Vụ tranh chấp di sản thừa kế ở Lâm Đồng: Vì sao nguyên đơn đề nghị giám đốc thẩm?

(PLVN) - Sau quyết định tại Bản án số 358/2018/DS-TP ngày 23/11/2018 của TAND Cấp cao tại TP HCM, chị Nguyễn Thụy Hạnh Đan (ngụ phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cùng một số người cho rằng, quyền lợi của những người thừa kế theo di chúc của bố chị Đan đã bị xâm phạm nghiêm trọng. 
Nhà đất số 35, đường Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt
Nhà đất số 35, đường Trần Bình Trọng, phường 5, TP Đà Lạt

Nội dung vụ án

Chị Đan cho biết, bố chị là cụ Nguyễn Văn Sửu (tên gọi khác Nguyễn Thái Cương, mất năm 2003), có các người vợ là bà Dương Thị Thanh Đức (SN 1935), con chung là chị Nguyễn Thị Mai Khanh; bà Tăng Thị Lợi (SN 1942), con chung là chị Nguyễn Thụy Hạnh Đan (SN 1973); và bà Tăng Thị Đông (SN 1954), con chung là Nguyễn Tăng Uyên Thy (SN 1992). Cụ Sửu còn có người con tên là Dassé Jean Luois nhưng đã bị tòa án tuyên bố mất tích. 

Ngày 12/11/1991, cụ Sửu lập di chúc tại Phòng Công chứng số 1 TP HCM với nội dung: Chia nhà đất số 35, đường Trần Bình Trọng, phường 5, Đà Lạt thành 5 phần, cho em ruột là cụ Nguyễn Văn Mão (SN 1939), các con là Khanh, Đan và anh Dassé Jean Luois, phần còn lại làm từ thiện. 

Nguồn gốc nhà đất số 35 đường Trần Bình Trọng là tài sản riêng của cụ Sửu từ năm 1972. Sau 1975, cụ Sửu phải rời địa phương một thời gian nên nhà đất này được Nhà nước quản lý. Năm 1989, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định trao trả lại cho cụ Sửu. Nhà đất của cụ Sửu đã có trước khi kết hôn với bà Đông năm 1992. Năm 2003 cụ Sửu chết, những người được thừa kế theo di chúc yêu cầu bà Đông trao trả tài sản nhưng bà Đông không đồng ý. 

Sau đó, ông Mão (ủy quyền cho chị Đan), chị Đan, chị Khanh kiện bà Đông ra tòa. Ngày 23 và 24/5/2016, TAND Lâm Đồng đưa vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà đất và đòi bồi thường thiệt hại” ra xét xử. 

Tòa quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Mão, chị Đan, chị Khanh. Xác định nhà và quyền sử dụng đất diện tích 1578m2 tại số nhà 35 trị giá hơn 13,3 tỷ là tài sản chung của cụ Sửu, bà Đông, bà Lợi, bà Đức. Trong đó phần di sản của cụ Sửu 50%, phần bà Đông 20%, phần bà Đức 15%, phần bà Lợi 15% trị giá. Hủy “sổ đỏ” số AC 140589 do UBND Đà Lạt cấp cho bà Đông, cụ Sửu…

Do có nhu cầu nhận tài sản là hiện vật nên tòa giao chị Đan, chị Khanh 461,79m2 nhà đất số 35. Tòa giao phần đất còn lại 1116,44m2 cho bà Đông và buộc bà này phải thanh toán cho ông Mão kỷ phần di sản được nhận và tiền để làm từ thiện (theo di chúc của cụ Sửu) gần 1,8 tỷ đồng; chị Thy hơn 742 triệu đồng; bà Đức hơn 2,7 tỷ đồng; anh Dassé Jean Luois hơn 891 triệu đồng (do chị Đan quản lý)… Bà Đông kháng cáo bản án. 

Dùng định giá nhà, đất từ 5 năm trước để phân chia?

Ngày 23/11/2018, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm. Tại Bản án số 358/2018/DS-PT nhận định: “Từ năm 1975, nhà đất 35 đã được Nhà nước quản lý theo diện nhà cải tạo thì bắt đầu thời điểm này căn nhà trên không còn của cụ Sửu nữa. Đến năm 1989 được giao trả lại, lúc này quyền sở hữu nhà của cụ Sửu mới được xác lập”…

Cấp phúc thẩm xác định nhà đất trên cụ Sửu và bà Đông mỗi người có quyền sử dụng 50% giá trị, và quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Khanh, ông Mão, chị Đan. Xác định căn nhà và diện tích đất 1.578m2 trị giá hơn 13,3 tỷ đồng là tài sản chung của cụ Sửu và bà Đông. Trong đó phần di sản của cụ Sửu 50% trị giá, phần của bà Đông 50%. Bà Đông được sở hữu nhà và có nghĩa vụ thanh toán  kỷ phần thừa kế cho chị Thy, bà Đức mỗi người hơn 742 triệu đồng; chị Đan, chị Khanh, anh Dassé Jean Luois mỗi người hơn 891 triệu; ông Mão gần 1,8 tỷ đồng (trong đó gồm kỷ phần theo di chúc làm từ thiện)…

Bản án không được sự đồng tình của các nguyên đơn. Chị Đan cho rằng: “Khi bố tôi phải rời khỏi địa phương một thời gian, Nhà nước chỉ quản lý để tránh tình trạng nhà vô chủ, tránh bị người khác lấn chiếm, tránh gây tranh chấp về sau; chứ không phải diện thu hồi, bồi thường. Đây là tài sản riêng của bố tôi và trước khi lấy bà Đông, bố tôi đã có di chúc...”. 

Một vấn đề khác khiến các nguyên đơn bức xúc là tòa cấp cao đã sử dụng kết quả định giá nhà, đất từ năm 2013 để phân chia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nhận di sản được quy đổi thành tiền. Trong phiên tòa, phía nguyên đơn đề nghị định giá lại tài sản nhưng đề nghị không được HĐXX chấp nhận. 

Hiện chị Đan và người đại diện cho ông Mão đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án của TAND cấp cao tại TP.HCM. 

Đọc thêm