Vụ tranh giả tại Bảo tàng TP HCM: Liệu có “kiện củ khoai”?

(PLO) -  Tiếp sau sự việc gia đình họa sỹ Thành Chương gửi đơn tố cáo, mới đây gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cũng gửi đơn kiện đến TAND TP HCM về việc bị giả mạo tranh trong số 17 bức tranh tai tiếng của ông Vũ Xuân Chung được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Nhiều nhà chuyên môn lo lắng, đây là một vụ quá mới mẻ trong lĩnh vực hội họa, không biết gia đình họa sĩ liệu có đủ căn cứ pháp lý để không phải “kiện củ khoai”?

Bảo tàng không thể coi mình vô can?

Đơn kiện gửi TAND TP HCM, ghi rõ bức tranh tên “Trừu tượng” mạo danh họa sĩ Tạ Tỵ là một sự giả mạo trắng trợn làm ảnh hưởng đến danh tiếng cố họa sĩ thuộc thế hệ những họa sĩ tài hoa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đơn đã yêu cầu ông Vũ Xuân Chung phải xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh mà ông (hay ông Hubert) đặt tên là “Trừu tượng” vì bức tranh này không phải do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ; công khai xin lỗi gia đình và vong linh họa sĩ Tạ Tỵ; bồi thường chi phí phát sinh khi phải tiến hành các giám định khác (nếu có) cho đến ngày thi hành án; các chi phí trả cho luật sư (LS). TAND TP HCM đang thụ lý vụ việc, dự kiến, ngày 11/8, tòa sẽ trả lời việc xử lý đơn.

Hiện, ông Vũ Xuân Chung, người bị khởi kiện chưa có phát biểu gì về vấn đề này. Về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, ông Trịnh Xuân Yên - Phó Giám đốc Bảo tàng cho rằng, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM chỉ là bên cho thuê địa điểm, thực chất không có trách nhiệm pháp lý trong vụ việc.

Tuy nhiên, theo LS Nguyễn Hữu Đức, người được ủy quyền thụ lý vụ việc, Bảo tàng không thể coi mình vô can. “Tôi đưa ra một ví dụ, một sản phẩm thực phẩm được ký gửi đưa vào bày bán trong một cửa hàng lớn có thương hiệu rõ ràng, nếu sản phẩm ấy thiếu chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì cửa hàng ấy chắc chắn phải chịu trách nhiệm ít nhất là về mặt xã hội. Không nói ra nhưng chắc nhiều người đều hiểu, mục đích của kẻ đưa tranh giả vào Bảo tàng Mỹ thuật là để làm gì.

Những bức tranh giả, nguồn gốc không rõ ràng, lại được đưa vào triển lãm, sau đó đóng dấu của Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM, một đơn vị uy tín quốc gia, chắc chắc số tranh đó sẽ có một giá trị khác, đáng tin cậy hơn. Trách nhiệm của Bảo tàng phải là kiểm chứng, bảo chứng độ xác thực của tranh, nếu không làm tốt điều này, để xảy ra tranh giả tuồn vào trưng bày thì chắc chắn bảo tàng không thể không liên quan”.

Về phần chuyên gia giám định Pháp Jean-François Hubert, LS Đức cho rằng, thật vô lý khi tranh của một họa sĩ Việt Nam lại không do họa sĩ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành hội họa Việt Nam chứng thực mà lại do một  “chuyên gia”  nước ngoài có uy tín và nơi làm việc không rõ ràng ký xác nhận. 

Sẽ tạo ra tiền lệ tốt cho thị trường mỹ thuật

Nhiều người thuộc giới mỹ thuật cho rằng, gia đình họa sĩ không dễ dàng kiện được nhà sưu tầm vì ông Vũ Xuân Chung chỉ là chủ sở hữu tranh, có thể hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc bức tranh. Về điều này, LS Nguyễn Hữu Đức cho biết, gia đình họa sĩ Tạ Tỵ hoàn toàn có đủ căn cứ kiện ông Vũ Xuân Chung theo quy định của pháp luật.

Tác phẩm có hai quyền cơ bản, đó là quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền tài sản có thể chấm dứt theo sự thay đổi chủ sở hữu, nhưng quyền nhân thân là quyền theo tác phẩm cả đời, không ai được phép thay đổi, giả mạo; căn cứ khác để gia đình họa sĩ Tạ Tỵ tiến hành vụ kiện, đó là kết luận được hội đồng thẩm định do Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM thành lập gồm những họa sĩ danh tiếng cùng các chuyên gia hội họa mỹ thuật nhiều kinh nghiệm của Việt Nam và chuyên viên cao cấp của Bộ VHTT&DL công bố bằng văn bản vào ngày 19/7/2016. 

Đến nay, một tháng sau buổi triển lãm thì những bức tranh giả vẫn cùng chủ nhân của mình nơi nào không ai rõ, đây là một điều gây bức xúc cho dư luận, nó cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, để mặc tranh giả vào, ra bảo tàng ngang nhiên, ngay cả khi bị phát hiện.

Theo LS Đức, vụ việc lẽ ra đã có thể ngăn chặn sớm hơn. Tại buổi họp hội đồng thẩm định nói trên, với tư cách là con rể và là LS của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ, đồng thời cũng là người đại diện pháp lý duy nhất có mặt, LS Đức đã có những đề xuất xử lý vụ việc căn cứ theo quy định pháp luật, theo đó,  nên xử lý theo hướng vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa vì hành vi xâm phạm quyền nhân thân thuộc quyền tác giả đã rõ ràng để xử lý, ngoài ra vụ việc chưa có dấu hiệu hình sự, chưa nên tố cáo đến cơ quan điều tra, vì vậy chỉ nên đề nghị thanh tra lĩnh vực văn hóa vào cuộc, lập biên bản các bức tranh giả mạo để tranh giả không thể phát tán di chuyển sửa đổi bằng các biện pháp áp dụng khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, sự việc đã không được lưu tâm đến.

Tranh giả ra, vào Việt Nam từ lâu đã là một hiện trạng gây nhức nhối giới hội họa và ảnh hưởng đến thương hiệu tranh Việt ở trong và ngoài nước. Nhiều gia đình họa sĩ biết có tranh giả của mình ngang nhiên lưu hành trên thị trường nhưng cũng không làm gì được, vì sợ phiền phức, hoặc e ngại những chi phí pháp lý cao.

Lần này, nếu một vụ giả mạo tranh được đưa ra tòa, sẽ là vụ việc có tính lịch sử, mở ra tiền đề cho việc chống lại tranh giả mạo. Theo LS Đức, gia đình họa sĩ Tạ Tỵ sẽ kiên quyết theo đuổi vụ việc đến cùng, đồng thời ủng hộ các gia đình họa sĩ là nạn nhân của các vụ giả mạo tranh lên tiếng, tất cả nhằm đem lại sự trong sạch cho môi trường mỹ thuật trong nước, góp phần lấy lại uy tín cho tranh Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đọc thêm