Ông Trần Hữu Đức và bà Trần Thị Vân có 5 người con gồm Trần Thị Thúy (SN 1972); Trần Hữu Hùng (SN 1974); Trần Thị Hiền (SN 1977); Trần Thị Hằng (SN 1979); Trần Thị Thủy (SN 1981). Bà Vân và ông Đức lần lượt qua đời vào các năm 2001 và 2013, đều không có di chúc. Di sản của 2 ông bà để lại gồm quyền sử dụng 96,0m2 đất tại thửa 85, tờ bản đồ số 04 và ngôi nhà trên đất (diện tích xây dựng khoảng 120m2) tại số nhà 12, phố Lê Đại Hành, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình và quyền sử dụng đất 60,5m2 đất tại thửa đất số 558, tờ bản đồ số 17 và ngôi nhà trên đất (diện tích xây dựng khoảng 40m2) tại tổ 9, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.
Sau khi họp bàn phân chia di sản không thành, chị Thúy, Hiền, Hằng, Thủy đã có đơn khởi kiện đề nghị TAND chia di sản trên theo quy định của pháp luật. Tại phiên xử ngày 14/5/2018, TAND TP Thái Bình đã có Bản án số 05/2018/DS-ST tuyên xử công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong việc phân chia khối tài sản thứ nhất theo hướng: Anh Trần Hữu Hùng sở hữu nhà và sử dụng đất tại tổ 9, phường Hoàng Diệu (có giá trị gần 300 triệu đồng và có trách nhiệm thanh toán cho chị Thúy, chị Hiền, chị Hằng, chị Thủy, mỗi người hơn 59 triệu đồng).
Về khối di sản thứ 2 (các tài sản không thỏa thuận phân chia được), Tòa đã giao chị Hằng được sở hữu nhà và sử dụng nhà đất tại 12 Lê Đại Hành (có giá trị gần 3,5 tỷ) đồng. Chị Hằng phải thanh toán cho anh Hùng gần 954 triệu đồng và chị Thúy, chị Hiền, chị Thủy mỗi người gần 636 triệu đồng.
Sau khi có bản án, anh Hùng đã kháng cáo vì cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không xem xét các chứng cứ có lợi cho bị đơn nên đã tuyên một bản án không đúng với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không đúng các quy định của pháp luật…
Cụ thể, anh Hùng cho rằng, “TAND TP Thái Bình đã chưa xác định tính hợp pháp, tính xác thực của di sản. Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP quy định: “Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự về xác định chứng cứ quy định: Tài liệu được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ vụ án mà chúng tôi sao chụp tại tòa đều không thấy tòa án không xác minh về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai xác định tình trạng của di sản. Ngay từ khi thụ lý vụ án cũng như quá trình chuẩn bị xét xử, TAND TP Thái Bình đã không xem xét tính hợp pháp của chứng cứ theo đúng quy định”.
Đáng chú ý, tại phiên tòa khi luật sư đề cập đến vấn đề này thì thẩm phán mới hỏi nguyên đơn xem có bản gốc hay không. Lúc đầu nguyên đơn không thừa nhận nhưng khi luật sư hỏi thì chị Thúy mới công nhận là “có cầm sổ đỏ”. Tuy nhiên, HĐXX đã không yêu cầu nguyên đơn cung cấp để đối chiếu.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho biết, “bản án sơ thẩm đã không tôn trọng ý nguyện của người đã khuất. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình, là người thờ cúng bố mẹ. Khi còn sống, bố tôi đã nói tại cuộc họp gia đình là cho tôi được hưởng nửa căn nhà đất tại số 12 Lê Đại Hành. Trong hồ sơ vụ án có lời khai của ông Trần Hữu Liêm, bà Trần Thị Tích, bà Trần Thị Tịch (em của ông Trần Hữu Đức) đã nói rõ: “Trước đây, khi vợ chồng anh chị Đức-Vân còn sống đã từng họp gia đình và nói về việc chia tài sản như sau: cho con trai Trần Hữu Hùng được hưởng một nửa căn nhà và quyền sử dụng đất tại số 12 phố Lê Đại Hành để Hùng làm nơi ở và thờ cúng bố mẹ; nửa căn còn lại của căn nhà số 12 phố Lê Đại Hành và căn nhà tại tổ 9 phường Hoàng Diệu sẽ được chia đều cho tất cả các con”.