tuy HĐXX phúc thẩm đã có kiến nghị như trên nhưng theo gia đình bị hại thì đã 5 tháng trôi qua, việc xem xét TNHS của lái xe Trần Huy Đồng vẫn “án binh bất động”. Việc CQĐT Công an huyện Việt Yên tiếp tục giải quyết vụ án này sẽ không đảm bảo khách quan vì Điều tra viên (ĐTV) là ông Thân Trọng Huân đã từng mắc nhiều sai phạm.
Đơn cử, ngay chiều ngày 14/11/2013, ĐTV chỉ khám nghiệm đầu kéo, không khám nghiệm dấu vết của xe sơ mi rơ mooc (một bộ phận đi liền với xe trên), không ghi lại các dấu vết trên rơ mooc, lập biên bản khám nghiệm xe sơ sài. Đến 17h45 phút cùng ngày, ông Huân đã lập biên bản trả rơ-mooc cho đại diện chủ phương tiện trong khi chưa có quyết định xử lý vật chứng của Thủ trưởng CQĐT theo quy định.
Tiếp đó, chiều 25/11/2013, ĐTV Huân trả tiếp đầu kéo. Do việc trả phương tiện vội vàng trên (trước khi khởi tố vụ án) nên việc xác minh, thu thập chứng cứ đã không được rõ ràng, đầy đủ, toàn diện. Tại phiên tòa phúc thẩm (lần 2), chính Kiểm sát viên đã phải đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố lại do có vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng.
Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án có Biên bản họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng huyện Việt Yên để thống nhất những nội dung cơ bản của vụ án. Điều này là vi phạm tố tụng và còn ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập, đến việc xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cần rút hồ sơ, tiến hành điều tra giai đoạn 2 để đảm bảo khách quan, xử lý đúng người đúng tội và không lọt tội phạm.
Cùng với đề nghị trên, gia đình bị hại còn đề nghị xem xét trách nhiệm của những cán bộ có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.