Ông Võ Ngọc Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cam Ranh cho biết, lý do mà doanh nghiệp đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án là việc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã vi phạm thời hạn xét xử theo quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Cụ thể, vụ án được thụ lý từ ngày 19/12/2016, nhưng sau 17 tháng mới được xét xử. Việc hoãn phiên tòa tùy tiện đã gây thiệt hại về tinh thần, thời gian và tiền của cho phía bị đơn.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đã bỏ qua không xem xét đến những vi phạm của Tòa cấp sơ thẩm mà bị đơn và luật sư chỉ ra như: Không xem xét đến yêu cầu phản tố của bị đơn; vi phạm nghiêm trọng những quy định của BLTTDS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc tạm ngừng phiên tòa, hoãn phiên tòa, nghị án và tuyên án…
“Phiên tòa lần 2 ngày 22/9/2016, sau khi kết thúc phần tranh luận, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án thì chủ tọa tuyên bố tạm dừng phiên tòa để các đương sự có mặt đầy đủ. Phiên tòa lần 3 ngày 26/9/2016, chủ tọa thông báo hoãn phiên tòa vì vụ án có những nội dung cần phải xác minh, làm rõ... nhưng lại không nêu cần xác minh, làm rõ nội dung gì…” - đơn ông Hiệp nêu.
Cũng theo ông Hiệp, HĐXX phúc thẩm đã không xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không áp dụng đúng pháp luật nên đã quyết định không đúng gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Cty Cam Ranh.
Theo đó, đối với Hợp đồng tín dụng QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 và Phụ lục Hợp đồng tín dụng 01/QUANGNINH/HĐTD ngày 29/12/2012 là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác là việc cho vay đầu tư dự án nhưng thực chất là cho vay để đảo nợ (vay trả nợ cũ) được thể hiện tại Điều 7 trong hợp đồng “Toàn bộ số tiền cho vay sẽ được chuyển vào tài khoản tiền gửi của Bên B tại Bên A để thu nợ gốc cho vay vốn lưu động…”.
Do đó, số tiền hơn 30,7 tỷ đồng Agribank Khánh Hòa thu nợ luôn là làm trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quyết định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng; Văn bản số 3739/NHNN-CSTT ngày 20/6/2012 của Ngân hàng Nhà nước về việc “không được cho vay mới trả nợ cũ”.
“Từ những căn cứ trên, Cty Cam Ranh đã đề nghị tòa án tuyên hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng vô hiệu. Cty Cam Ranh chỉ phải trả số tiền gốc, không phải trả tiền lãi. Nhưng yêu cầu này không được chấp nhận. Bởi quan điểm của Cty là đối với các khoản nợ tại Agribank có vay, có trả, nhưng phải được căn cứ trên các thỏa thuận thống nhất giữa hai bên và tuân thủ theo các quy định của pháp luật…”, ông Hiệp cho biết.
Bên cạnh đó, quá trình giải quyết các khoản nợ, giữa Agribank Khánh Hòa và Cty Cam Ranh đã có các thỏa thuận bổ sung tại các biên bản cuộc họp ngày 23/3/2012 và ngày 12/6/2012. Theo đó, sau khi Cty Cam Ranh cung cấp hồ sơ, tài liệu thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có phương án sản xuất kinh doanh hai bên đã cùng thống nhất ý chí là, sau khi được duyệt cơ cấu lại thời gian trả nợ, hai bên sẽ ký lại phụ lục hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ tính lãi trong hạn (không tín lãi quá hạn) cho toàn bộ dư nợ kể từ ngày được cơ cấu.
“Do đó, ngân hàng tạm thời chưa thu nợ lãi và ngày 28/8/2012, các phụ lục hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã được ký kết theo tinh thần trên. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lại cho rằng không có nội dung này là không đúng với bản chất của biên bản ngày 23/3/2012 và ngày 12/6/2012 dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Hiệp lý giải.
Việc yêu cầu xem xét “phần cho vay không có đảm bảo bằng tài sản là bao nhiêu”, cũng không được HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét.
Đối với các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, Tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 92 BLTTDS và Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về “tình tiết sự kiện không phải chứng minh”.
Cụ thể, tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực pháp luật từ ngày 15/9/2010 đã chỉ rõ trong 6 Hợp đồng thế chấp số 01 ngày 1/6/2006 (01HĐBL/NAM, 01/HĐTC/TRUONG, 01/HĐBL/THACH, 01/HĐTC/HIEP, 01/HĐTC/BĐS/CRS và 01/HĐTC/CRS) thì chỉ có 1 Hợp đồng thế chấp động sản 01/HĐTC/ĐS/CRS là máy móc thiết bị tại Nhà máy Cam Thịnh Đông và Phân xưởng Nguyễn Thái Học.
Theo đó, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cũng có quan điểm những tài sản, bất động sản nêu trên không được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật nên không hợp pháp. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm vẫn quyết định xử lý các tài sản này và sau đó được HĐXX phúc thẩm đánh giá xử đúng?...
Ngày 2/8/2018, VKSNDTC đã có giấy xác nhận nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của Cty Cam Ranh và sau đó có thông báo kết quả xử lý đơn đề nghị của Cty Cam Ranh với nội dung: … sau khi nhận được đơn đề nghị của người đại diện theo pháp luật của Cty Cam Ranh là ông Võ Ngọc Hiệp – Tổng Giám đốc, VKSNDTC đã ban hành Văn bản số 185/YC-VKS-KDTM ngày 14/9/2018 yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chuyển hồ sơ vụ án kinh doanh thương mại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngày 4/10/2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có Công văn số 238/PG-TACCĐN thông báo về việc hồ sơ vụ án đã được chuyển cho TANDTC vào ngày 10/9/2018.
Hy vọng những phản ánh của ông Hiệp đại điện cho Cty Cam Ranh sớm được TANDTC xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên.